Đường Trường Sơn, tuyến lửa huyền thoại
Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là tuyến chi viện chiến lược của hậu phương lớn Miền Bắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Đây là con đường huyết mạch, có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc. Con đường dọc ngang như trận đồ bát quát vươn tới khắp các chiến trường, với những cung đường, những trọng điểm khốc liệt nhất như Ngã Ba Đồng Lộc, đường 20 Quyết thắng, cao điểm 050, cổng Trời, Khe Ve…và biết bao địa danh, tên núi tên sông đã trở thành huyền thoại sống mãi trong ký ức của những người lính Trường Sơn.
Các cựu chiến binh Trường Sơn và chiến sỹ Bộ tư lệnh Thu đô tại Triển lãm “Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Triển lãm“Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” được tổ chức tại Di tích Nhà D67- khu di sản Hoàng thành Thăng Long với nhiều hình ảnh, tư liệu chân thực cho chúng ta nhớ về một thời đạn bom gian khổ ác liệt nhưng đầy hào hùng trên con đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ở đây, chúng ta như được sống lại ký ức không thể nào quên của cả một thế hệ cha anh trên những cung đường ra trận. Rừng Trường Sơn bị bom đạn cày xới, trơ trụi vì chất độc da cam cũng không làm lùi bước những đoàn quân trùng trùng ra trận, với quyết tâm tất cả cho tiền tuyền, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Chúng ta gặp lại hình ảnh những chiến sỹ lái xe “đầu xanh mà tóc bạc” vì bụi đường, những cọc tiêu sống của các cô gái tuổi 20, những chiến sỹ “chân đồng vai sắt” vượt Trường Sơn qua bao lửa đạn, qua bao núi cao vực sâu. Con đường thấm máu xương của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến….
Gặp nhau tại Triển lãm, các cựu chiến binh Hội truyền thống Trường Sơn, những người lính của Đường Trường Sơn năm xưa bồi hồi xúc động, cùng nhau ôn lại những năm tháng gian khổ ác liệt, mưa rừng cơm vắt, lội suối trèo đèo giữa bom rơi đạn nổ, với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Thiếu tướng Võ Sở – Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam kể lại: “Đường Trường Sơn là trận địa ác liệt nhất, ngày nối ngày, đêm nối đêm, bộ đội Trường Sơn phải đương đầu với những vũ khí hiện đại nhất của đế quốc Mỹ. Lớp lớp thanh niên lứa tuổi 18-20, cả những người còn đang đi học cũng xếp bút nghiên vượt Trường Sơn ra trận, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tham quan Triển lãm.
Đại tá Đậu Xuân Tường – nguyên cán bộ Binh trạm 32, “binh trạm vạn tấn” không giấu được niềm tự hào, xúc động khi kể lại những kỷ niệm đẹp nhất của thời trai trẻ, ngày đêm bám trụ trên con đường ác liệt: “ Trên đường Trường Sơn gian khổ, khốc liệt là vậy, nhưng đi đến đâu cũng bắt gặp những khẩu hiệu tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để thắng Mỹ, thôi thúc chúng tôi lên đường ra trận, chiến đấu bằng ý chí trong sáng và quyết tâm của người lính Trường Sơn”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đến với Triển lãm để nhớ về người cha là vị tướng của đường Đường Trường Sơn năm xưa cùng những đồng đội của ông đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tư lệnh lẫy lừng của bộ đội Trường Sơn, “người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn” làm kẻ thù khiếp sợ.
Còn với PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà thì dù không tham gia bộ đội Trường Sơn, nhưng ông lại rất gắn bó với con đường huyền thoại này thông qua những nghiên cứu về lịch sử quân sự cũng như những lời kể của người cha là bộ đội Trường Sơn. Ông từng chia sẻ với các cựu binh Mỹ về sự vĩ đại của Đường Trường Sơn mà theo ông “đây là một chiến công có lẽ không một quốc gia nào đạt được”. Kỳ tích Đường Trường Sơn, con đường nối liền Nam – Bắc, con đường thống nhất nay đã trở thành con đường phát triển kinh tế, phát triển đất nước.
Các bạn trẻ xem Triển lãm
Trong không gian khu di tích Cách mạng Nhà và Hầm D67, gắn với những chiến công vĩ đại của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân năm 1975, hy vọng Triển lãm sẽ đem đến cho du khách những tư liệu, hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến với những mất mát hy sinh và chiến công oanh liệt. Đây là những chặng đường lịch sử hào hùng nhất của dân tộc, giúp thế hệ trẻ nhìn về quá khứ hướng tới tương lai, trân trọng cuộc sống hòa bình mà cha anh đã hy sinh xương máu để gìn giữ.
Kim Yến