Khai mạc trưng bày và hội thảo khoa học “60 năm nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch”

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người (từ cuối tháng 12 năm 1954 đến ngày 2 tháng 9 năm 1969). Cùng với Ao cá, Vườn cây, Phủ Chủ tịch và các nhà làm việc khác, Nhà sàn là di tích trung tâm, nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 11 năm cuối đời (5/1958-8/1969), nơi từng chứng kiến sự hy sinh quên mình của Bác vì độc lập, tự do của dân tộc trong những ngày tháng vô cùng gian khó của lịch sử. Nơi từng chứng kiến sự trăn trở đêm ngày của Người để tìm ra đường lối đúng đắn lãnh đạo nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, là “chốn linh thiêng”, là “nơi hội tụ”, là “địa chỉ đỏ” của khách tham quan trong nước và bạn bè quốc tế tới tham quan, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

nhasan01

Nhà sàn, ao cá Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch

Nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, tuyên truyền phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Nhà sàn Bác Hồ, 49 năm bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà sàn trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (5/1958-5/2018), kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018), ngày 11/5/2018,  Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức trưng bày và hội thảo khoa học “60 năm nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch”. Khu trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu quý giá, chân thực về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo khoa học cũng đã nhận được 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định những kết quả, thành tích qua 60 năm hoạt động, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nhà sàn của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động trong Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Một số tham luận đi sâu phân tích ý nghĩa, giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh qua di tích Nhà sàn cùng các di vật, hiện vật, tài liệu hiện đang trưng bày, phát huy giá trị trong ngôi nhà này. Các nội dung được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau như: tấm gương đạo đức, cuộc sống đời thường thanh bạch, giản dị; phong cách làm việc; sự tinh tế trong ứng xử với con người và thiên nhiên; Nơi tỏa sáng nhân cách của một nhà văn hóa lớn trọn đời vì nước vì dân; Là xuất phát điểm của những tư tưởng, đường lối chiến lược, những văn kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc; Nơi hội tụ tình cảm của Người với bạn bè năm châu, hội tụ tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; Giá trị văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật của Nhà sàn Bác Hồ.

Một số tham luận đưa ra những nhận định, đánh giá thực trạng danh mục tài liệu hiện vật vốn có và đang trưng bày trong di tích Nhà sàn từ khi mở cửa phục vụ khách tham quan đến nay nhằm đưa ra giải pháp hợp lý, khoa học hơn. Bên cạnh đó, các bài tham luận còn chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn di tích Nhà sàn và không gian, cảnh quan môi trường xung quanh, công tác trưng bày, sưu tầm các tài liệu hiện vật và phát huy giá trị  di sản Nhà sàn Bác Hồ; thu thập, hiệu đính các thông tin, tư liệu lịch sử để tuyên truyền đầy đủ, chính xác hơn về di tích, góp phần phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với Người thời kỳ 1954-1969 tại Khu Phủ Chủ tịch.

Một số tham luận tham luận đi sâu khai thác thông tin từ các nhân chứng có liên quan đến di tích Nhà sàn, Nhà sàn Bác Hồ ở một số địa phương; phân tích những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích Nhà sàn và đề xuất các hình thức nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giáo dục ngày càng sâu rộng, đầy đủ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

nhasan02

Khách tham quan tại khu trưng bày

Cuộc Trưng bày và Hội thảo khoa học “60 năm nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch” còn có ý nghĩa quan trọng hơn vì đây là hội thảo chuyên đề, chuyên sâu được các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, về nghiệp vụ kiểm kê, trưng bày, bảo tồn di tích mang đến những kết quả nghiên cứu mới, những thông tin mới, những kinh nghiệm mới và đặc biệt là những gợi mở mới nghiên cứu về các giá trị và việc phát huy giá trị di tích Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Bùi Thị Thu Phương

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button