Một số di tích có liên quan đến Ngô Quyền tại Hải Phòng
Ngô Quyền (897 – 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương (前吳王), là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam, là vị “vua đứng đầu các vua“, là vị Tổ Trung hưng của Việt Nam.
Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, kết thúc gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Quần thể di tích Bạch Đằng Giang
Ngô Quyền sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm. Cha là Ngô Mân làm chức châu mục Đường Lâm. Sử sách mô tả ông là bậc anh hùng tuấn kiệt, “có trí dũng“. Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng.
Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn ông làm nha tướng, yêu mến và gả con gái cho, sau đó ông được cai quản châu Ái (Thanh Hóa ngày nay). Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một bộ tướng là Kiều Công Tiễn giết chết để giành quyền. Nghe tin này, Ngô Quyền từ châu Ái đem quân ra trừng trị tên phản chủ. Hoảng sợ, Kiều Công Tiễn cho người sang Trung Hoa cầu cứu nhà Nam Hán. Nhân cớ đó, vua Nam Hán một lần nữa tổ chức cuộc xâm lược nước ta, giao cho con trai là Lưu Hoàng Thao chỉ huy một hạm thuyền lớn đi trước, còn bản thân dẫn quân bộ đến biên giới chờ phối hợp. Được tin đó, Ngô Quyền tiêu diệt ngay bọn Kiều Công Tiễn, rồi hội quân, chuẩn bị kháng chiến. Nhiều hào kiệt các nơi hưởng ứng, đưa quân về, cùng Ngô Quyền sẵn sàng chiến đấu.
Tại cuộc họp với các tướng sỹ, Ngô Quyền đã đề xuất việc đem cọc lớn vót nhọn đầu và bọc sắt đóng ngầm dưới nước ở cửa biển. Các tướng đều đồng thanh ủng hộ. Tháng 11 năm 938, đoàn thuyền chiến nặng nề của quân Nam Hán tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi vờ thua, bỏ chạy. Giặc đuổi theo, thuyền vượt qua trận địa cọc ngầm. Chờ khi nước triều xuống, Ngô Quyền ban lệnh phản công như kế hoạch định trước. Hàng ngàn thuyền nhỏ của ta lao vào hạm thuyền của giặc, quân sỹ chiến đấu quyết liệt. Giặc chống không nổi, vội quay thuyền chạy ra biển, bất ngờ lao vào những cọc mũi nhọn đang nhô dần lên, thuyền bất ngờ bị vỡ tan tành. Quân ta lại xông lên đánh tiếp, Thái tử Hoàng Thao chết tại trận. Được tin đó, vua Nam Hán là Lưu Cung than khóc và hạ lệnh cho rút quân về nước.
Nhà sử học Lê Văn Hưu đã dành cho Ngô Quyền những lời ca ngợi xứng đáng: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Thao, mở nước xưng vương, làm cho phương bắc không dám sang nữa. Có thể nói một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”. Còn sử gia Ngô Thì Sỹ thì có lời bình: “Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Nhưng chiến công của các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu…”.
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng kinh đô ở Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội), “đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”, mở đầu kỷ nguyên độc lập và phát triển đất nước trên nhiều phương diện. Ông ở ngôi 5 năm, đến năm 944 đã băng hà.
Ngày nay, đền thờ Ngô Quyền được lập ở một số địa phương nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Quyền. Ở Hải Phòng, nơi Ngô Quyền dùng làm chiến trận đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cũng đã có trên 20 ngôi đền, đình, từ và khu di tích được xây dựng nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Ông. Một trong số những di tích tiêu biểu đó là:
Di tích Từ Lương Xâm:
Lương Xâm là tên một xã thuộc huyện An Dương, phủ Kinh Môn, Trấn Hải Dương xưa (nay là phường Nam Hải, quận Hải An, Hải Phòng). Từ Lương Xâm toạ lạc trên khu đất rộng, cao ráo, có nhiều cây cổ thụ. Phía trước Từ có một sân rộng là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội của di tích và bên cạnh là một hồ rộng tạo nên thế phong thuỷ của di tích. Từ có kiến trúc chính quay về hướng Đông với bố cục kiểu nội công, ngoại quốc; được dựng trên khu đất cao, có nhiều cây cổ thụ, trên nền bản doanh và kho lương của Ngô Quyền chống giặc Nam Hán xưa. Đây là nơi Ngô Quyền nhiều lần trực tiếp chỉ huy tác chiến.
Di tích Từ Lương Xâm
Từ Lương Xâm là một trong “Tứ linh từ” linh thiêng của huyện cổ An Dương và nay là một trong 3 “linh từ” linh thiêng của quận Hải An (Từ Lương Xâm, Phủ Thượng Đoạn, Đền Phú Xá).
Nhìn toàn cảnh, ngôi Từ được bố cục theo kiểu “Nội công, ngoại quốc”, liên hoàn khép kín, nối giữa nhà Tiền Bái là hàng gạch dẫn xuống thẳng hậu cung với hai bên là 2 nhà giải vũ. Ở giữa vòng khép kín đó là nhà thiêu hương, đặt cỗ kiệu bát cống với nghệ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm bong kênh trên các thanh hàm rồng, hàm thọ, cuốn thư, các mô típ rồng có chạm khắc đao, mác, ngoài ra còn đặt các đồ nghi trượng, long, đao, phủ việt (búa) được sơn son thếp vàng rất đẹp và bắt mắt.
Từ Lương Xâm được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1986, chứa đựng nhiều nội dung liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền.
Trong số 4 nơi thờ Ngô Quyền tại địa bàn quận Hải An thì từ Lương Xâm được coi là “từ cả” bởi cách đây 1.075 năm về trước nơi đây chính là đại bản doanh của Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán. Từ xa xưa, Từ Lương Xâm trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của dân làng, được mở hội hàng năm vào đúng ngày 16 tháng Giêng âm lịch (ngày hoá của ngô Quyền), các nơi khác sang ngày 17 tháng Giêng mới tiến hành lễ hội.
Khác với lễ hội của các làng xã khác, lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Vào ngày chính hội, người dân trong các thôn làng lại góp sức làm lễ dâng lên Đức Vương Ngô Quyền, bày tỏ lòng thành kính tới công lao của Ngài đối với vùng đất này. Sau khi đã tiến hành nghi thức quốc lễ tại từ Lương Xâm thì đến lượt các tổng, các làng xã xung quanh tổ chức tế lễ Ngô Vương. Về cấp độ, việc tế lễ Ngô Quyền do 3 cấp tiến hành: của nhà nước (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần) sau này do hàng huyện đảm nhiệm, của hàng tổng và của dân làng sở tại. Trong lễ hội từ Lương Xâm, cuộc hành lễ của hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng. Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh. Vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.
Di tích đình Hàng Kênh:
Đình Hàng Kênh hay còn gọi là đình Nhân Thọ, nằm trên phố Nguyễn Công Trứ (Thành phố Hải Phòng) thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Tương truyền trước khi đánh quân Nam Hán, Ngô Quyền đã đóng quân, chiêu binh tập mã ở An Dương (nay thuộc Hải Phòng). Dân nhiều làng ở đây đã làm quân cận vệ và chuẩn bị những cọc gỗ đóng xuống lòng sông Bạch Đằng để chống quân xâm lược.
Di tích Đình Hàng Kênh
Theo các nguồn tài liệu nghiên cứu, đình Hàng Kênh được khởi dựng vào đầu thế kỷ 18, đời vua Lê Dụ Tông. Trải qua hàng trăm năm biến động, đình được tu bổ, dựng lại vào năm Tân Hợi đời Tự Đức (1851).
Đình có kiến trúc hình chữ công bao gồm: Đại đình, tòa ống muống và hậu cung. Ngoài kiến trúc chính còn có hai tòa giải vũ, hồ bán nguyệt. Tòa đại đình là phần kiến trúc trọng yếu nhất của ngôi đình. Khung tòa nhà làm theo kiểu vì biến thể “Giá chiêng chồng rường con nhị” với 6 hàng cột. Toàn bộ khung chịu lực có 7 bộ vì với 42 cây cột cao hơn 5m, chu vi cột cái gần 2m, được kê trên những chân tảng đá xanh chạm nổi một bông sen xòe cánh, tạo cảm giác như kiến trúc được nở ra trong một đầm sen. Mái đình lợp ngói mũi hài, với 4 đầu đao cong vút như nâng bổng các tàu mái nặng nề bay lên. Trong lòng đình, ngoại trừ các thân cột và hệ thống hoành, rui còn tất cả thành phần kiến trúc của đình đều chạm khắc trang trí hàng chục loại hoa lá, chim muông, mỗi con một kích cỡ, một phong thái, dáng vẻ khác nhau.
Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, đình Hàng Kênh còn có giá trị về điêu khắc. Trong đình có hơn 100 mảng chạm khắc hình tượng rồng. Hai Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ và Trịnh Cao Tưởng đã thống kê được trên 100 mảng điêu khắc này có hình tượng 400 con rồng, mỗi con một vẻ, mỗi tư thế khác nhau và được tạc theo từng ổ, rồng mẹ rồng con quấn quýt bên nhau giữa cỏ cây hoa lá. Đi trong đình, người xem như lạc vào thế giới của rồng vô cùng sống động, nhộn nhịp, huyền ảo. Những mảng chạm khắc rồng, mây, hoa lá cách điệu nổi trên mặt các tấm ván, dưới chân các chấn song như thách thức cùng thời gian. Gian chính của đình có cửa võng sơn son thiếp vàng được chạm thủng cân xứng. Cửa võng này giống như một bức tranh điêu khắc sống động có hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt, đôi chim phượng xoè cánh, ngựa qua sông, rùa sải chân cùng hồ nước hoa sen. Hiếm có nơi nào các nghệ nhân lại dùng lối “bong hình” hay “chạm lộng” để chạm khắc như nơi đây.
Đình Hàng Kênh không chỉ có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mà còn bảo lưu được kiến trúc ván sàn lòng thuyền độc đáo, hiếm có, đưa đình Hàng Kênh trở thành một di sản văn hóa đặc sắc trong các ngôi đình Việt Nam. Trong đình lưu giữ nhiều hiện vật quý như văn bia ghi tên tuổi những người của làng đỗ đạt từ 1460 đến 1693, nhiều đồ tế khí như chuông, đỉnh đồng, khánh đồng, hạc, lục bình, bát hương bằng sứ, tượng, các hoành phi, câu đối, cửa võng, kiệu bát cống, voi ngựa bằng gỗ được chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng lộng lẫy với các hoa văn phong phú, sinh động.
Với những giá trị đặc sắc, hiếm có, đình Hàng Kênh được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1962.
Hàng năm vào trung tuần tháng hai âm lịch, đình mở hội, cúng tế, để tưởng nhớ Ngô Quyền, có hát ả đào, hát chèo, múa hạc gỗ và nhiều trò dân gian khác.
Di tích đền thờ Ngô Quyền ở Tràng Kênh:
Nằm cách trung tâm thành phố 20 km về phía Đông Bắc, cụm công trình đền thờ Ngô Quyền, đền Lê Đại Hành, đền Trần Hưng Đạo thuộc xã Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cụm công trình tọa lạc trên một địa thế đẹp, một bên là quần thể núi đá Tràng Kênh, một bên là nơi sông Bạch Đằng hợp lưu với nhiều con sông lớn, trong thế tựa lưng vào núi, mặt hướng về phía Tây Nam tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa núi, sông, cảnh quan thiên nhiên và làng quê trù phú. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi khi chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi đây đã không khỏi thốt lên: “nơi mà các sông giao lưu, sóng nước liền trời, cây cói che bờ, thật là nơi hiểm yếu ở biên cảnh”.
Di tích Đền Tràng Kênh
Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, Tràng Kênh – Bạch Đằng là một địa danh trọng yếu trong tuyến phòng ngự bảo vệ cửa Đông Tổ quốc. Theo các nguồn sử liệu, mảnh đất này xưa vốn là xã Tràng Kênh, tổng Dưỡng Động, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Vào năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền đã vùi chôn tham vọng xâm lăng của đại quân Nam Hán. Năm 981, vua Lê Đại Hành đã chiến thắng giặc Tống trên sông Bạch Đằng. Năm 1288, nơi đây Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã đánh tan quân Nguyên Mông.
Ngôi đền được thiết kế theo hình chữ Đinh, chia thành các khu, tất cả mọi thứ đều được chạm khắc, sơn son, thiếp vàng tinh xảo nên không gian mang phần trang nghiêm, lộng lẫy.
Di tích Bạch Đằng Giang:
Khu di tích thuộc xã Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20 km. Đây là quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng lớn bậc nhất Hải Phòng, một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.
Bãi cọc tại di tích Bạch Đằng Giang
Vùng cửa sông Bạch Đằng là một địa danh đặc biệt vì gắn liền với ba trận thủy chiến, biểu tượng cho tinh thần anh dũng chống lại những thế lực ngoại xâm lớn mạnh gấp bội phần của dân tộc Việt Nam.
Từ năm 2008, thành phố Hải Phòng đã tái dựng một quần thể di tích lịch sử tại Tràng Kênh để biểu đạt những giá trị to lớn của ba chiến công vĩ đại trên sông Bạch Đằng. Nổi bật nhất trong khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang là quần thể ba ngôi đền gắn với tên tuổi ba nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Cả ba ngôi đền đều được kiến trúc theo dáng cổ, với sự kết hợp kỳ công giữa gỗ và đá tự nhiên, tọa lạc dưới những vòm cây đang tỏa bóng, dọc theo một triền núi ven sông, tạo thành vùng sinh thái thơ mộng, trên bến dưới thuyền, sơn thủy hữu tình gắn quyện.
Ngoài bến sông Bạch Đằng, có thêm một con đường rộng thênh thang, dẫn lối tới những cầu đá nổi, được chạm khắc tinh xảo, tôn thêm vẻ hùng tráng của ba pho tượng các bậc danh tướng, sừng sững ngự trên mặt sông. Phía dưới là bãi cọc, chứng tích lịch sử về những chiến thắng vang dội của một thuở non sông. Khu vực này đang được dự kiến đầu tư mở rộng trở thành công viên Chiến thắng Bạch Đằng, tương lai là địa điểm tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Khu di tích này cũng đang được thành phố Hải Phòng đề cử để nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Bùi Thị Thu Phương