Nhận dạng di tích tại Hoàng thành Thăng Long

Theo các nhận định ban đầu cho rằng các phế tích kiến trúc ở phía Bắc khu A là của một tổ hợp kiến trúc có liên quan mật thiết với nhau, bao gồm: một ”tòa nhà nhiều gian” có chiều rộng 17,65m, chạy dài ít nhất 09 gian (khoảng 67m) và một dãy các ”lầu lục giác”.

Điều đáng quan tâm là sự liên hệ, tiếp nối giữa các kiến trúc này. Hiện trường còn rất rõ một số mảng nền lát gạch vuông (0,38m x 0,38m x 0,08m), nối liền từ mép rãnh thoát nước phía Tây ”tòa nhà nhiều gian” với các ”lầu lục giác”.

Chiều rộng của nền gạch này đo được 2,60m. Nhiều viên gạch vuông của nền gạch nói trên đã được cắt chéo để lát sát vào hàng gạch chữ nhật (0,39m x 0,18m x 0,06m) xây nghiêng bao quanh mặt nền của ”lầu lục giác”.

Căn cứ vào dấu vết của nền lát gạch vuông này, chúng tôi cho rằng ”tòa nhà nhiều gian” và các ”lầu lục giác” có cùng một niên đại khởi dựng.

Về niên đại: Để định niên đại cho các dấu tích kiến trúc đã xác định ở khu A, chúng tôi dùng phương án đối chiếu và so sánh tổng hợp, kết hợp với việc phân tích địa tầng.

Trước hết chúng tôi tập trung vào các trụ móng sỏi có chuẩn niên đại tương đối. Như đã trình bày, ở khu A20 còn có 8 trụ móng sỏi còn nguyên chân tảng đá xếp tại chỗ. Các chân tảng đều bằng đá cát, các cánh sen thon thả, trau chuốt, đẹp tương tự như chân tảng đá hoa sen thời Lý ở tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định)…

Đồng thời tại khu vực hố A20 có khá nhiều các di vật lá đề và gốm sứ thời Lý. Các loại gạch có thềm hiên nhà đều còn nguyên vẹn và dáng hình, sắc màu đều giống hệt như các viên gạch xây các tháp Lý vừa dẫn. Từ các dẫn liệu trên đây chúng tôi tin rằng đây là dấu tích kiến trúc của thời Lý. Niên đại này được củng cố khi so sánh mặt bằng của hai kiến trúc này là tương đương với địa tầng chuẩn Lý – Trần ở Đoan Môn đều ở độ sâu khoảng 2m. Khi đó có các móng trụ có niên đại tương đối ta có thể so sánh tìm hiểu niên đại của các móng trụ khác. Ta sẽ thấy, móng trụ sỏi ở ”kiến trúc nhiều gian”, ở ”lầu lục giác” giống hệt về kỹ thuật, vật liệu, kích thước với các trụ móng sỏi Lý ở khu A20.

Dấu tích kiến trúc “Lầu lục giác”

Về địa tầng các trụ móng đó cùng độ sâu 1,80m – 2,20m với các kiến trúc ở A20, tức là đều nằm trong khoảng niên đại khoảng thời Lý.

Hơn nữa xét về mặt kỹ thuật xây dựng, các móng trụ ở đây cũng đều thuộc kỹ thuật của thời Lý và thời Trần. Trong thời Lý, kỹ thuật gia cố sỏi đặc biệt thấy rõ ở chùa Lạng (Hưng Yên), tháp Chương Sơn (Nam Định), tháp Phổ Minh (Nam Định).

Các trụ móng sỏi ở thời Lý thường được gia cố rất chặt chẽ. Điều này khác với các trụ móng sỏi thời muộn hơn (có thể là thời Lê), có gia cố sỏi nhưng sơ sài hơn rất nhiều và ở độ sâu cao hơn. Nói cách khác các trụ móng sỏi Lê nằm ở mặt bằng cao hơn mặt bằng Lý – Trần.

Hơn nữa, như đã nói trên, phủ trên mặt bằng của khu vực của các trụ móng thời Lý là một lớp di vật có niên đại Lý nên có thế tin rằng hầu hết các trụ móng ở đây đều thuộc thời Lý.

Điều này còn được khẳng định thêm khi phát hiện một hồ nước cổ hình chữ nhật phía Nam khu ”kiến trúc nhiều gian” bị lấp đầy vật liệu Lý, Trần. Điều này chứng tỏ hồ nước này đã bị lấp trong thời Trần. Hồ nước này đã phá vào móng kiến trúc ”lầu lục giác” và một phần móng trụ của ‘kiến trúc nhiều gian”. Chúng tôi cho rằng hồ này được đào vào đầu thời Trần và bỏ đi vào khoảng cuối thời Trần. Do đó ta cũng thấy các trụ móng sỏi đã xuất lộ ở cùng mặt bằng đều thuộc thời Lý.

Kiến trúc cổ truyền Việt là các công trình có hệ chịu lực bằng khung gỗ, với cấu kiện cơ bản là hệ thống cột. Vì vậy, người Việt chỉ chú trọng gia cố nền mà không cần đến móng. Sức nặng của công trình được phân tán qua hệ cột nên chân các cột đá được gia cố bằng các chân tảng đá có kích thước lớn gấp nhiều lần đường kính cột.

Hiện trạng khảo cổ học (tầng văn hoá, hiện vật) và kết quả khảo sát địa chất khu vực này cho phép khẳng định có một dòng chảy cổ (theo hướng Bắc – Nam) ở phía Tây các phế tích nói trên. Nền đất tự nhiên chịu tải kém nên các công trình kiến trúc ở đây đều có hệ thống hố gia cố chân tảng. Đây là một thành tựu, một tiến bộ kỹ thuật của người Việt trong xây dựng. Với khảo cổ học kiến trúc (hay khảo cổ học đô thị), các phế tích nói trên còn cung cấp những hiểu biết mới, có tính chất lý thuyết về việc gia cố chân tảng, về cách thức xác định kích thước – quy mô của một kiến trúc qua các dấu vết của phế tích. Kỹ thuật này đã được thấy ở cố đô Hoa Lư thời Đinh – Lê.

Ở kỹ thuật xây trụ móng được thực hiện bằng các móng bè bằng gỗ lim cao 5 lớp kết hợp với lớp móng trụ đá ở bên trên. Đến thời Lý và thời Trần, kỹ thuật này bây giờ xử lý hoàn toàn bằng sỏi và gạch vụn, sành vụn. Móng trụ bằng sỏi thời Lý và thời Trần có quy mô và chắc chắn nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Các phế tích kiến trúc ở khu A còn cần được nghiên cứu kỹ hơn. Kiến giải của chúng tôi về một số phế tích chỉ là những nhận định ban đầu. Tuy chưa thể khẳng định về quy mô và công năng của tất cả các công trình nhưng rõ ràng các phế tích này cho thấy một quần thể kiến trúc toà ngang dãy dọc khá phong phú. Dung mạo của một bộ phận Hoàng Thành Thăng Long xưa đã hiển hiện qua dấu vết vật chất chứ không chỉ là hình ảnh của sách vở, chữ nghĩa.

Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button