Di tích lịch sử văn hóa và tên gọi thủ đô Hà Nội

Nói đến Việt nam có bốn ngàn năm văn hiến, người ta không thể không tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa của cố đô Việt Nam có tên từ ngàn xưa là Cổ Loa, Đại La (hay La Thành), rồi Hoa Lư, Đông Đô, Thăng Long và ngày nay là Hà Nội. Khai triển chủ đề văn hóa trong năm 2006, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu, theo mốc thời gian lịch sử, các di tích lịch sử văn hóa của ba miền Bắc, Trung, Nam.

Mở đầu các di tích lịch sử văn hóa tại miền Bắc, cái nôi văn hóa của nước Việt Nam “ngàn năm văn vật”, chúng tôi xin kể lại một số di tích nổi tiếng tại cố đô Thăng Long mà người dân Việt nào cũng cần biết để hãnh diện về các công trình của Tổ Tiên đã để lại. Nói tới thủ đô Hà Nội ngày nay, tuổi trẻ VN chắc không mấy người biết căn nguyên của các biến chuyển lịch sử và tên gọi của thủ đô. Để mọi người có dịp tìm hiểu nguồn gốc, chúng tôi xin ngược giòng thời gian để nhắc lại tên gọi kinh đô ngày xưa và thủ đô ngày nay.

– Cổ Loa: được coi là thủ đô có thành quách đầu tiên của VN dưới thời Thục An Duơng Vương (257-207 trước Công Nguyên), sau triều đại cuối cùng Hùng Vương XVIII. Cổ Loa là khu di tích lịch sử quan trọng nhất về thời kỳ dựng nước của dân tộc VN. Cổ Loa nằm trên địa phận huyện Đông Anh, cách thủ đô Hà Nội 17 km về phía Đông Bắc. Nói tới Cổ Loa thành, người Việt không thể quên câu chuyện bi ai giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu. Câu chuyện kỳ thú được kể lại là thành xây ban ngày đến đêm lại bị đổ. Vua An Dương Vương phải cầu trời khấn thánh thì được thần Kim Quy (Rùa vàng) xuất hiện tặng cho cái nỏ thần và chỉ kế diệt Bạch Tinh Kê (Gà trắng) thì thành mới xây xong. Chiếc nỏ thần mà cái lẫy chính là móng Rùa vàng, nên bắn ra trăm phát trăm trúng, đã giúp vua diệt giặc và giữ vững được thành. Triệu Đà tính chiếm nước Âu Lạc mà đánh mãi vẫn thua, nên dùng kế gián điệp, giả cho con trai là Trọng Thủy sang kết hôn với con gái vua An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi hỏi dò Mỵ Châu, biết được nhờ có nỏ thần An Dương Vương mới thắng trận, Trọng Thủy liền tráo nỏ giả và ăn cắp nỏ thật đem về cho vua cha. Triệu Đà có nỏ thần liền cất quân đánh Âu Lạc. Khi An Dương Vương đem nỏ ra bắn thì vô hiệu quả, phải lên ngựa chạy bỏ Cổ Loa, có Mỵ Châu ngồi sau lưng. Trước khi về nước, Trọng Thủy có hẹn sẽ trở lại và nếu có binh biến, đi đâu Mỵ Châu nên thả lông ngỗng trên đường để Trọng Thủy có thể tìm ra. An Dương Vương chạy đến đường cùng thấy quân Triệu Đà vẫn đuổi theo thì khấn thần Kim Quy lên giúp. Khi vua hỏi tại sao nỏ thần không hiệu nghiệm thì Thần Kim Quy nói “giặc ngồi ở sau lưng nhà vua đó”. Biết vậy, vua bèn vung gươm giết con gái mình và nhảy xuống sông tự tử. Nước Âu Lạc từ đó bị Triệu Đà chiếm mất. Khi Mỵ Châu chết, nàng biến thành ngọc trai ở biển Đông, còn Trọng Thủy, thất vọng vì mất người yêu đã gieo mình xuống giếng Loa Thành tự vẫn.

Theo các sử liệu cũ và những dấu tích xưa còn lại đến nay được biết: Thành xây quanh có 9 lớp theo hình trôn ốc. Di tích còn lại đến nay chỉ còn lại 3 lớp thành trong cùng đắp bằng đất. Thành ngoài dài 8 km, thành giữa 6,5km, thành trong 1,6km, lũy cao trung bình 4-5m, có chỗ 8-12m, chân lũy vững chãi dài 20-30m, mặt lũy rộng 6-12m. Bên ngoài mỗi lũy thành là hào sâu và rộng có thể đi lại bằng thuyền bè, hào nối với sông, với đầm rộng mênh mông… Xét về mặt quân sự, thành Cổ Loa vừa có khả năng phòng thủ và phản công, vừa là căn cứ bộ binh vừa là căn cứ thủy binh. Các cửa thành bố trí rất khéo, không cửa nào nhìn thông sang cửa nào, nối liền hai cửa thành là những đường chéo. Thành bên trong nơi vua ở được xây theo hình chữ nhật, có 18 ụ đất đắp cao, vượt mặt thành và nhô ra khỏi chân lũy vài mét. Những dấu tích còn lại đến nay cũng đủ để hình dung sự vững mạnh của cố đô Âu Lạc năm xưa. Năm 1959, ở khu vực Cầu Vực cách chân thành phía ngoài Cổ Loa vài trăm mét đã phát hiện một kho tên đồng, có tới hàng vạn chiếc. Trên đường đi vào thành tháng 6-1982, các nhà khảo cổ học đã đào thấy trống Cổ Loa cùng với 200 hiện vật khác. Bên cầu Sa bắc qua một con lạch (xưa kia gọi là sông Hoàng Giang) hiện có một bờ giếng và một ngôi miếu nhỏ. Giếng có tên là Loa Khẩu (miệng ốc). Theo truyền thuyết thì đây là nơi thờ thần Kim Quy.

Ngoài cổng thành phía Nam còn có đình Cổ Loa, theo người xưa kể đây là “Ngự Triều Di Quy” (nơi bá quan hội triều ngày xưa), phía trái có cây đa ngàn tuổi. Tiếc thay qua thời gian và sự hủy hoại của thiên nhiên, cây đa ngàn tuổi đã dần dà bị chết. Hiện nay dân chúng làng Cổ Loa đã trồng thế cây đa 5 tuổi được lấy giống từ cây đa ngàn tuổi. Gốc cây đa ngàn tuổi bị tách làm đôi, tạo thành cửa tò vò trước am thờ công chúa Mỵ Châu. Trong am có một pho tượng đá cụt đầu, tương truyền đó là tượng Mỵ Châu bị vua cha chém đứt đầu. Cách không xa am Mỵ Châu là đền thờ An Dương Vương. Trước đền có một cái hồ và giữa hồ có một cái giếng gọi là “giếng ngọc” hay còn gọi là “giếng Trọng Thủy”. Ở cửa đền có 2 con rồng đá nằm uốn khúc do nét chạm tinh vi của những người thợ thủ công thế kỷ 17. Trong đền có nhiều tác phẩm điêu khắc thời Hậu Lê, đáng chú ý là một đôi ngựa hồng bằng gỗ làm từ năm 1716 và một pho tượng đồng vua Thục được đúc từ năm 1897. Trên hương án có bày chiếc nỏ bằng gỗ tượng trưng cho chiếc nỏ thần của vua Thục.

Trải qua thời gian, thành Cổ Loa luôn là biểu tượng tự hào về lịch sử chống xâm lược của người Việt Nam. Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng giêng, dân chúng Cổ Loa và khách du lịch trên khắp mọi miền của Tổ quốc lại về dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương và tổ chức trọng thể lễ hội đền Cổ Loa với các cuộc thi và trò chơi dân gian.

– Cổ Loa tiếp tục là kinh đô của VN dưới triều đại Ngô Quyền (939), sau khi dành độc lập cho VN.

– Hoa Lư ở Ninh Bình được chọn làm kinh đô dưới triều đại Đinh Tiên Hoàng (968).

– Đại La hay La Thành được chọn làm kinh đô dưới triều đại Lý Thái Tổ (1010-1028). La Thành hay Thành Đại La có nguồn gốc thời quân Tàu đô hộ VN từ năm 111 trước Công nguyên tới năm 939, khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán dành lại độc lập cho VN. Khi quân Tàu xâm lăng VN, chúng đã từng xây thành quách để phòng thủ tại vùng tả ngạn sông Hồng như ở Tiên Du ở tỉnh Bắc Ninh và Long Biên, phía Bắc sông Đuống. Năm 866 nhà Đường của Tàu đổi An Nam Đô hộ phủ thành Hải Quận và Cao Biền được bổ nhiệm làm Tiết Độ Sứ. Để củng cố quyền lực, Cao Biền cho đắp lại thành Đại La để bảo đảm an ninh và đắp đập để tránh nước sông Tô Lịch và sông Hồng tràn vào thành. Bờ đê bao bên ngoài gọi là Đại La thành.

*-Truyền thuyết 1: Theo truyền thuyết thì mấy lần Cao Biền bắt đầu đắp thành đều bị sụt lở. Một đêm Cao Biền đứng trên lầu nhìn thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng phóng đi, phóng lại như bay và nói cho Cao Biền cứ theo vết ngựa mà đắp thành. Sau khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ngay nơi xuất hiện. Vì vậy đền này có tên là đền Bạch Mã, nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm Hà Nội. Có sách khác viết: khi đang đắp thành, Cao Biền thấy trời đất tối mịt, mây mù bao phủ khắp bầu trời. Trong đám mây ngũ sắc, Cao Biền thấy một dị nhân ngồi cưỡi con rồng đỏ bay lượn trên mặt thành. Cao Biền kinh sợ muốn dùng bùa phép trấn yểm. Đêm hôm ấy Cao Biền nằm mơ thấy vị thần hiện lên bảo rằng: “Ta là tinh anh đất Long Đỗ, nghe nói ông đắp thành bèn đến hội kiến, cớ sao lại định dùng bùa phép trấn yểm?”
Cao Biền tuy sợ, nhưng vẫn dùng đồng và sắt làm bùa đem chôn yểm ở các nơi có long mạch. Bất ngờ đêm ấy mưa to gió lớn, sấm sét nổ vang. Sáng hôm sau, Cao Biền đi xem các nơi đã chôn yểm thấy bùa phép đều bị sét đánh nát vụn. Cao Biền biết là vị thần thiêng của nước Nam, không thể làm hại nổi, nhân đó sai lập đền thờ để cầu thần phù hộ.

*-Truyền thuyết 2: Lại tương truyền khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, cho tu sửa thành Đại La nhưng công việc trầy trật mãi không xong. Vua sai người vào đền cầu khẩn và bỗng thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy khắp một vòng quanh thành, đến đâu có vết chân để lại đến đấy. Vua sai theo vết ngựa mà đắp, quả nhiên thành xây xong. Vua xuống chiếu cho dân thành Thăng Long thờ vị thần ấy làm Thành Hoàng, phong là “Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng Thần.” Các triều sau đều có phong tặng. Hoàng Giáp Trần Bá Lãm (1757-1815) có bài thơ đề đền Bạch Mã như sau:

Mạch chuyển rồng cuộn truyền đất đẹp,
Tích xưa ngựa trắng trấn danh đô.
Cao Biền chuyện cũ đều hư ảo,
Vật đổi sao dời đã mấy thu.

Đền Bạch Mã nay còn ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, số 3 phố Hàng Buồm, Hà Nội. Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương (Tài liệu tham khảo: Từ điển Di tích Văn hóa VN).

Khi Ngô Quyền dành lại độc lập cho VN lại không đóng đô ở Đại La thành mà ở Hoa Lư, Ninh Bình. Mãi tới năm 1010, vua Lý Thái Tổ mới dời Kinh đô Hoa Lư ra Đại La thành, nhưng lại đắp một thành khác nhỏ hơn gọi là Thăng Long thành.

– Thăng Long (Rồng bay lên): Sau khi ra tới La Thành, vua Lý Thái Tổ mượn cớ thấy điềm rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành Thăng Long. Hoa Lư bị đổi thành phủ Trường An (Yên) (tức phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay)

– Đông Đô: là kinh đô thời Hồ Hán Thương (1397).

– Đông Quan: Theo sử thì năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở Đông Đô rồi đổi thành Đông Quan. Quân Tàu gọi theo kiểu khinh thường kinh đô VN, coi nó như cửa quan phía Đông mà thôi.

– Đông kinh: Vua Lê Lợi bỏ điện Bồ Đề, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long) vì Thanh Hóa đã được gọi là Tây Đô).-Bắc hà: Sau khi vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân thì cố đô Thăng Long coi như không còn tên. Vua Quang Trung mất năm 1792, thành Thăng Long được gọi là Bắc Hà dưới thời vua Cảnh Thịnh (1795), tức Nguyễn Quang Toản con của vua Quang Trung. Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà năm 1802 vẫn chọn Phú Xuân (Huế) làm Kinh đô. Bắc Hà và vùng phía Bắc lại được vua Gia Long đổi từ Thanh Hóa trở ra thành Bắc Thành dưới quyền cai trị của Tổng Trấn và gồm 11 trấn do các quan Trấn Thủ cầm đầu. Đến đời Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) theo tổ chức hành chánh nhà Thanh bên Tàu, vua đổi Trấn thành Tỉnh và Tổng Trấn được thay bằng Tổng Đốc; Trấn Thủ thay bằng Tuần Phủ.

– Hà Nội:
Sau khi diệt được triều đại Tây Sơn vua Gia Long đổi phủ Phụng Thiên (Đất kinh thành cũ Thăng Long) thành phủ Hoài Đức thuộc Tổng Trấn Bắc Thành. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) vua lại bỏ Bắc Thành và 11 Trấn và thay bằng 29 Tỉnh. Tỉnh Hà Nội ra đời và gồm có thành Thăng Long, phủ Hoài Đức (của Tây Sơn) và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân của Trấn Sơn Nam. Hà (sông) Nội (bên trong), Hà Nội có nghĩa là thành phía trong sông, vì tỉnh Hà Nội được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đáy (tài liệu tham khảo: 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tô Hoài)

BIỂU TƯỢNG CỦA THỦ ĐÔ VN: CHÙA MỘT CỘT

Nói tới cố đô Thăng Long xưa hay thủ đô Hà Nội ngày nay, người Việt nào cũng nghĩ ngay tới Chùa Một Cột, một biểu tượng rất quen thuộc. Theo Tự điển Văn hóa VN thì Chùa Diên Hựu hay Chùa Một Cột, hiện nằm ở thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Chùa này vừa mang tính chất lịch sử thời Quân Chủ, vừa biểu tượng cho nền văn hóa Phật giáo rất thịnh hành dưới triều đại nhà Lý.

Cũng như các câu truyện thần kỳ khác của Việt Nam, chùa Một Cột là một trong các công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 1 (1049) đời Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết thì vua Lý Thái Tông đêm nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy vua kể lại sự kiện này cho bề tôi nghe. Nhận thấy giấc mơ của vua có liên quan tới Phật, sư Thiền Tuệ khuyên vua xây chùa trên cột đá đặt ở giữa hồ, có toà sen với nghìn cánh mầu hồng nâng đỡ tượng vàng Phật Quan Âm như vua đã thấy trong giấc mộng. Vì chùa làm trên một cột trụ, nên người ta gọi là Chùa Một Cột.

Khi chùa xây xong, các nhà sư đến làm lễ khai trương bằng nghi thức đi vòng quanh hồ, tụng kinh niệm Phật và cầu chúc cho vua trường thọ. Vì thế mới có tên là Chùa Diên Hựu (có nghĩa kéo dài tuổi thọ). Cũng có truyền thuyết nói chùa có từ thời kỳ Bắc thuộc (thời nhà Đường), đến đời Lý Thánh Tông. Nhà vua tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi nghiệp đế. Đêm nằm vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm dẫn mình lên toà sen và trao cho một đứa bé, năm sau Hoàng Hậu sinh ra một hoàng tử. Vua bèn cho sửa lại chùa theo kiểu đài sen nở trên mặt nước như đã thấy trong giấc mộng.

Đời Lý Thánh Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 5 (1080) vua cho đúc chuông lớn treo ở chùa. Chuông đúc xong đánh lên không kêu. Nhưng Vua cho rằng chuông đã đúc và trở thành khí cụ, không nên tiêu huỷ. Người ta bèn đem bỏ ở ngoài đồng ruộng, có tên là ruộng rùa nằm gần bên cạnh chùa. Ruộng thấp ướt có nhiều rùa (nên còn gọi là quy điền), do đó quả chuông cũng được gọi là chuông Quy Điền. Khi quân Minh bị bao vây ở Đông Quan và vũ khí không còn dủ, Vương Thông đã sai quân lính phá chuông này để đúc súng đạn. Năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 5 (1105) vua lại cho sửa chữa chùa đẹp hơn xưa bằng cách xây chóp tháp bằng sắt trắng ở phía trước chùa, đào hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu vồng để đi qua. Mỗi tháng vào ngày sóc vọng, vua đến lễ chùa. Long trọng hơn nữa, hàng năm vào ngày 8 tháng 4, vua thân chinh đến làm lễ Tắm Phật.

Về thi văn, Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) thời Trần có bài thơ ca tụng chùa Diên Hựu như sau:

Trời thu đêm vắng, tiếng chuông buông,
Ánh nguyệât lung lay, đỏ lá bàng.
Chim cắt ngủ treo khuôn kính lạnh,
Tháp ngời đôi ngọn buốt búp măng.
Mỗi duyên chẳng bợn, ngăn lòng tục,
Phiền nhiễu khuây lâng, rộng nhãn quang.
Hiểu thấu thị phi đều một gốc,
Cung Ma, nước Phật cũng xem ngang.

Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, trong đó đợt sửa chữa lớn vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1249) đời Trần Thái Tông. Thời kỳ này chùa gần như phải làm lại toàn bộ. Vào thời Lê triều đình đã hơn một lần cho thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hoà tổ chức quyên góp thập phương giao cho trưởng nam là ngự y Đặng Tá (hiệu Lương Hiên) trông coi việc sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và cửa tam quan.

Năm Tự Đức Nhâm Tí (1852) bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm Tự Đức Giáp Tí (1864) tổng đốc Tôn Thất Hàm ứng công trùng tu, làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ toà sen, chạm trổ thêm thật công phu và trông rất tráng lệ.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button