Triển lãm “Con đường thống nhất” kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Nhà và Hầm D67 là di tích cách mạng quan trọng trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Di tích gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây, từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975, bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam( từ 1976 là Đảng cộng sản Việt Nam), Quân ủy trung ương và Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương chính sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Di tích Cách mạng Nhà D67

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm “Con đường thống nhất” tại di tích Cách mạng Nhà và Hầm D67. Triển lãm giới thiệu 200 tài liệu, ảnh, gồm 03 chủ đề:

Chủ đề 1: Quyết định chiến lược của Tổng Hành dinh: Giới thiệu tình hình cách mạng nước ta từ sau Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cuộc kháng chiến của quân dân ta đang đứng trước thời cơ lớn. Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng, từ Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định chiến lược cho cách mạng Việt Nam, khẳng định “Kiên định con đường cách mạng bạo lực, giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn”.

Chủ đề 2: Một ngày bằng 20 năm: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta bước vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với nhịp độ “Một ngày bằng 20 năm”. Cuộc chiến đấu của ta phát triển với tốc độ “thần tốc” với liên tiếp các thắng lợi từ các chiến trường: Đường 14 – Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên Huế, Đà Nẵng.

Chủ đề 3:Tiến về Sài Gòn: Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị chỉ đạo toàn quân, toàn dân bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, mở cuộc tổng công kích, tiến về giải phóng Sài Gòn. Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Triển lãm mở của phục vụ du khách tham quan từ ngày 28/4/2025 đến ngày 31/5/2025, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội cũng triển khai kế hoạch chỉnh lý tổng thể di tích Nhà và Hầm D67, nghiên cứu phục hồi màu gốc của di tích; Bước đầu triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67”, do Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ một phần. Trong đó tập trung các nội dung: Nghiên cứu, tổng hợp, phân tích tài liệu lịch sử và sưu tầm bổ sung tài liệu liên quan đến di tích Nhà và Hầm D67; Xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử tại Nhà và Hầm D67 với vai trò là Tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1968 – 1975; Xây dựng kịch bản diễn giải về Di tích Nhà và Hầm D67; Xây dựng nội dung Multimedia và các bộ phim 3D giới thiệu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn di tích Nhà và hầm D67. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu từ khái quát đến chi tiết về công trình Nhà và Hầm D67; vai trò của Nhà và Hầm D67 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; xây dựng một phương pháp diễn giải mới đầy tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và gia tăng trải nghiệm của du khách, đặc biệt là giới trẻ khi đến tham quan tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trong thời gian thực hiện đề án, câu chuyện “Nhà và Hầm D67, hành trình đến ngày toàn thắng” sẽ được diễn giải bằng công nghệ hiện đại, góp phần lưu giữ và tôn vinh giá trị di tích, đem đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và hấp dẫn.

TRUNG TÂM BẢO TỒN DI SẢN THĂNG LONG- HÀ NỘI

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button