Chùa Quan Âm (Quan Âm Tự)

Chùa Quan Âm có tên chữ là “Quan Âm Tự” và tên địa danh là chùa Thượng Lão ở thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội

Xuân Canh xưa là vùng đất cổ, nằm trong xứ Kinh Bắc – một trung tâm Phật giáo sớm nhất nước ta, cũng là vùng đất nổi tiếng văn hiến của châu thổ sông Hồng. Đến thế kỷ XVII – XVIII, cũng như ở nhiều làng quê khác, người dân Xuân Canh đã tạo dựng cho mình một nền kinh tế, văn hóa khá phát triển, nhiều công trình kiến trúc phục vụ cho đời sống tôn giáo – tín ngưỡng ra đời và được nhiều nơi biết đền mà tiêu biểu nhất là chùa Quan Âm.

Ngoài chức năng chính là thờ Phật – một tôn giáo được du nhập vào nước ta từ rất sớm và phát triển sâu rộng ở các làng thôn vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, chùa Quan Âm còn nhiều điện thờ Mẫu và phối thờ những người có nhiều công đức với làng, với chùa.

Bia “Quan Âm tự bi” cho biết vào những năm 1680 “ … có người nhà của một cung dân trong thành Nghị Lang tên là Vũ Thị Ngọc Bông tới tham quan các chùa ở Kinh đô. Tới thôn Thượng Lão, thấy chùa Quan Âm đất đẹp, người tài, có thuần phong mỹ tục … mở lòng từ thiện cúng một ngàn cân đồng tốt, một tấm bia đá cho chùa Quan Âm …”.

Theo mô tả trong tấm bia “Quan Âm tự bi” thì trước kia, chùa Quan Âm có quy mô khá bề thế và hoàn chỉnh “Phía trước, phía sau nhà nhị đường muôn cây um tùm, bên phải bên trái hai dãy hành lang trăm hoa đua nở”. Qua năm tháng, chùa Quan Âm không còn giữ được quy mô kiến trúc như ban đầu, song về mặt bằng quy hoạch của chùa vẫn còn khá hoàn chỉnh với các kiến trúc chính gồm: tam quan, chùa chính, nhà mẫu, nhà tổ và nhà khách.

Tam quan chùa được xây bằng gạch đơn giản với hai cột trụ vuông, hai bên cổng, phía ngoài tường bao có đôi nghê đá. Chùa chính có kết cấu chữ “Đinh”, gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Chùa nhìn về hướng Nam.

Tiền đường được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai tường hồi xây vượt ra với hai trụ biểu hai bên, lòng nhà tiền đường gồm 7 gian với 5 gian giữa mở và hai gian hồi xây bịt chỉ mở 2 cửa sổ nhỏ. Bộ khung đỡ mái của chùa gồm 8 bộ vì, 6 bộ vì ở giữa được làm theo kiểu vì giá chiêng, chỉ bào trơn kẻ soi, không trang trí gì. Các bộ vì này dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Tiền đường hiện còn 10 cột gỗ trong đó có 4 cái gian giữa và 6 cột gỗ khác cao 3m.

Thiêu hương được nối liền với gian giữa tiền đường, có nền nhà ngang bằng gian ngoài, nhà một gian hình vuông, nền nhà có xây một bệ gạch cao 20cm, là nơi hành lễ của các nhà sư và các tín đồ.

Thượng điện chạy dài từ gian thiêu hương theo chiều dọc gồm 3 gian 1 dĩ. Phần khung nhà được đỡ bằng 5 bộ vì giữa có kết cấu giá chiêng, bộ vì ngoài cùng có kết cấu chồng rường và bộ vì cuối làm theo kiểu quá giang, các kiến trúc gỗ ở đây đều bào trơn, kẻ soi nhẹ nhàng, không trang trí gì. Trong lòng nhà thượng điện có xây những bệ gạch cao dần.

Nhà Mẫu và nhà Tổ là một dãy nhà 5 gian nằm phía sau bên trái chùa chính, nhà xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung nhà được đỡ bởi 6 bộ vì. Bên trong lòng nhà chỉ sử dụng 3 gian giữa làm nơi thờ tự, còn hai gian hồi xây kín.

Nhà khách gồm 3 gian chạy dọc áp sát bên trái thượng điện.

Toàn bộ kiến trúc của chùa Quan Âm hiện còn là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm Khải Định thứ 5 (Canh Thân, 1920), vì thế kiến trúc ngôi chùa mang nhiều nét phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống thời Nguyễn. Riêng nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách kiến trúc mang phong cách truyền thống, các trang trí trên kiến trúc gỗ không nhiều nên tạo cảm giác nhẹ nhàng mà vẫn mang đường nét phong cách nghệ thuật dân tộc.

Chùa Quan Âm hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng với 41 pho tượng tròn gồm 35 pho tượng Phật, 3 pho tượng Mẫu và 3 pho tượng Tổ. Ngoài ra chùa cũng còn nhiều di vật khác như bia đá, phù điêu, nghê đá, chuông đồng cùng nhiều đồ gỗ khác.

Trong tâm thức của người dân làng xã Xuân Canh, chùa Quan Âm từ bao đời nay đã là nơi lưu giữ và chứng kiến tấm lòng mộ Phật của người dân nơi đây, là nơi đoàn kết, củng cố mối quan hệ cộng đồng làng xã, nơi giáo dục truyền thống văn hóa cho nhân dân địa phương. Chùa gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và trở thành nơi giáo dục lòng từ bi bác ái theo giáo lý nhà Phật cho dân làng nói riêng và du khách thập phương nói chung; xứng đáng là “danh lam đứng đầu xứ Kinh Bắc” như trong tấm bia “Quan Âm tự bi” đã viết.

Chùa được Bộ VHTT xếp hạng năm 2000.

Nguyễn Hữu Mùi

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button