Lễ Chính đán thời Lê qua các nguồn tư liệu

I. Lễ Chính đán thời Lê qua các nguồn tư liệu:

Lễ Chính đán là lễ đại triều quan trọng của triều đình diễn ra vào mồng 1 Tết, có ý nghĩa là lễ mừng nhà vua và các thành viên của Hoàng gia. Lễ Chính đán là nghi thức Đại triều được tổ chức trang nghiêm ở điện Kính Thiên thể hiện mong muốn phồn thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc, tạo ra một không khí đầu xuân, một sự khởi đầu mới với niềm hy vọng mang những dự báo tốt đẹp cho năm mới. Trong lễ Chính đán, 12 xứ trong cả nước dâng biểu chúc mừng nhà Vua. Nhân dịp này nhà Vua cũng ban yến, ban tiền thưởng xuân cho văn võ bá quan thể hiện sự quan tâm của nhà Vua với các quan và mang tính nhân văn sâu sắc.

Nhà Lê quy định khá chặt chẽ đối với quan lại trong việc tham gia lễ đại triều nói chung và lễ Chính đán nói riêng. Sử cũ có ghi: Năm Canh Tuất, [Hồng Đức] năm thứ 21 [1490], (Minh Hoằng Trị năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, hội quân lớn, điểm mục xong cho về, thay phiên nhau ở lại canh giữ.

Định lệ thổ quan thiếu lễ triều hạ: viên nào ở gần thì một năm 2 lần về triều hạ, ở xa thì một năm 1 lần về triều hạ. Nếu không kịp dịp Chính đán thì cho đến ngày Thánh Tiết. Ai thiếu 1 lần thì bãi chức, 2 lần thì bắt về trị tội.

Sử sách cũng ghi chép vào Tiết Chính đán, các địa phương đóng thuế cho triều đình và chuẩn bị vật phẩm để chúc mừng vua, vào thời vua Lê – chúa Trịnh, các ghi chép của người nước ngoài còn cho thấy các địa phương cũng chúc mừng cả Chúa được quy định như chế định nghiêm khắc “Ngoài thuế gọi như thuế thân mà nhân viên thu thuế thi hành mỗi nơi mỗi khác, lại không phân biệt người nghèo người giàu (thật là bất công) những người có của, những người chỉ sống bằng thủ công, còn một thứ thuế lợi tức đánh vào ruộng đất, đúng hơn một lễ vật thanh lịch và tự nguyện ở mỗi người, một thứ thuế hay một thứ viện trợ thực sự. Mà thường thì không dám tự miễn cho mình, vào thời phải nộp nghĩa là ba hay bốn kỳ một năm. Kỳ thứ nhất vào cuối hay đầu năm kể như đồ lễ tết. Kỳ thứ hai khi chúa theo tục lệ mừng khánh đản. Kỳ thứ ba là ngày Giỗ chúa thăng hà. Kỳ thứ bốn là vào thời hoa trái đầu mùa. Tuy nhiên những phẩm vật đó không bó buộc phải nộp, còn về thuế thân thì phải trả. Toàn tỉnh hay làng xã đều làm chung với nhau và chọn người đại biểu có tín nhiệm nhất đem tiến nhà chúa, thay mặt cho toàn xã”[1].

Lệ đi lễ và cách đem biếu quà cáp của người dưới đối với người trên hôm đầu năm có từ ngày xưa thì bây giờ bắt buộc và có một đạo luật rất nghiêm khắc chế định nên không ai có thể bỏ đi được. Các quan tùy theo phẩm trật của mình (có nhiều người lại tùy theo phẩm trật mình muốn đạt) mỗi năm gửi phẩm vật quý giá về dâng vua… Hạ quan gửi tặng vật về biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng và như thế người dưới biếu người mà mình nhận là người đứng ngay hàng trên mình. “Vi lễ vật nhận được rất nhiều và đủ các thứ, nên các quan có tục vào những ngày tất niên đem thết bà con và thân hữu một phần to: còn lại thì cho lính tráng, đầy tớ để cho ai cũng có cảm tưởng là được dự vào Tết. Các đại thẩn đã túc trực sẵn, các hoàng tử vào tung hô mạng trước; tiếp đến các văn quan rồi mới đến các võ thần, các đình thần triều bái xong đức vua lui vào cung để nhận lễ của hoàng hậu, các bà phi, các cung tẩn và các thị nữ. Hoàng hậu quỳ lễ trước rồi mới đến các người kia theo thứ bậc của mình, lễ cử hành từ lúc chưa rạng đông. Chúa Trịnh cũng cử một viên quan sang triều bái và chúc tụng vua”[2].

  • Không gian tổ chức: Từ điện Vạn Thọ rước vua sang điện Kính Thiên để làm lễ.
  • Nghi trượng, âm nhạc: Ở điện Kính Thiên và sân rồng: ngự tọa của Hoàng thượng ở chính giữa cửa Kính Thiên, đặt bảo án ở phía Đông, đặt hương án ở trước ngự tọa; đặt tàn vàng ở hai bên tả hữu ngự tọa, Giáo phường ty đặt Thiều nhạc[3] và Đại nhạc ở hai bên đông tây sân Rồng. Thủ vệ ty dàn cờ xí và khí giới theo nghi thức. Ở công đường bộ Lễ: cái án để các tờ biểu của Thừa ty các xứ giữa công đường Lễ bộ.
  • Thành phần tham gia: Tiết chế phủ cùng các đại thần công hầu bá, các quan văn võ mặc phẩm phục. Khi bắt đầu làm lễ thì Các đại thần công hầu bá, các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm tiến vào bên trong sân rồng. còn các quan Thừa Ty và triều yết thì ở ngoài cửa Đoan Môn. Quan Lễ bộ và quan Thừa ty các xứ trực đem ở công đường Lễ bộ để chuẩn bị làm lễ.

1.1. Nghi thức lễ tết Chính đán: Được chép kỹ lưỡng trong Lịch triều hiến chương loại chí

Đây là một trong những nghi lễ đại triều quan trọng nhất của triều đình. Vì vậy nghi trượng trong trong lễ Chính đán được sắp đặt trang trọng.

Sáng sớm hôm ấy, Tiết chế phủ vâng chỉ chúa, đem các đại thần công hầu bá và các quan văn võ mặc phẩm phục vào chầu mừng.

  • Quan Lễ bộ và quan Thừa ty các xứ trực đem ở công đường Lễ bộ. Đợi sáng đến khi canh năm điểm lần thứ năm, trống và nhạc dẫn đi trước, các quan thị dạ hầu đêm rước án biểu, Nghi vệ ty mang tàn vàng che. Thừa dụ cục khiêng án biểu đến ngoài cửa Đoan Môn, vào để ở phía đông sân rồng (hơi về phía bắc, các quan rước án biểu đều đứng).
  • Trống nghiêm hồi đầu, các quan văn võ (cả các quan chấp sự và triều yết) đứng sắp ban ở ngoài cửa Đoan Môn. Trống nghiêm hồi thứ hai, quan đạo lễ dẫn tiết chế phủ vào chỗ điếm tả hữu sân rồng ngồi tạm. Các viên chấp sự (quan đạo lễ) tiến trước vào sân điện Vạn Thọ, rước vua lên ngự giá, được triệu đến trước, làm lễ 5 lạy 3 vái, lễ xong, lui ra hai bên đông tây sân rồng ở chỗ đứng trước. Ngự giá đến cửa Kính Thiên thì quan đạo lễ dẫn tiết chế phủ đứng ở phía đông sân rồng (hơi về phía bắc), tự ban dẫn các quan đạit hần đầu ban và các quan văn võ vào sắp hàng đứng hai bên đông tây sân rồng. Các quan Thừa ty và các quan triều yết chia đứng ở ngoài cửa Đoan Môn.
  • Vua lên ngai. Giáo phường ty tấu khúc nhạc Văn quang (nhạc nổi). Dứt tiếng chuông vút roi (nhạc nghỉ), tư thần lang báo trời sáng thì thông tán xướng: “Bài ban”. Quan đạo lễ dẫn tiết chế phủ đến vị bái. Quan đạo lễ lui ra chỗ trước. Thông tán xướng: “Ban tề”. Lại xướng: “Các cung bái (nhạc nổi), hưng 4 lần, bình thân (nhạc nghỉ). Quan bốn viên tự ban rước án biểu, có tàn vàng che, từ bên đông sân rồng đem đông tây.
  • Dẫn tán xướng: “Tuyên biểu mục”. Quan tuyên biểu mục vào thư…, chúng tôi là…. Kính cẩn tâu lên: nay gặp tiết chính Nguyên đán, xin dâng biểu chúc mừng của công hầu bá và thần liêu văn cõ cùng nha môn Đô, Thừa, Hiến các xứ trong nước, cộng 12 đạo, công hầu bá và Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Quảng, 11 đạo”. Tâu xong, lạy xuống đứng dậy, lùi ra chỗ đứng trước. Dẫn tán xướng: “Bách thần trao cho quan tuyên biểu, đọc xong, trao lại cho quan triển biểu phó đem để lên án. Quan triển biểu lui ra chỗ đứng trước.
  • Dẫu tán xướng tuyên biểu: “Tuyên biểu”. Quan tuyên biểu đến giữa ngự đạo, quỳ xuống. Dẫu tán xướng: “Bách quan giai quỵ”. Quan triển biểu phó lấy tờ biểu phó của các quan triều phó đem để lên án. Quan triển biểu lui ra chỗ đứng trước. Thông tán xướng: “Phủ phục, hưng, bình thân”. Các khoa quan dẫn tự ban nhấc cái án biểu lại đặt ở phía đông Ngự đạo.
  • Quan đại trí đến quỳ ở giữa Ngự đạo. Thông tán xướng: “Bách quan giai quỵ”. Quan đại trí từ tâu: “Khâm sai tiết chế thủy bộ chư doanh tên là… cùng công hầu bá và các quan văn võ vâng chỉ của chúa kính cẩn vâng lời: nay gặp tiết chính Nguyên đán, chúng tôi kính nghĩ rằng hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngay chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm”.
  • Tâu xong, lạy xuống, đúng dậy. Quan truyền chế đến quỳ ở giữa Ngự đạo nói: “Tấu truyền chế”, lạy xuống, vẫn quỳ. Quan tư lễ giám bưng tờ chế trao cho quan truyền chế, viên này đi ra đứng dựa về phía đông, hướng sang phía tây, nói lên rằng: “Hữu chế”. Thông tán xướng: “Bách quan giai quỵ”. Quan truyền chế đọc: “Hoàng thượng chế viết: “Thái hanh chi khánh, dữ khanh đẳng đồng chi”[4]. Đọc xong, lại mang tờ chế đến giữa ngự đạo quỳ xuống dâng lên. Quan tư lễ giám nhận lấy, quan truyền chế đứng dậy, lui ra chỗ đứng trước.
  • Thông tán xướng: Phủ phục hưng bình thân, cúc cung tam vũ đạo”. lại xướng: “bách quan giai quỵ, tung hô”. Lại hô theo vạn tuế thì những quân sĩ và phường nhạc đều đồng thanh hô cả). Lại xướng: “Phủ phục hưng cúc cung bái (nhạc nổi), hưng (4 lần), bình thân” (nhạc nghỉ). Quan đạo lễ dẫn tiết chế phủ đến bên đông đứng ở vị trước. Thông tán xướng: “Bách quan phân ban thị lập”. Nghi chế ty đến giữa ngự đạo quỳ: “Tấc lễ tất”. Giáo phường ty và các thự Đồng văn, Nhã nhạc tấu khúc Hưu minh (nhạc nổi) vút roi. Vua ngự về cung. Quan tư lễ giám bưng tờ biểu đệ tiến vào nội điện (nhạc nghỉ). Tiết chế phủ về phủ. Các quan thứ tự đi ra.

1.2. Lễ Chính đán ở phủ Chúa

Tiết chế phủ lại thân dẫn các thân huân đại thần và các quan văn võ đến bên ngoài cửa Cáp Môn, đều đủ phẩm phục, dây thao và mũ, tiến vào bên phủ đường đứng chực sẵn. Bốn viên điển giám (dùng khoa ban), hai viên đứng ở hai bên tả hữu trong phủ đường, hai viên đứng hai bên tả hữu ngoài phủ đường. Chúa ngự lên long tọa. Tiết chế phủ đem các quan văn võ sắp ban từ ngoài phủ đường tiến vào trong phủ đường. Tiết chế phủ lạy mừng, các quan đều theo thứ tự vào lạy mừng, rồi hầu yến. Lại lễ tạ, xong chúa vào trong cung, tiết chế phủ về phủ. Các quan văn võ lại đến phủ tiết chế chào mừng theo như nghi thức.

Việc ban yến cho quần thần tuy là diễn ra ở Phủ Chúa và do Chúa Trịnh ban lệnh thậm chí số ngân khố dành cho vua Lê ngày càng hạn chế chỉ đủ để duy trì các hoạt động của bên cung vua, thực quyền đã nằm trong tay Chúa. Và không phải là đến thời kỳ này mới có việc ban yến dịp Tết Nguyên Đán mà chúng ta thấy ngay từ thời kỳ kỳ Lý – Trần đã có việc này tuy nhiên lúc đó nghi tiết vẫn chưa được quy định rõ ràng. Đến thời Lê sơ, năm 1435, vua ban yến trong 5 ngày cho các quan văn võ trong ngoài, phát tiền cho các quan văn võ nhậm chức bên ngoài theo các thứ bậc khác nhau[5].

Các nguồn sử liệu cũng mô tả việc các quan được ban ân tứ trong ngày Chính đán. Lệ công việc ngày tết Nguyên đán. Quan binh các đội thuyền Nhưng nhất, Kiệu nhất, Nội nhưng, Nội kiệu đứng hầu. Các đội thuyền Nội khuông, Nội dực, Nội duệ, Nội tiệp, Thị hãn, Thị tượng, Thị kị, Thị mã, Nội siêu, Nội tuyển, Nội ưu, Nội trạch đứng quan sát. Đều dùng áo mũ bằng gai. Lễ xong, Binh phiên đếm số viên theo hầu ban tiền theo thứ bậc:

  • Nhất phẩm được 5 quan tiền quý; Nhị phẩm được 4 quan; Tam phẩm được 3 quan; Tứ phẩm được 2 quan; Lục thất phẩm được 1 quan rưỡi; Bát cửu phẩm và quan văn võ Phó tri, Thiêm tri, Câu kê được 1 quan.
  • Chưa có chức phẩm những đã dự vào hàng Quản binh Thị nội giám; Có chức phẩm nhưng chưa dự vào hàng Quản binh thì chiếu y theo Thuộc viên. Chánh chưởng, phó chánh chưởng, Cai hợp, các đội Thị nhưng, Thị nhị, Thị bút, Thị phiến, Thị Đại đài, Thị sạn, Thị các, Thị lâu, Thị nội văn chức, Nhưng nhất, Kiệu nhất, Nội nhưng, Nội kiệu và Giám phó Ty thiên giám, được 6 mạch tiền quý.
  • Thị kiệu được 3 mạch, ban thêm 1 mạch 4 văn tiền quý.
  • Nội văn chức; Thuộc viên, Đội trưởng các đội Nhưng nhất Kiệu nhất, Nội nhưng, Nội kiệu, Thuộc viên, Chánh đội trưởng, Phó đội trưởng, Thủ hợp các đội kiệu Thị nội, Giám thừa ty Thiên giám được 3 mạch tiền quý.
  • Văn chức thần lang, ty Thiên giám, Thuộc viên, Đội trưởng các đội hiệu Thị trung được 2 mạch tiền quý.
  • Vệ sĩ ty Thiên giám và binh hiệu Thị nội được 1 mạch tiền quý[6].

II. Các bước tổ chức lễ Chính đán:

2.1. Công tác chuẩn bị

Lễ Chính đán thời Lê được tổ chức tại điện Kính Thiên. Để chuẩn bị cho lễ này, mỗi năm, cả nước soạn 12 biểu mừng của công hầu bá, thần liêu văn võ công hầu bá và các xứ: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Quảng. Nội dung các biểu là chúc mừng vua nhân dịp năm mới.

2.2. Khâu chuẩn bị của bộ Lễ

Để chuẩn bị cho Lễ Chính đán, bộ Lễ được Triều đình giao nhiệm vụ là cơ quan chịu trách nhiệm chính. Bộ Lễ làm bản kê những công việc cần chuẩn bị đưa sang bộ Hộ cấp tiền. Gần đến ngày, bộ Lễ chuẩn bị không gian nghi lễ, thành phần tham gia, nghi thức thực hiện thật chu đáo. Triều đình còn quy định về việc tham gia lễ Chính đán một cách nghiêm ngặt: môt viên quan địa phương nào ở gần thì một năm 2 lần về triều hạ, ở xa thì một năm 1 lần về triều hạ. Nếu không kịp dịp Chính đán thì cho đến ngày Thánh Tiết. Ai thiếu 1 lần thì bãi chức, hai lần thì bắt về trị tội.

2.3. Công tác chuẩn bị trước ngày Chính đán

Tất cả những biểu mừng này được tập trung về công đường bộ Lễ để chuẩn bị cho Lễ Chính đán.  Bộ Lễ có nhiệm vụ sao chép một bản sao của tờ biểu để phục vụ cho nghi thức đọc biểu dâng vua tại sân điện Kính Thiên. Trước ngày Chính đán, các quan chuẩn bị cái án để các tờ biểu của Thừa ty các xứ giữa công đường. Quan bộ Lễ và quan Thừa ty các xứ trực đêm ở công đường bộ Lễ, đợi đến giờ vào chầu chúc Tết nhà vua.

2.4. Rước án biểu vào sân điện Kính Thiên

Đợi đến khi canh năm điểm, trống và nhạc dẫn đi trước, các quan thị dạ hầu đêm rước án biểu, Nghi vệ ty mang tàn vàng che, văn võ bá quan đi theo sau. Tất cả đoàn trịnh trọng rước án để biểu về phía Cấm thành Thăng Long.

 

2.5. Các quan tiến vào cửa Đoan Môn

Thừa dụ cục khiêng án biểu đến ngoài cửa Đoan Môn, vào để ở phía đông sân Rồng (hơi về phía bắc, các quan rước án biểu đều đứng). Trống nghiêm hồi đầu, các quan văn võ (cả các quan chấp sự và triều yết) đứng sắp ban ở ngoài cửa Đoan Môn.

2.6. Truyền bắn pháo lệnh

Tết Nguyên đán hàng năm, quan Binh phiên chuẩn bị sẵn từ Trung tuần tháng 12 năm trước, truyền cho Ty thiên giám chọn giờ và phương hướng tốt rồi khải lên. Đến ngày 30, đặt hiệu Thiên Hùng, đồng thời phát thuốc súng. Đến giờ, đợi có lệnh mới được truyền bắn pháo lệnh và làm lễ ở điện Kính Thiên. Đối với lễ Chính đán, điều này càng có ý nghĩa đặc biệt vì đó là sự kiện mở đầu năm mới với những hy vọng tốt đẹp.

2.7. Các quan rước Vua từ điện Vạn Thọ đến điện Kính Thiên

Trống nghiêm hồi thứ hai, quan đạo lễ dẫn Tiết chế phủ vào chỗ điếm tả hữu sân rồng ngồi tạm. Các viên chấp sự (quan đạo lễ) tiến trước vào sân điện Vạn Thọ, rước Vua lên ngự giá rồi được triệu đến trước tại điện Kính Thiên, làm lễ 5 lạy 3 vái, lễ xong, lui ra hai bên đông tây sân rồng ở chỗ đứng trước.

2.8. Vua lên ngai tại điện Kính Thiên

Nhà Vua đến cửa Kính Thiên thì tự ban dẫn các quan đại thần đầu ban và các quan văn võ vào sắp hàng đứng hai bên đông tây sân rồng. Các quan Thừa ty và các quan triều yết chia đứng ở ngoài cửa Đoan Môn. Vua lên ngai. Giáo phường ty tấu khúc nhạc Văn quang.

 

2.9. Văn võ bá quan vào sân Rồng hành lễ

Dứt tiếng chuông vút roi (nhạc nghỉ), tư thần lang báo trời sáng thì Thông tán xướng: “Bài ban” – các quan ban nào đứng vào ban nấy, dóng ngang, dóng dọc cho thật chỉnh tề. Quan đạo lễ dẫn Tiết chế phủ đến vị bái. Quan đạo lễ lui ra chỗ trước. Thông tán xướng: “Ban tề” – 2 ban văn võ quay mặt và hướng về điện Kính Thiên. Lại xướng: “Cúc cung bái” (nhạc nổi), “hưng bốn lần, bình thân” (nhạc nghỉ) – các quan quỳ, lạy, khấu đầu tất cả bốn lần và đứng dậy thẳng người.

 

2.10. Lễ tuyên biểu mục và tuyên biểu

Quan tuyên biểu mục vào giữa ngự đạo quỳ tâu xin dâng 12 biểu chúc mừng của công hầu bá và thần liêu văn võ cùng nha môn Đô, Thừa, Hiến các xứ. Tiếp theo, quan Đại trí đại diện cho văn võ bá quan tâu chúc mừng Vua: “nay gặp tiết Chính đán, chúng thần kính nghĩ rằng hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngay chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà Vua sống lâu muôn năm”.

2.11. Lễ tuyên chế

Sau lễ tuyên biểu mục và tuyên biểu là lễ tuyên chế. Quan truyền chế đến quỳ ở giữa ngự đạo nhận tờ chế của quan Tư lễ giám. Văn võ bá quan đều quỳ một cách trang nghiêm. Quan truyền chế đọc chế của Vua: “Hoàng thượng chế viết: Thái hanh chi khánh, dữ khanh đẳng đồng chi” – Hoàng thượng chế rằng: phúc thịnh vượng hanh thông, với các người cùng hưởng.

 

2.12. Vua về cung nhận chúc mừng

Toàn thể văn võ bá quan làm lễ chúc mừng Vua cùng tung hô “vạn tuế, vạn vạn tuế”. Sau đó, quan Nghi chế ty quỳ tâu lễ tất. Quan tư lễ giám bưng tờ biểu đệ tiến vào nội điện. Sau khi lễ Chính đán ở điện Kính Thiên hoàn tất, các quan sang Phủ Chúa Trịnh chúc mừng Chúa. Nhà Vua về cung nhận lời chúc mừng của các hoàng hậu, các phi tần.

 

2.13. Các quan được nhận ban thưởng

Mỗi dịp tết trong cung đình thời Lê, nhà Vua hạ lệnh ban tiền thưởng xuân cho văn võ bá quan. Tiền ban thưởng có 2 loại: tiền tiêu dùng và tiền lớn mang tính kỷ vật. Đồng tiền thưởng mang tính kỷ vật được đúc với kích cỡ lớn, hoa văn trang trí tinh xảo rồng phượng vân mây… Việc ban thưởng được quy định chặt chẽ theo cấp phẩm.

2.14. Các quan được nhận ban yến

Ngày Chính đán, có lệ Vua ban tiền thưởng và tổ chức yến tiệc thiết đãi quần thần, việc lo cỗ yến này do một cơ quan thuộc bộ Lại thực hiện việc xuất tiền để bên bộ Lễ thi hành. Việc ban tiền thưởng xuân và yến tiệc thể hiện sự quan tâm của nhà Vua với quần thần, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong triều đình và mang tính nhân văn sâu sắc.

  • [1] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes, Lý Khắc Xuyên dịch, NXB KHXH, 2016, tr.49
  • [2] Xã hội Việt Nam thế kỷ 17, sđd, tr. 65
  • [3] Thiều nhạc: Nhạc cổ của Ngu Thuấn
  • [4] Hoàng thượng chế rằng: phúc thịnh vượng hanh thông, với các người cùng hưởng
  • [5] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.324
  • [6] Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại, tập II, Lê triều hội điển, sđd, tr. 114.

Phòng Nghiên cứu sưu tầm Di sản

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button