Lễ dâng hương tưởng niệm 135 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu
Sáng ngày 4/4/2017 (mùng 8/3 năm Đinh Dậu), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 135 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu tại di tích Bắc Môn (khu di sản Hoàng thành Thăng Long).
Tham dự lễ dâng hương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Đức Chung – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng – Ủy viên trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện chính quyền phường sở tại, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể nhân dân; học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại lễ dâng hương tưởng niệm Tổng đốc Hoàng Diệu
Tổng đốc Hoàng Diệu có tên chữ là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai. Ông sinh ngày 10/2 năm Kỷ Sửu (1829) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Xuân Đài, Diên Phước, Quảng Nam (nay là Huyện Điện Bàn – Quảng Nam). Năm 1848, Hoàng Diệu đi thi hương tại Thừa Thiên và đỗ Cử nhân, cùng khoa với anh trai là Hoàng Kim Giám. Năm 1853, Hoàng Diệu dự kỳ thi đình và đỗ Phó bảng. Ông từng nhậm các chức quan: Kiểm thảo Viện Hàn lâm (1853), Tri huyện huyện Tuy Viễn (Tuy Phước – Bình Định) năm1854, Tri huyện huyện Hương Trà (tỉnh thừa Thiên Huế) năm1864. Từ năm 1868 đến 1876 ông lần lượt giữ các chức: Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên), Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh. Năm 1878, Hoàng Diệu trở lại quê hương Quảng Nam sung chức Khâm sai đại thần lo việc chẩn tế và dẹp giặc cướp. Từ năm 1878 đến 1879, Hoàng Diệu nhậm chức Tham tri bộ Hình,Tham tri bộ Lại kiêm Quản đô viện. Cuộc đời làm quan của ông có đôi lần thăng trầm nên bị giáng chức vì cấp dưới phạm phải sai lầm mà ông không biết. Sau triều đình biết ông là người có tài lại nhiệt tình, liêm khiết, trong sạch nên phục chức. Năm 1879, Hoàng Diệu nhậm chức ngoại giao với hàm Phó sứ cùng Chánh sứ đàm phán với Tây Ban Nha về hiệp ước thương mại. Cũng trong năm này, ông được thăng hàm Thượng thư bộ Binh. Năm sau (1880), Hoàng Diệu nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng phụ cận. Ông đã ra sức tổ chức bố phòng Hà Nội và chăm lo đời sống của người dân. Tại Ô quan Chưởng hiện còn tấm bia “Lệnh cấm trừ tệ” được viết năm 1881 do Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu cùng Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng nghiêm sức các quan không được sách nhiễu người dân trong các dịp ma chay, cưới xin cùng các quy định mọi người phải chấp hành.
Tổng đốc Hoàng Diệu (Ảnh tư liệu)
Khi quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai (ngày 25/4/1882), tổng đốc Hoàng Diệu đã chỉ huy quân lính chiến đấu dũng cảm, quyết tâm giữ thành, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Tuy nhiên, trong thành có kẻ nội gián, đốt kho súng gây hỗn loạn, quân giặc lợi dụng thời cơ trèo lên cửa thành phía Tây, phá cổng rồi ồ ạt kéo vào thành.
Thành Hà Nội thất thủ, tổng đốc Hoàng Diệu lui về hành cung, soạn di biểu tạ tội với triều đình, rồi dùng khăn chít đầu tuẫn tiết tại Võ Miếu, nêu cao khí tiết thà chết không chịu cúi đầu.
Trên Vọng Lâu Thành Cửa Bắc ngày nay thờ hai vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, những người anh hùng nghĩa liệt, đã bỏ mình vì dân vì nước, được nhân dân đời đời tưởng nhớ công lao:
“Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
Sinh ư Nam, tử ư Bắc thiên thu chính khí vượng sơn hà”
Cuộc đời yêu nước thương dân, tấm lòng trung nghĩa của tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được ví như vầng nhật nguyệt. Tuy không sinh ra ở Thăng Long nhưng cả hai cụ đều đã hy sinh, tử tiết vì mảnh đất này, nêu cao khí tiết kiên trung, ngàn năm còn mãi với non sông đất nước.
Lễ dâng hương là dịp để các thế hệ con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của những người anh hùng nghĩa liệt đã chiến đấu, hy sinh, giữ thành Hà Nội, bảo vệ đất nước. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Một số hình ảnh tại lễ dâng hương:
Vọng Lâu – Di tích Bắc Môn (Khu di sản Hoàng thành Thăng Long)
Đoàn đại biểu Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình – Hà Nội) đến thắp hương, tri ân Tổng đốc Hoàng Diệu. Ngôi trường tại thủ đô vinh dự được mang tên người con trung nghĩa của đất Quảng Nam.
Cô và trò trường Tiểu học Hoàng Diệu cùng tìm hiểu tiểu sử và công lao của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Di tích Bắc Môn là một địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Rạng rỡ trước cổng thành Bắc Môn, nơi lưu dấu lịch sử hào hùng của cha ông.
Cô và trò cùng chụp ảnh lưu niệm với bác Phạm Quang Nghị, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ban biên tập