Việt Nam có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
Vào hồi 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tiếp đó, vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8/12/2017, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn Việt Nam tại kỳ họp.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: “Chơi Bài Chòi” và “Trình diễn Bài Chòi”. Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Cùng với cộng đồng, những người này đã thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và truyền dạy Nghệ thuật Bài Chòi, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Theo kết quả Báo cáo định kỳ quốc gia (năm 2016) về tình trạng của Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam và theo đánh giá việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản, Ủy ban Liên Chính phủ về thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) đã kết luận di sản Hát Xoan Phú Thọ đã không còn đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí của Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vì những lý do sau:
– Báo cáo về tình trạng của di sản chứng tỏ rằng Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của nó kể từ khi được ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Ví dụ, năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi. Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan. Ngày nay, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của Hát Xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh. Có thể đạt được một số kết quả bảo vệ tốt hơn thông qua sự phối kết hợp với các dự án quốc gia về phát triển bền vững. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn tồn tại như sự đe dọa từ việc đồng nhất các buổi biểu diễn; những người trẻ tuổi vẫn rời bỏ làng nghề để tìm kiếm việc làm và học tập nên mất đi cơ hội để thực hành.
– Dự án bảo vệ và phát huy Hát Xoan được Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đã thực hiện từ năm 2013 và tiếp tục cho đến năm 2020, đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng. Các biện pháp bảo vệ kết hợp truyền dạy Hát Xoan, đào tạo về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản, sưu tập các tài liệu văn học trên thực tế và công bố cho các mục đích giáo dục và giới thiệu di sản trong trường học. Bốn phường của những người thực hành Hát Xoan đã có những đóng góp to lớn cho việc bảo vệ Hát Xoan từ những năm 1980 cho đến nay. Kiến thức và việc thực hành liên tục của họ đã giúp khôi phục loại hình nghệ thuật này.
– Các phường Xoan và cộng đồng, các học viên và các tổ chức có liên quan đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị Báo cáo định kỳ quốc gia, nhiệt tình tham gia vào các cuộc phỏng vấn, thảo luận và hội thảo. Hơn nữa, di sản này đã được kiểm kê rộng rãi với sự tham gia của cộng đồng từ năm 2012 đến năm 2015, với các thông tin được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê bài bản của Hát Xoan cũng được thực hiện bởi Viện Âm nhạc Việt Nam thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Hát Xoan
Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình xem xét của Uỷ ban về đề nghị này của Việt Nam, Ủy ban sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo hướng dẫn và xác định các thủ tục rõ ràng để rút một di sản ra khỏi danh sách và đưa một di sản từ danh sách này sang danh sách khác.
Bên cạnh việc ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện mà cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản như đã được đề cập trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2011 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, gồm:
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn (2003).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2005).
- Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp: Hát Ca Trù (2009).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (2015). Hồ sơ đa quốc gia, hợp tác giữa Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippin.
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016).
- Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp: Hát Xoan Phú Thọ (2011) và di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (2017).
- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).
(Tổng hợp theo dsvh.gov.vn)