Thông tin báo chí: Chương trình Tết Việt 2024 tại Hoàng thành Thăng Long
Tết Nguyên đán là tết lớn nhất và thiêng liêng liêng nhất trong năm của dân tộc ta, còn được gọi là “tết cả”, “tết ta” hay “tết âm lịch” để phân biệt với tết dương lịch của phương Tây. Tết Nguyên đán là tết đầu tiên mở đầu của một năm, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc khép lại những việc đã trải qua trong năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới với nhiều nghi lễ phong tục diễn ra ở chốn cung đình cũng như trong dân gian. Mọi công việc đều tạm ngưng để dành cho việc tế tự tổ tiên cùng các vị thần, nghỉ ngơi, sum họp, thăm hỏi chúc tụng người thân và mong ước hi vọng về những điều may mắn, tốt đẹp.
Có thể nói tết Nguyên đán là một trong những lễ tiết có nhiều phong tục độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của người Việt trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, tại mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, văn hóa tết Nguyên đán lại càng phong phú và đặc sắc, nơi đây là sự hội tụ và giao thoa giữa nền văn hóa cung đình và văn hóa dân gian truyền thống.
Để phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ ngày 20/1/2024 (Mùng 10 tháng Chạp năm Quí Mão) đến Ngày 18/2/2024 ( Mùng 9 Tháng Giêng năm Giáp Thìn) bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc:
1. Trưng bày Không gian Tết truyền thống (Từ 20/1/2023 tức 10/Chạp năm Quí Mão)
1.1. Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống
Tết Nguyên đán dân gian truyền thống được trưng bày thông qua việc tái hiện không gian sinh hoạt ngày tết của một gia đình thị dân ở kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh tết, câu đối tết, đốt pháo tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, thú chơi hoa tết… Không gian trưng bày cổ kính, mang đậm dấu ấn của văn hóa, kiến trúc phố phường đất kinh kỳ xưa.
Không gian phong tục tết truyền thống thể hiện không khí tất bật, hối hả của những ngày cuối năm: đi chợ tết mua sắm thực phẩm, lau dọn, trang hoàng bàn thờ gia tiên và nhà cửa, gói bánh chưng, làm giò, làm mứt… Trong mọi gia đình đều có chung một khí thế phấn khởi chuẩn bị cho một cái tết sung túc, đủ đầy.
1.2. Không gian trưng bày tết cung đình: Lễ Chính đán thời Lê Trung hưng
Dưới chế độ Nhà nước quân chủ, nhà vua và triều đình là người đại diện cho muôn dân, đại diện cho sự hưng thịnh, vững bền của quốc gia. Do đó, đã hình thành nên một hệ thống các nghi lễ tết cung đình vừa trang trọng, tôn nghiêm, biểu thị quyền uy tối cao của bậc thiên tử. Vào thời Lê Trung hưng, hệ thống nghi lễ tết cung đình ấy bao gồm một chuỗi các nghi lễ diễn ra nối tiếp nhau từ cuối tháng Chạp của năm cũ đến mùng 7 tháng Giêng năm mới: lễ cúng táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu (rước trâu đất và thần Câu mang), lễ phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), lễ cáp hưởng (mời các vị tiên đế về ăn tết), lễ thướng tiêu (dựng cây nêu), lễ trừ tịch (cúng giao thừa), lễ tế tổ tiên, lễ Chính đán, lễ chúc thọ nhà vua, lễ tế giao (tế trời), lễ khai hạ (hạ cây nêu), lễ khai ấn (mở ấn)… Trong đó, lễ Chính đán là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình.
Lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một tết với nghi thức Đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên. Lễ Chính đán là một nghi lễ triều hội, là dịp nhà vua, hoàng tộc và trăm quan gặp gỡ nhau ngày đầu năm mới, cùng chúc tụng cho nhà vua trường thọ, nhân dân ấm no yên vui, xã tắc vừng bền cường thịnh. Trong lễ Chính đán, 12 xứ trong cả nước dâng biểu chúc mừng nhà Vua. Nhân dịp này nhà Vua cũng ban yến, ban tiền thưởng xuân cho văn võ bá quan. Việc ban yến, ban tiền là một phong tục có từ thời Lý – Trần, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu đất nước đối với thần dân của mình.
Nghi lễ Chính đán được trưng bày diễn giải với 3 nội dung chính:
- Hệ thống pano tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê.
- Không gian phỏng dựng nghi thức dâng Biểu chúc mừng nhà vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi.
- Điểm nhấn đặc biệt của năm nay là lần đầu tiên một nghi lễ tết cung đình được tái hiện dưới hình thức phim trình chiếu 3D “Lễ Chính đán thời Lê”. Bộ phim sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ trọn vẹn và ấn tượng về âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu câu chuyện… đưa khán giả hoà mình vào không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước Biểu vào sân điện Kính Thiên; Rước xa giá Vua sang điện Kính Thiên; Vua lên ngai, văn võ bá quan vào chầu hành lễ; Lễ tuyên biểu mục, tuyên biểu & Lễ tuyên chế; Bách quan chúc mừng Vua.
- Địa điểm: Tết dân gian truyền thống tại Khu vực đón tiếp Nhà 19C Hoàng Diệu
Tết cung đình tại Khu vực sân điện Kính Thiên Nhà N14
2. Triển lãm “Vẽ Con Rồng”: Khai mạc 15h – 17h ngày 20/1/2024 (Mùng 10 tháng Chạp năm quí mão)
Đây là sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long –Hà Nội với doanh nghiệp sáng tạo TiredCity và cộng đồng Vietnam Local Artist Group (VLAG)
Triển lãm tranh với chủ đề “Vẽ Con Rồng” nhằm mang đến cơ hội tri ân thành quả sáng tạo của hơn 25 Họa sĩ minh hoạ trẻ.
Triển lãm trưng bày 30 TÁC PHẨM TRANH MINH HỌA đến từ hơn 25 tác giả trên khắp cả nước. Đây đều là các tác phẩm ấn tượng, đặc sắc được chọn ra từ hơn 350 tác phẩm tham dự thử thách minh họa cùng chủ đề diễn ra trong tháng 11/2023.
Đến với triển lãm Vẽ Con Rồng tại Hoàng Thành Thăng Long, người xem sẽ lạc vào thế giới của những linh vật rồng linh thiêng, thần bí dựa trên những thần tích trong văn hóa Việt Nam nói chung, và chính di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long nói riêng. Được nhào nặn bởi nét cọ vẽ và ý tưởng đầy sáng tạo của các họa sĩ minh họa trẻ, các bức tranh Rồng vừa mang không khí hào hùng, đầy tinh thần dân tộc, vừa gần gũi, thân thiện với khán giả trẻ yêu văn hóa, nghệ thuật.
3. Chương trình “Happy Tết 2024 – Lan toả bản sắc văn hoá Tết truyền thống” từ ngày 24 – 28/01/2024 (tức từ ngày 14 – 18 tháng Chạp năm Quý Mão).
Do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long –Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố tổ chức.
Happy Tết 2024 với chủ đề “Lan toả bản sắc văn hoá Tết truyền thống” là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hoá Tết nay tạo nên không gian lan toả, linh thiêng và sống động. Với quy mô 3.000 – 3.500m2, được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo đã giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản… các vùng miền trên cả nước. Chương trình bao gồm các không gian: “Chuyến tàu Quê hương”, “Không gian nhà Hà Nội xưa”, “Không gian Tết miền Trung”, “Không gian Tết miền Nam”, “Không gian Tết sắc màu Dân tộc”, “Không gian quảng bá ẩm thực” được sắp đặt dàn dựng cùng với các tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ… Đặc biệt là các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.
Ngoài ra tại Hoàng Thành Thăng Long trong dịp đón tết Nguyên đán Giáp Thìn còn có các hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống như thả cá chép, dựng cây nêu, phong ấn, tiến lịch, lễ Khai xuân. và nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc.
Toàn bộ khu di sản được trang hoàng cảnh quan, cây và hoa với nhiều khu vườn hoa và cụm Check in phục vụ du khách du xuân Hoàng thành Thăng Long nhân dịp đón năm mới.
Thông tin liên hệ:
- Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội
- Địa chỉ: Số 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội
- ĐT: 024. 3 7345427
TRUNG TÂM BẢO TỒN DI SẢN THĂNG LONG – HÀ NỘI