Đình Nhạn Tái

Đình Nhạn Tái thuộc thôn Nhạn Tái, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xuân Nộn là vùng đất cổ có lịch sử ra đời và phát triển từ rất sớm. Người dân nơi đây có truyền thống lao động cần cù, thông minh sáng tạo, yêu quê hương đất nước.

Thôn Nhạn Tái ở vị trí trung tâm của xã. Sở dĩ làng có tên Nhạn Tái vì nằm trên một thế đất hình chim nhạn đang sải cảnh bay về hướng Đông, đầu ngoái lại phía sau. Cái tên Nhạn Tái mang một ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn để lại cho các thế hệ mai sau, đó là hãy luôn luôn vươn lên phía trước, nhưng đừng bao giờ quên tổ tiên, cội nguồn của mình.

Lịch sử lập làng Nhạn Tái đến nay không còn rõ, song dựa theo truyền tích dân gian và hệ thống di tích hiện còn thì có thể đoán định rằng làng Nhạn Tái đã ra đời từ rất lâu. Đình Nhạn Tái hiện nay thờ 6 vị thành hoàng làng gồm Cao Sơn Đại Vương, Quốc Vương thiên sứ Nhã Lang, Ả Lã Nàng Đê, Tiến sĩ Đỗ Nhuận, Hai vị phúc thần mỹ tự là Sùng Nghiệp An dân Đại vương và Cảm ứng Uy linh Đại vương.

Sở dĩ đình thờ nhiều vị như vậy là do biến thiên của lịch sử, đền, nghè và nhà thờ không còn, do đó nhân dân đã tập trung bài vị, bát hương của các vị thần về đình để thờ cúng.

Vị thần có lịch sử lâu đời nhất được ghi chép trong cuốn thần phả còn lưu giữ tại đình là Cao Sơn Đại vương. Ông là một nhân vật quan trọng trong điện thần của người Việt trước đây, là một trong số những vị thần thuộc hệ thống thần thoại về thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta. Ông là người có công lớn cùng với Sơn Tinh bảo vệ triều Hùng. Chính vì vậy ông luôn được đứng ở hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn thánh trên đền thờ núi Tản và được thờ ở nhiều nơi.

Vị thần thứ hai là Quốc vương Thiên từ Nhã Lang. Ông đã có công trong việc gây dựng và bảo vệ vương triều tiền Lý thời Lý Nam Đế. Sau khi dẹp xong loạn Tam Vương, ông cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Bình được phương Nam, vua Lý ban ấp cho ăn lộc ở huyện Đông Ngàn. Sau khi mất, ông được vua Lý sắc phong cho làm phúc thần và được thờ phụng ở nhiều nơi.

Vị thần thứ ba là Ả Lã Nàng Đê – vị nữ thần duy nhất được thờ tại đình. Bà là nữ tướng theo Hai Bà Trưng đánh giặc, sau khi mất được nhiều nơi lập đền thờ.

Vị thần thứ tư là Tiến sĩ Đỗ Nhuận, ông đỗ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận (năm 1466). Mùa thu năm Giáp Thìn đời Hồng Đức (năm 1484) bắt đầu việc dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu, ông cùng với Thân Nhân Trung được giao bình thơ của vua quan đương thời. Với đất nước, ông là bậc đại thần trung quân ái quốc, với quê hương Nhạn Tái, ông là người có công khai sáng truyền thống văn hóa và là người đã giúp dân dựng lên 2 ngôi chùa là chùa Chú và chùa Rừng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và nét đẹp văn hóa cho người dân nơi đây.

Hai vị đại vương còn lại chỉ còn duệ hiệu được ghi trên bài vị, sắc phong, là những vị thần có công giúp nước, giúp dân, được các triều đình phong kiến tặng để thờ phụng mãi mãi.

Đình Nhạn Tái là di tích tôn giáo tín ngưỡng truyền thống thờ các vị thần thành hoàng làng có công với dân với nước. Đình tọa lạc trên một khu đất rộng, có quy mô bề thế với kiểu mái làm kiểu 4 mái, các mái trải dài và lợp ngói mũi hài. Bốn góc đao uốn cong vút nhẹ nhàng với hai mũi ngắn dài đắp nổi hai linh vật là quy, phượng. Chính giữa nóc mái đáp nổi đôi rồng lưng uốn cong mềm mại, chầu mặt trời.

Đại đình gồm 5 gian 2 chái với bộ khung gỗ bề thế vững chắc. Hậu cung nối với hai gian giữa chạy dọc tạo nên kiến trúc lối chữ “Đinh”. Trang trí trên kiến trúc phong phú đa dạng với hệ thống đầu dư, đầu nghé được chạm lộng trong một khối chắc khỏe với hình đầu rồng ngậm ngọc được tạo tác công phu tỷ mỉ.

Trên mỗi bộ vì đều trang trí hoa lá, vân mây mềm mại chau chuốt. Các bức cốn của đình được trang trí đậm đặc với đề tài truyền thống như tứ linh, phượng vũ, thần quy lạc thư, long mã, hà đồ, rồng cuốn thủy, sư tử hý cầu. Mặt sau của các bức cốn chạm tứ quý, các bức chạm khắc gỗ được thể hiện tài tình biểu hiện tài năng khéo léo tuyệt vời của các nghệ nhân xưa. Đáng chú ý là tại gian giữa tòa đại đình, phía trên câu đầu là màn giếng của đình như một bức tranh sơn son thiếp vàng lộng lẫy, được trang trí hình văn cánh sen, bốn góc có hình dơi và ống quyển, sách bút rất đẹp. Các hoa văn này có tính chất đề cao sự học hành đỗ đạt theo quan niệm Nho giáo xưa.

Đình Nhạn Tái còn bảo lưu được nhiều di vật quý mang những giá trị nhất định về lịch sử nghệ thuật, góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho kiến trúc của ngôi đình. Cuốn thần phả chữ Hán và 20 đạo sắc, đạo có niên hiệu muộn nhất và Đồng Khánh thứ 2 (Đinh Hợi, 1887). Các di vật bằng gỗ có ngai thờ bài vị, sập thờ, cửa võng, kiệu bát cống, cuốn thư, hoành phi, câu đối có niên đại tạo tác thế kỷ XIX.

Là một di tích được hình thành trên vùng đất cổ, đình Nhạn Tái là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng làng xã từ xưa đến nay; tôn thờ các vị thần thành hoang chính là người bảo trợ cho cuộc sống bình yên, ấm lo của dân làng. Hàng năm vào ngày 16 tháng Giêng, dân làng lại tưng bừng mở hội, thể hiện lòng biết ơn và kính trọng các bậc anh hung thời tiền sử. Không khí lễ hội được thể hiện qua câu ca truyền thống từ đời này qua đời khác.

“Hội xuân mở trước sân đình.
Dưới ao có rối rập rình nhấp nhô
Tùng tùng trống vật trên bờ
Véo von ca xẩm, ca trù trên sân”

Với những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, ngôi đình Nhạn Tái được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng năm 1997 và nó đã thực sự vượt qua giới hạn nhỏ hẹp của làng xã để hòa nhập và hệ thống các di tích cổ đáng được trân trọng.

Trong tương lai, di tích đình Nhạn Tái sẽ cùng với hệ thống các di tích với lễ hội có trò chơi dân gian nổi tiếng của Xuân Nộn như lễ hội kéo lửa, nấu cơm thi của thôn Lương Quy, lễ hội Kén rể của thôn Đường Yên, lễ hội Kéo rắn của thôn Xuân Nộn sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn của Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung./.

Nguyễn Thị Hạnh

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button