Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học lần thứ 58

Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học là hoạt động khoa học hàng năm của ngành Khảo cổ học cả nước. Đây là sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Khảo cổ học nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua.

Hội nghị là diễn đàn khoa học nhằm thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, giới thiệu đến công chúng và nhân dân, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học và khoa học, xã hội và nhân văn. Và cũng là cơ sở đề xuất xây dựng các đề án, dự án, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội của đất nước và các địa phương. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 58 năm qua.

Trong 3 ngày từ 1/11 đến 3/11/2023, Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học toàn quốc được tổ chức tại Khu Du lịch Quốc gia Tam Chúc tỉnh Hà Nam do Viện Khảo cổ học (VIện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đồng chủ trì.

Tới dự khai mạc Hội nghị về phía Trung ương có PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia… Đại diện tỉnh Hà Nam có ông Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Đại diện ccá nhà khoa học Quốc tế có ông Andrew Hardy –  Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, ông Jun Kimura – Đại học Tokai, Nhật Bản. Về phía Viện Khảo cổ học có TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Trung ương, địa phương và gần đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa trên toàn quốc.

Trong phát biểu chào mừng, PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Một trong những giải pháp cần thực hiện là “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà nhấn mạnh: “Hội thảo là hoạt động khoa học rất có ý nghĩa mang tầm quốc gia và quốc tế, đưa tri thức khảo cổ, lịch sử, văn hóa của các địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong công cuộc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Tại phiên khai mạc Hội nghị, PGS.TS Bùi Văn Liêm – Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học báo cáo chung đánh giá về Hoạt động nghiên cứu khảo cổ học toàn quốc năm 2023. PGS.TS Bùi Văn Liêm cho rằng các nghiên cứu khoa học đã bổ sung những tư liệu rất mới/quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người Việt Nam. Góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những thông báo của chúng ta cùng chung mục tiêu nghiên cứu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Những tư liệu từ các nhà khoa học là minh chứng khẳng định và bảo về vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 58 – năm 2023 đã nhận được 456 bài, gồm: 10 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ trung ương và địa phương, 75 bài khảo cổ học Tiền sử, 54 bài khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm), 253 bài khảo cổ học Lịch sử, 49 bài khảo cổ học Champa – Óc Eo (23 bài khảo cổ học Champa, 26 bài khảo cổ học Óc Eo) và 15 bài khảo cổ học Dưới nước.

Với 456 thông báo, cho thấy hoạt động KCH Việt Nam các năm 2022 – 2023 diễn ra sôi nổi, đều khắp trên toàn Quốc và đạt hiệu quả cao. Nhiều thông báo (đặc biệt là các cuộc khai quật lớn) được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó là những tư liệu vật thật mới nhằm đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình phát triển con người Việt Nam.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội là cơ quan chủ quản quản lý khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích đặc biệt cấp Quốc gia Cổ Loa. Trong năm 2023, Trung tâm phối hợp Viện Khảo cổ học tiếp tục mở rộng khai quật khảo cổ học tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới) và khai quật vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền. Kết quả khai quật khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2023 đã được đoàn khai quật báo cáo chi tiết, khẳng định những kết quả khai quật trong thời gian qua đã xác định được tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý – Trần – Lê sơ – Lê Trung hưng đến thời Nguyễn, làm rõ không gian kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng, nằm chồng lên không gian điện Kính Thiên thời Lê sơ và xác định được không gian kiến trúc thời Lý. Trong phạm vi hố khai quật xuất lộ các dấu tích kiến trúc có niên đại trải dài từ thời Lý đến thời Lê, Nguyễn. Cuộc khai quật khảo cổ học khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2023 đã đạt được những kết quả có đóng góp nhất định trong việc nghiên cứu về Cấm thành Thăng Long; Các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2023 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long – Hà Nội dưới lòng đất. Qua đó đã góp thêm nhiều tư liệu làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và góp phần nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên thời Lê. Bên cạnh đó còn có các báo cáo chuyên sâu về di tích và di vật khai quật tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Hội nghị thông báo Khảo cổ học là hoạt động được tổ chức thường niên, đây không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là dịp để các nhà khảo cổ học chuyên và không chuyên trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, các trường đại học, các Bảo tàng, các khu Di sản trong nghiên cứu khảo cổ học nói riêng, văn hóa nói chung.

Đưa tin: Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button