Thừa Thiên Huế – Nơi bảo tồn những giá trị văn hóa cung đình
Năm 1993, những di tích kiến trúc Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và đến tháng 11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Huế đã từng là trung tâm chính trị, văn hóa của nhà nước phong kiến Việt Nam trong hơn 400 năm. Bắt đầu từ khi vua Quang Trung chọn làm kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1802), vua Gia Long chọn làm kinh đô của Triều Nguyễn (1802-1945).
Nhìn chung, đại đa số các công trình kiến trúc cung đình đều nằm ở bờ Bắc Sông Hương. Ðó là các thành quách (Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành), trong đó có hàng trăm cung điện và quan thự để triều đình và hoàng gia làm việc và ăn ở. Ở phía Nam Sông Hương là vùng đồi núi rộng hơn 20.000ha dùng dể xây dựng lăng tẩm, đàn, miếu, chùa chiền, trong đó nổi tiếng nhất là bốn ngôi lăng và kiến trúc của nó phù hợp với tính cách của mỗi vị vua chủ nhân của nó, lăng Gia Long uy nghi; lăng Minh Mạng oai phong, lăng Tự Đức thơ mộng và lăng Khải Định tráng lệ.
Điện Thái Hòa
Điện Thái Hoà
Phần lớn những tư dinh của các quan lại, những phủ đệ của các hoàng thân quốc thích, nhà cửa của các tao nhân mặc khách đều tập trung ở một số phường xóm ven Kinh thành như Kim Long, Vỹ Dạ, Gia Hội, An Cựu… Rải rác đó đây ở khắp Kinh Đô Huế còn có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị khác. Ðể phòng thủ về mặt biển và phía Nam, triều đình đã cho xây Trấn Hải Thành ở Cửa Thuận An (năm 1813 thời Gia Long), Hải Vân Quan ở Đèo Hải Vân (năm 1826 thời Minh Mạng)… ở gần Kinh thành hơn, có Văn Miếu, Võ Miếu, Đàn Nam Giao, Hổ Quyền, Điện Voi Ré…
Hầu khắp các cụm công trình và từng công trình kiến trúc, từ thành quách đến lăng tẩm, từ cung điện đến đình chùa, từ quan thự đến nhà vườn, đều được điểm xuyết bởi các phong cảnh thiên nhiên hoặc nhân tạo như sông núi, hồ ao, cây cối, cỏ hoa. Nhìn chung, các loại hình kiến trúc cung đình và dân gian ở Kinh Đô Huế đều được qui hoạch, xếp đặt và cấy vào bối cảnh thiên nhiên một cách có hệ thống, mạch lạc, chặt chẽ, thích hợp và hài hòa.
Huế còn là một trung tâm quan trọng của Ðạo Phật. Ở Huế và những vùng lân cận có trên 1.000 ngôi chùa Phật lớn, nhỏ có giá trị kiến trúc và nghệ thuật cao, trong đó có hàng chục ngôi chùa được xây dựng cách đây trên 300 năm và hàng trăm đền, chùa được xây dựng đầu thế kỷ 20. Nổi bật nhất là chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm.
Nét đặc trưng của văn hóa ở Thừa Thiên-Huế còn là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình. Những điệu hò, điệu lý dân gian đã được tiếp thu và cải biên phục vụ cho vua chúa trở thành ca, múa nhạc cung đình có giá trị nghệ thuật cao.
Sông Hương
Sông Hương – Phu Văn Lâu, nơi thường diễn ra các cuộc thả thơ thuở trước
Huế còn có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức công phu, bài bản khiến du khách rất thích thú. Có thể kể ra một số lễ hội tiêu biểu như lễ hội Điện Hòn Chén, suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu (Mẹ Xứ Sở) là người đã sáng tạo ra đất đai, cây cối và dạy dân cách trồng trọt, canh tác; lễ hội Cầu ngư, tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Thai Dương Hạ có công dạy dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành; hội vật võ làng Sình; hội đua thuyền và hội thả diều.