Hoàng thành Thăng Long tái hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo
Sáng ngày 2/2/2024 ( tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”, tiễn ông Công ông Táo về trời tại điện Kính Thiên.
Tham gia các nghi lễ không chỉ có các lãnh đạo thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Hội Di sản văn hóa Thăng Long mà còn thu hút được hàng nghìn người dân và du khách. Những người thực hành các hoạt động nghi lễ đều mặc trang phục truyền thống đảm bảo sự trang trọng, tôn nghiêm.
Bà Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đại biểu tham gia thực hành hoạt động nghi lễ tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long)
Theo quan niệm dân gian, 23 tháng Chạp là ngày lễ cúng ông Công ông Táo để gia chủ tỏ lòng biết ơn sự che chở của các vị thần này, đồng thời để tiễn Táo quân lên thiên đình, báo cáo với Ngọc hoàng những việc tốt, xấu trong nhà suốt năm qua. Đây là những nghi lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa dân gian của người Việt Nam. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, lễ hội này được tái hiện, được coi là một trong những lễ chính trong năm.
Sau khi thực hiện nghi lễ ở Điện Kính Thiên, cá chép được đưa đi thả với ý nghĩa cầu mong cho sinh sôi, phát triển của người Việt (Ảnh Hoàng thành Thăng Long)
Trong lễ cúng, người ta sẽ đặt bàn thờ ông Công ông Táo với các vật phẩm cúng như bánh chưng, bánh tét, hoa quả và rượu. Mọi người cùng nhau cầu nguyện và thể hiện sự tôn kính và tri ân đối với các vị thần này. Sau đó, mọi người thường thả những con chim và cá chép để ông Công ông Táo cưỡi về trời. Nghi lễ thả cá chép được thực hiện tại dòng sông cổ, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo tại dòng sông cổ của Hoàng thành Thăng Long (Ảnh Hoàng thành Thăng Long)
Sau khi tiễn ông Công ông Táo về trời, đoàn rước trở về khu vực Đoan Môn tái hiện việc dựng cây nêu ngày Tết. Lễ dựng Nêu là một nghi thức quan trọng của triều đình, không thể thiếu trong mỗi dịp tết Nguyên đán, được ghi chép lại từ thời Lê trung hưng. Tư liệu cho biết vào ngày 30 tháng Chạp, cây Nêu được dựng ở trong cung vua, phủ chúa, dinh thự của các quan lại trước, rồi mới đến cây Nêu của các nhà dân được dựng lên sau. Theo quan niệm dân gian, cây Nêu được dựng lên để đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, đồng thời tập tục này còn mang ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi. Trước khi dựng Nêu phải lập đàn tế trời đất, sau phần lục cúng, ngũ bái dâng lễ vật mới tiến hành động thổ dựng Nêu. Cây Nêu thường được làm từ một cây tre cao khoảng 15 – 20m, được trang trí đẹp mắt với các hoa, lá, quả, bánh chưng, bánh tét và các vật phẩm truyền thống khác. Cây Nêu cũng được trang bị các bóng lồng và đèn lồng để tạo ra một không gian lung linh.
Dựng cây Nêu ngày tết tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long (Ảnh Hoàng thành Thăng Long)
Bên cạnh đó, lễ Chính đán – một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình – được tái hiện thông qua phim 3D. Với đoạn phim này, khán giả có thể hòa mình vào không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức: rước biểu vào sân điện Kính Thiên, rước xa giá Vua sang điện Kính Thiên, Vua lên ngai, văn võ bá quan vào chầu hành lễ, lễ tuyên biểu mục, tuyên biểu và lễ tuyên chế, cuối cùng là bách quan chúc mừng Vua.
Những nghi thức, phong tục tốt đẹp của Việt Nam được lưu giữ, phat huy giá trị tại Hoàng thành Thăng Long (Ảnh Hoàng Thành Thăng Long)
Đây là hoạt động trong chuỗi các chương trình Tết 2024 tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Chương trình nhằm phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long xưa, thể hiện không khí chuẩn bị đón Tết và những tập tục trong ngày Tết. Trong những ngày đầu xuân, nhân dân và du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc khác như: lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; biểu diễn múa rối nước tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa của mùa xuân mới./.
Ban biên tập