Thục Phán An Dương Vương
Theo truyền thuyết dân gian, Thục Phán là người đầu tiên khởi dựng kinh thành Cổ Loa với biết bao gian khổ, cuối cùng đã hoàn thành.
Nghiên cứu khoa học xã hội trong và ngoài nước nhiều thập kỷ qua, ngày càng có được nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy chứng thực, càng đi đến một nhận thức chung về Thục Phán – An Dương Vương người “đứng đầu một cộng đồng Âu Việt từ miền núi Việt Bắc – Tây Bắc theo lưu vực sông Hồng mà tiến xuống miền châu thổ Chạ Chủ – Cổ Loa”, “Thục Phán là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía Bắc nước Văn Lang”.
Tâm thức dân gian vùng Cổ Loa ghi nhớ vua Thục là “người thượng du” hay rõ hơn là “người Cao Bằng”, “chỉ chuyên săn bắn”, “thạo nghề cung nỏ”.Không chỉ trong lễ tế An Dương Vương hàng năm mà trong tết nhất người Cổ Loa không thiếu được món bánh chưng Tày.
Trong tình cảm của thế hệ người Việt Nam, hình ảnh của Thục Phán – An Dương Vương được phản ánh trong câu đối của Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giảntại đền Cổ Loa:
Đế tĩnh sơn hà, thiên sinh hùng vĩ, Âu Lạc khải phong, Côn Luân triệu địa, uy chấn viêm giao, công thùy thanh sử; Thành quách do tồn, nhân tâm vô dị, miếu mạo nguy nga, trường lưu thiên địa.
(Trị an sông núi, trời sinh hùng vĩ, mở mang Âu Lạc, Côn Luân đất lành, uy dội nước Nam, công ghi sử xanh; Thành quách vẫn còn, lòng dân không đổi, miếu mạo nguy nga, mãi cùng trời đất).
Trong khi đi tìm nguồn gốc tộc Thục, những người nghiên cứu đã đi theo những hướng khác nhau nhưng quá trình nghiên cứu và ý kiến của nhiều nhà sử học đều cho rằng lịch sử tất cả các vua Hùng và vua Thục đều được chép cùng trong “thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước” và việc mất ngôi thủ lĩnh của Hùng Vương không phải là kết quả sự mất nước của Hùng Vương.
Ngược dòng lịch sử, ngay từ khi vừa mới bắt đầu dựng nước, nhân dân ta đã phải liên tiếp đương đầu với nhiều mối đe dọa từ bên ngoài. Truyền thuyết nhân gian kể lại cuộc chiến đấu chống lại nhiều kẻ giặc như giặc Man, giặc Mủi Đỏ, giặc Ân… xác nhận từ thời các vua Hùng, nhân dân ta đã phải nhiều lần đứng dậy chống ngọai xâm
Vào thời cuối các vua Hùng, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa to lớn. Ở Trung Quốc, Việt Vương Câu Tiễn sau khi diệt nước Ngô năm 473 tr CN làm bá chủ miền Duyên Hải từ Sơn Đông đến Quảng Đông và đã từng sai sứ xuống dụ nước Văn Lang nhưng đã bị vua Hùng cự tuyệt. Sự kiện này được các nhà sử học Việt Nam coi là cuộc đụng độ đầu tiên giữa nước ta với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Truyền thuyết “Họ Hồng Bàng” trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng phản ánh phần nào cuộc tiếp xúc và đụng độ của người Việt với người Hoa Hạ ở phương Bắc. Sách có chép” Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa…”. Nước Tần thành lập năm 221 tr CN đã mở rộng những cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô ra cả hai phía bắc, nam thành lập một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Về phía Nam tiếp tục kế thừa và phát triển chủ trương ” bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, Tần Thủy Hoàng đã sai 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía Nam Trường Giang. Hàng vạn quân Tần vượt biên giới tràn vào lãnh thổ phía Bắc và đông bắc nước ta lúc đó. Lúc này hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu) vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hóa lại có điều kiện liên kết chặt chẽ lại với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Theo sách Hoài Nam Tử, “lúc đó người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để quân Tần bắt”, và “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần” . Đó là hình thức phôi thai của lối đánh du kích và thông qua lối đánh này mà lực lượng kháng chiến của người Việt ngày càng lớn mạnh; còn quân Tần dần dần bị dồn vào thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt tập hợp lực lượng tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của cả dân tộc ta chống lại họa xâm lược của phong kiến phương Bắc.
Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ lạc Lạc Việt. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín ngày càng cao của Thục Phán, Thục Phán đã thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc. Sách Việt sử lược chép rằng “Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay” , còn một số thần tích và truyền thuyết dân gian lại cho rằng sau nhiều cuộc xung đột, cuối cùng Hùng Vương theo lời khuyên của con rể là Thánh Tản Viên đã nhường ngôi cho Thục Phán.
Điều đặc biệt là, sự nghiệp xây thành đắp lũy, biến Cổ Loa thành kinh đô đầu tiên của quốc gia trên vùng trung tâm trâu thổ sông Hồng, tổ chức kháng chiến chống xâm lăng, chân dung của Thục Phán – An Dương Vương trên mảnh đất Cổ Loa, trên nhiều vùng nước Việt Nam … thấm đẫm, nhất quán, sinh động, qua tâm thức, truyền thuyết dân gian (rồi được chuyển tải vào các thư tịch cổ) trong đời sống của các thế hệ dân cư Việt Nam từ đời này sang đời khác.
Sau chiến thắng trước quân Tần, An Dương Vương quyết định giao cho tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự. Tục truyền rằng thành xây nhiều lần nhưng đều đổ. Sau có thần Kim Quy hiện lên, bò quanh bò lại nhiều vòng dưới chân thành. Thục An Dương Vương bèn cho xây theo dấu chân Rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa. An Dương Vương cũng phát triển thuỷ binh và cho chế tạo nhiều vũ khí lợi hại, tạo lợi thế quân sự vững chắc cho Cổ Loa.
Ít lâu sau, Triệu Đà từ Quận Nam Hải (Quảng Đông – Trung Quốc ngày nay) sang đánh Âu Lạc. Nhờ vào chuẩn bị quân sự tốt, An Dương Vương đã chống cự được hiệu quả. Triệu Đà buộc phải dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình là Trọng Thủy và con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi nắm được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà đã thành công trong việc chinh phục Âu Lạc, buộc An Dương Vương bỏ chạy và tự tử, kết thúc thời kỳ An Dương Vương.
Về năm mất của triều đại An Dương Vương, các tài liệu ghi chép khác nhau. Đa phần sách sử Việt Nam đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN. Sách giáo khoa của Việt Nam căn cứ vào Sử ký của Tư Mã Thiên ghi nước Âu Lạc mất năm 179 TCN. Sở dĩ như vậy vì Sử Ký chép là Triệu Đà diệt nước Âu Lạc “Sau khi Lã Hậu chết”, mà Lã Hậu chết năm 180 TCN, do đó nước Âu Lạc mất khoảng năm 179 TCN.
Nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (khoảng gần 30 năm), nhưng nó cũng đã có những đóng góp to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.
Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc được các nhà sử học đánh giá là một bộ phận hữu cơ của cả vấn đề lớn thời kỳ lịch sử Hùng Vương – An Dương Vương. Vấn đề An Dương Vương là một bộ phận của cả vấn đề lớn “thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước”, liên quan đến nguồn gốc của nhân dân ta, liên quan đến sự diễn biến của lịch sử Việt Nam ta, đến lịch sử nước ta trong mấy chục năm nay và đến cả tương lai của dân tộc Việt Nam. Do vậy, Thục Phán An Dương Vương và nước Âu Lạc vẫn là công trình khoa học lịch sử thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà sử học lớn của Việt Nam mấy chục năm qua.