Nghiên cứu và thể nghiệm một số nghi lễ Tết cung đình Thăng Long xưa tại Hoàng thành Thăng Long
Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân loại, trong mấy thập kỷ nay UNESCO quan tâm nhiều tới các lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Năm 2003, UNESCO đã công bố “Công ước về bảo vệ văn hóa phi vật thể” và sau đó là việc các nước bắt đầu đăng ký các kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia mình. Việt Nam đã ký vào “Công ước bảo vệ văn hóa phi vật thể” của UNESCO với tư cách là một thành viên và đã triển khai nhiều chương trình nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2001, trong Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, lần đầu tiên có chương về “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể”.
Đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa phi vật thể là nó không tồn tại chủ yếu dưới dạng vật chất, vật thể cụ thể (không kể một số hình thức đã được văn bản hóa) mà nó tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của con người và chỉ bộc lộ ra thông qua hành vi và hoạt động của con người trong một môi trường diễn xướng nhất định.
Việc bảo tồn văn hóa phi vật thể cần phải quan tâm hàng đầu trước nguy cơ đang bị mất đi nhanh chóng trong sự biến đổi xã hội theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tại Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Từ khi được ghi danh năm 2010 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể của Hoàng cung Thăng Long và bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, văn hóa phi vật thể cung đình được xem là cơ sở để làm sống lại và tỏa sáng di sản. Văn hóa phi vật thể cung đình vô cùng phong phú, bao gồm các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn… được kết tinh lại thành văn hóa tinh hoa của dân tộc. Những nghi lễ và trò diễn cung đình được diễn ra tại không gian thiêng của khu di sản là trục chính tâm và không gian Chính điện Kính Thiên. Trong đó một số nghi lễ cung đình ngày xuân đã được tiến hành nghiên cứu và thể nghiệm thông qua các hình thức trưng bày diễn giải, thể nghiệm nghi lễ… nhằm phục vụ du khách cũng như góp phần bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả nhất những giá trị văn hóa của 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Lễ tiết Nguyên đán bắt đầu từ cuối tháng Chạp [âm lịch] của năm cũ đến tháng Giêng [âm lịch] năm mới, trong cung đình Thăng Long xưa đã hình thành một chuỗi các nghi lễ cung đình mùa xuân vô cùng độc đáo như lễ cúng táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ phong ấn, lễ dựng cây lễ hạ cây nêu, lễ khai ấn…
Lễ cúng Táo quân
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của con người. Và hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Theo tục lệ, ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về chầu trời để tấu việc trần gian của gia chủ với Ngọc Hoàng. Trong dân gian cũng như cung đình, đều sửa soạn lễ vật dâng tiến.
Nghi thức thả cá chép tại dòng sông cổ tại Khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Lễ Tiến lịch
Trong các triều đại phong kiến phương Đông, nhà vua coi mình là “thiên tử”, là người nối giữa trời và dân nên phải có trách nhiệm làm lịch báo cho dân biết thời gian, thời tiết để nhân dân làm nông vụ, tế lễ và ổn định đời sống.Ngay từ thời Lý đã cho xây dựng đài quan sát thiên văn, tính toán giờ khắc. Hàng năm vào ngày 24 tháng Chạp thì triều đình tiến hành Lễ Tiến lịch để dâng Ngự lịch lên nhà vua và ban lịch cho các quan và địa phương.
Tranh vẽ phỏng dựng: Cơ quan Tư Thiên giám biên soạn lịch
Tranh vẽ phỏng dựng: Quan Tư Thiên giám dâng ngự lịch
Thể nghiệm nghi lễ tiến lịch
Lễ Tiến xuân ngưu
Lễ tiến xuân thời Lê Trung hưng là một nghi lễ lớn, vừa mang tính cung đình vừa mang tính dân gian, được triều đình chuẩn bị công phu, cử hành long trọng vào ngày Lập xuân. Lễ tiến xuân có nghĩa là dâng tiến trâu đất vào mùa xuân nhằm tống tiễn khí lạnh. Hàng năm, vào dịp mùa xuân, Trung tâm thể hiện tái hiện nghi thức: Rước Xuân ngưu từ cổng Đoan Môn vào sân điện Kính Thiên và Ban Xuân ngưu cho các quan.
Phỏng dựng mô hình Xuân ngưu
Nghi thức rước xuân ngưu vào sân điện Kính Thiên
Thể nghiệm nghi lễ tiến xuân ngưu
Mô hình xuân ngưu nhỏ trong nghi lễ thể nghiệm
Thực hiện nghi thức đả xuân ngưu
Lễ trồng cây nêu và lễ hạ cây nêu
Lễ dựng nêu là một nghi thức quan trọng của triều đình, không thể thiếu trong mỗi dịp tết Nguyên đán, được ghi chép lại từ thời Lê Trung hưng. Tư liệu cho biết, vào ngày 30 tháng Chạp, cây nêu được dựng ở trong cung vua, phủ chúa, dinh thự của các quan lại trước… rồi mới đến cây nêu của các nhà dân được dựng lên sau. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, trong hoàng cung, triều đình tổ chức lễ khai hạ gọi là lễ hạ cây nêu.
Như đã trở thành thường niên, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm cùng với du khách lại hân hoan thực hiện nghi lễ dựng nêu trước cửa Đoan Môn và mùng 7 Tết thực hiện nghi lễ hạ nêu.
Nghi thức tế thần trước khi dựng nêu tại Hoàng thành Thăng Long
Cây nêu trước cửa Đoan Môn
Lễ hạ nêu tại Hoàng thành Thăng Long
Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cung đình là vô cùng cần thiết, góp phần xây dựng hình ảnh, dấu ấn riêng cho di sản Hoàng thành Thăng Long, tạo tiền đề cho phát triển du lịch.
Phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội