Việt Nam chính thức có thêm 3 di tích quốc gia đặc biệt
Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 694/QĐ-TT về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 15) đối với 3 di tích quan trọng.
Theo quyết định này, 3 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt trong đợt này bao gồm: Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; và Di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định tại thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Khu vực bảo vệ các di tích đã được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Phó Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có di tích, thực hiện quản lý nhà nước đối với các di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
1. Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành
Ngày 21/9/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra công tác khai quật tại hai di tích khảo cổ học quốc gia: Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá làng Vành, xã Yên Phú thuộc huyện Lạc Sơn. Đây là những di tích nổi bật về nền Văn hóa Hòa Bình, đã được khai quật từ lâu bởi nhà khảo cổ Madeleine Colani và Viện Khảo cổ học.
Di tích được xác định là tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh Hòa Bình, thu hút đông đảo các nhà khoa học nghiên cứu. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết
Trong đợt khai quật này, tại Mái đá làng Vành, diện tích khai quật đạt 50m2, bao gồm một hố chính rộng 40m2 và các hố thám sát nhỏ. Tại Hang xóm Trại, tổng diện tích khai quật là 20m2, bao gồm hai hố 6m2 và bốn hố 2m2 cùng các hố thám sát nhỏ.
Kết quả khai quật hai địa điểm đều thu được nhiều hiện vật phong phú như công cụ xương, mảnh tước, công cụ hạt, đặc biệt tại Hang xóm Trại phát hiện thêm dấu tích bếp lửa, hàng nghìn hạt gạo cháy, và một viên đá cuội được chế tác thành nhiều mảnh. Tất cả hiện vật từ khai quật hiện đang được bàn giao và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh để phục vụ nghiên cứu, trưng bày và đáp ứng nhu cầu văn hóa của công chúng.
2. Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng
Hồi tháng 4, theo Ban Quản lý di tích tỉnh, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (Bộ VH-TT&DL) đã thống nhất việc UBND tỉnh Bạc Liêu điều chỉnh tên di tích Tháp Vĩnh Hưng thành di tích khảo cổ Vĩnh Hưng trong hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL thẩm định, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Tháp Vĩnh Hưng, xây dựng vào thế kỷ IX để thờ vua Yacovar-Man, được nhà khảo cổ người Pháp Lunet de Lajonquiere phát hiện và đặt tên là tháp Trà Long năm 1911. Đến năm 1917, Henri Parmentier đổi tên thành tháp Lục Hiền. Vào tháng 5/1990, các nhà khảo cổ từ Viện Khoa học xã hội TP.HCM và Bảo tàng tỉnh Minh Hải khảo sát và phát hiện nhiều hiện vật quý giá.
Tháp Vĩnh Hưng. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
Các đợt khai quật vào năm 2002 và 2011, do Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu thực hiện, đã làm rõ kết cấu móng tháp và phát hiện thêm hiện vật. Năm 2011, tháp được trùng tu với các hạng mục như nhà trưng bày, nhà bia và hàng rào.
Tháp Vĩnh Hưng không đơn độc mà thuộc một khu vực di tích rộng lớn, mặc dù các di tích khác đã trở thành phế tích. Năm 1992, tháp được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
3. Di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định: Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, huyện Gò Công Đông đã trở thành địa điểm quan trọng cho nhiều căn cứ cách mạng. Hiện nay, toàn huyện có một di tích lịch sử cấp quốc gia là Đền thờ Trương Định cùng các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định như Đám Lá Tối Trời, Ao Dinh (thuộc xã Gia Thuận và xã Tân Phước).
Đền thờ Trương Định
Ngoài ra, huyện còn có 13 di tích cấp tỉnh tiêu biểu, bao gồm: Mộ Nghĩa quân Trương Định, Lũy Trại Cá, Chiến thắng Xóm Gò, Đài Chiến sĩ Xóm Dinh, và nhiều địa điểm khác.