Tọa đàm khoa học “Bắc Kinh – Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”
Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, ngày 17/5/2024, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Tọa đàm khoa học“Bắc Kinh – Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh).
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Đây là một trong những hoạt động bên lề nhân chuyến công tác của Lãnh đạo Thành ủy – UBND Thành phố Hà Nội thăm và làm việc tại Thành phố Bắc Kinh (tháng 5/2024), thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai thành phố. Tham dự tọa đàm có đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Hà Nội và Bắc Kinh cùng cán bộ hai khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Di Hòa Viên.
Đại diện phía Hà Nội có: Ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội; Bà Nguyễn Hồng Chi – Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam.
Đại diện phía Bắc Kinh có: Bà Trương Á Hồng – Phó chủ nhiệm Trung tâm quản lý công viên Bắc Kinh; ông Lý Hiểu Quang – Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Ban quản lý Di Hòa Viên; ông Vương Tiêu – Phó chủ nhiệm Văn phòng Ban quản lý Di Hòa Viên, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Di Hòa Viên; bà Vinh Hoa – Phó chủ nhiệm Văn phòng Ban quản lý Di Hòa Viên; GS. Lữ Châu – Học viện Kiến trúc – Đại học Thanh Hoa.
Tọa đàm là diễn đàn để các nhà khoa học và cán bộ chuyên môn hai đơn vị trao đổi các vấn đề bảo vệ, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa ở hai thành phố Hà Nội và Bắc Kinh. Tọa đàm tập trung thảo luận các nội dung chính: Giới thiệu về chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của các di sản ở Bắc Kinh và Hà Nội; Chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các cung điện và phát huy các giá trị các di sản ở Bắc Kinh và Hà Nội; Tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.
Tại tọa đàm, đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, bà Nguyễn Hồng Chi, phó giám đốc Trung tâm đã trình bày tham luận giới thiệu tổng quan về khu di sản Hoàng thành Thăng Long và kết quả công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản hiện nay.
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh di sản thế giới năm 2010 với những giá trị nổi bật toàn cầu liên quan đến tiêu chí (ii), (iii), và (vi), thể hiện ở chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của một trung tâm quyền lực, trong mối giao thoa văn hóa mạnh mẽ với các nước trong khu vực và trên thế giới, khu di sản hiện còn lưu giữ những tầng di tích di vật độc đáo, phong phú.
Kể từ khi được công nhận đến nay, khu di sản đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị di sản, trong đó phải kể đến các hoạt động mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ theo khuyến nghị của UNESCO; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn; đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, phát triển du lịch di sản, đưa di sản đến gần hơn với công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Về mặt lâu dài, Khu di sản cũng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản (tỷ lệ 1/500) và Kế hoạch quản lý giai đoạn 2021- 2025.
Trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu về Cấu trúc Cấm thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê, với vị trí quan trọng của Long Trì- Đan Trì (sân rồng). Trong đó tập hợp các nguồn tư liệu thư tịch cổ đối chiếu với kết quả điều tra thám sát, khai quật khảo cổ trong những năm gần đây. Dấu tích vật chất trên mặt đất và trong lòng đất không chỉ kiểm chứng tính xác thực của các nguồn tư liệu về quy mô cấu trúc Cấm thành mà còn góp phần nhận diện những sự kiện, giải mã những bí mật của đời sống cung đình xưa kia.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nghiên cứu lịch sử đã làm rõ nền điện Kính Thiên thời Lê cũng đồng thời là nền điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý- Trần. Từ đó góp phần nhận diện rõ ràng và chuẩn xác Khu trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lý- Trần – Lê, phục vụ cho kế hoạch khôi phục lại Không gian Điện Kính Thiên thời Lê.
Đại diện các nhà quản lý và nhà khoa học Bắc Kinh đã trình bày về công tác bảo vệ, kế thừa và phát triển các công viên lịch sử nổi tiếng của Bắc Kinh, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Di Hòa Viên. Theo Bà Trương Á Hồng – Phó chủ nhiệm Trung tâm quản lý công viên Bắc Kinh: thành phố Bắc Kinh có hơn 1600 công viên lớn nhỏ, trong đó có 11 công viên văn hóa lịch sử nổi tiếng, có Di hòa Viên và Thiên đàn là di sản văn hóa thế giới. Đây là những cửa sổ thể hiện “gương mặt thủ đô, nét quyến rũ cố đô và phong cách thời đại” và là ‘tấm danh thiếp vàng” thể hiện sự thu hút của cố đô Bắc Kinh. Bà Trương Á Hồng, cũng nhấn mạnh:“ Trung tâm quản lý công viên Bắc Kinh đã tập trung bảo vệ và phát triển các công viên lịch sử nổi tiếng trong bối cảnh phát triển chung của đất nước và thủ đô, lấy việc bảo vệ di sản văn hóa thế giới làm chủ đạo, nâng cao vai trò phục vụ của các công viên lịch sử trong việc định vị “bốn trung tâm” và “ bốn dịch vụ” của Bắc Kinh; tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên, nỗ lực xây dựng hệ thống cốt lõi của các công viên lịch sử, nâng cao chất lượng bảo tồn các công viên lịch sử, để những tài sản đẹp đẽ này được kế thừa mãi mãi qua thời gian, để mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn khi tham quan những công viên này”.
Chia sẻ những kinh nghiệm bảo tồn di sản thế giới Di Hòa Viên, bà Vinh Hoa – Phó chủ nhiệm Văn phòng Ban quản lý Di Hòa Viên cho biết: Di Hòa Viên là lâm viên hoàng gia lớn nhất còn tồn tại và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc. Đây là một trong những cảnh quan nhân văn mang tính biểu tượng và quan trọng của phong cảnh cổ đại Bắc Kinh. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1998, Di Hòa Viên đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan, kiến trúc cổ, trên cơ sở các nguyên tắc “ bảo vệ là trên hết, tăng cường quản lý, khai thác giá trị, sử dụng hiệu quả, làm cho di sản “sống dậy”. Trong tương lai, Di Hòa Viên sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy: dựa vào di sản văn hóa lịch sử hiện có, duy trì sức sống trẻ trung của Di Hòa Viên, thúc đẩy sự phát triển bền vững để di sản mãi mãi tỏa sáng.
Các đại biểu tham dự tọa đàm khoa học.
Bài trình bày của GS. Lữ Châu đến từ Đại học Thanh Hoa về chủ đề “Bảo vệ có hệ thống các thành phố lịch sử, lấy Bắc Kinh làm ví dụ” đã đem đến cho các đại biểu tham dự nhiều thông tin hữu ích và kinh nghiệm quý báu trong công tác quy hoạch, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa tại Bắc Kinh.
Bắc Kinh là một thành phố có bề dày lịch sử hơn 3000 năm, trong đó lịch sử 870 năm làm thủ đô của các triều đại. Năm 1267, Nhà Nguyên xây dựng thành “Đại Đô”, đặt nền móng cho khu phố cổ Bắc Kinh ngày nay, sau đó xây dựng thủ đô triều đại Minh vào năm 1420. Nhà Thanh định đô Bắc Kinh vào năm 1644, tạo nên quy mô và hình dạng hiện nay của thành cổ Bắc Kinh. Năm 1912, hoàng gia triều Thanh thoái vị, chính phủ Bắc Dương quản lý Bắc Kinh, Bắc Kinh bắt đầu chuyển từ thủ đô của các vị vua sang một thành phố của người dân. Năm 1949, Trung Quốc quyết định chọn Bắc Kinh là thủ đô của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bắt đầu xây dựng thủ đô của đất nước hiện đại. Quá trình lịch sử này đã tạo nên đặc điểm hình thái và tinh thần văn hóa của Bắc Kinh như một thành phố lịch sử và thủ đô đương đại.
Giáo sư Lữ Châu cho biết: Cơ sở của việc bảo vệ có hệ thống thành phố lịch sử đặt ở việc xây dựng mối quan hệ giữa các di sản văn hóa lịch sử, tạo ra sự biểu hiện giá trị văn hóa lịch sử mang tính tổng thể, và thúc đẩy vai trò tích cực của việc kế thừa văn hóa lịch sử trong tiến trình phát triển đương đại của thành phố. Trục trung tâm Bắc Kinh là một phần tiêu biểu nhất trong việc bảo tồn văn hóa lịch sử Bắc Kinh. Trục trung tâm của Bắc Kinh đã thúc đẩy việc bảo tồn thành phố nổi tiếng về văn hóa lịch sử Bắc Kinh bằng cách xây dựng một hệ thống có thể kết nối và bao phủ toàn bộ khu vực thành phố cổ với các loại hình di sản văn hóa lịch sử đa dạng, xây dựng khung giải thích giá trị có thể vừa phản ánh được quá trình phát triển văn hoá lịch sử, vừa phản ánh đời sống xã hội phong phú, đa dạng. Đây là cách làm mà Bắc Kinh đang thực hiện để kết nối các di sản trong hệ thống tổng thể, đồng thời kết nối với các dịch vụ tiện ích khác như nhà hàng, trung tâm thương mại, bến tàu xe, các thiết chế như bảo tàng, nhà hát…
Ngoài các bài trình bày trực tiếp tại tọa đàm, kỷ yếu tọa đàm còn tập hợp một số bài tham luận về các chủ đề như: Nghiên cứu phục dựng Điện Kính thiên nhằm phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long; Bảo vệ phát triển di sản lâm viên từ góc nhìn trí tuệ, sinh thái; Giám sát môi trường sinh thái di sản văn hóa từ góc độ bảo vệ giá trị…
Tọa đàm đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích đối với công tác quản lý bảo vệ, phát huy giá trị ở cả hai khu di sản, với nhiều nét tương đồng về văn hóa lịch sử.
Kim Yến