Dương Tam Kha
Dương Tam Kha vốn là con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Sau khi Dương Đình Nghệ bị giết, Tam Kha trở thành vị tướng quân có tài dưới trướng của Ngô Quyền.
Năm 938, Dương Tam Kha là một trong những người góp phần to lớn tạo nên chiến thắng lịch sử trước quân Nam Hán trên Sông Bạch Đằng năm 938.
Khi Ngô Quyền bệnh nặng có di chúc giao cho Tam Kha giúp đỡ cho con mình, nhưng khi vua mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách Giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình. Các con thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương Quốc mẫu. Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập, tất cả ba lần đều không thực hiện được mệnh lệnh. Lệnh Công sợ, bèn giấu Xương Ngập trong động núi. Tam Kha biết, lại đòi bắt như trước, rút cuộc không bắt được.
Bàn về sự kiện này, sử thần nhà Lê, Ngô Sỹ Liên đã bình luận: “Dụng tâm của Phạm Lệnh Công thật là trung. Tam Kha là kẻ gian thần mà đuổi con đích của nhà vua để cướp ngôi, lấy Xương Văn làm con mình, chẳng qua là lời lẽ che đậy giả dối, ai mà biết được? Vả lại, lúc ấy người trong nước ai cũng xem Tam Kha là vua, mà Lệnh Công giám che giấu Xương Ngập, muốn dòng dõi họ Ngô không tuyệt tự, việc của Trình Anh, Chữ cửu lại thấy ở đây. Ai bảo một nước rộng lớn mà không có trung thần nghĩa sĩ”.
Năm 950, Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình nhưng đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung bảo hai sứ rằng: “Đức của Tiên vương ta thấm khắm lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo, không may lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất chính, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lai sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, nếu họ không phục thì làm thế nào”?
Hai sứ đều nói: “Xin theo lệnh của ông”.
Xương Văn nói: “Ta muốn đem quân lại đánh úp Bình Vương để khôi hục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, có nên chăng?”.
Hai sứ đều trả lời nên lắm.
Bèn quay về đánh úp Tam Kha. Cuộc binh biến chiến thắng, Tam Kha bị bắt, mọi người muốn giết đi nhưng Xương Văn không cho và giáng làm Chương Dương Công, nhân đó ban cho thực ấp.
Dù cho dưới con mắt của các sử gia phong kiến, hành động cướp ngôi của Dương Tam Kha là đáng bị phê phán, song rõ ràng trong bối cảnh đất nước khi vừa mưới giành được độc lập, Tiền Ngô Vương qua đời, các con còn nhỏ, trong triều đình nhà Ngô lúc bấy giờ Tam Kha là người có uy tín có thể thu phục được các lực lượng cát cứ và điều hành đất nước./.