Mái che Hoàng Thành: Tạm yên tâm cho 3 năm tới
Chiều 16-1-2006, TS Tống Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, đại diện chủ đầu tư là Viện KHXH VN chính thức thông báo về việc hoàn thành công trình mái che tạm và hệ thống tiêu thoát nước bảo vệ khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.
Công văn 1787/VPCP-VX của Văn phòng Chính phủ ngày 7-4-2005 đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Chủ tịch Viện KHXH VN quyết định và chịu trách nhiệm triển khai xây dựng nhà mái che tạm cùng hệ thống tiêu thoát nước cho khu di tích.
Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng hệ thống mái che được khởi công lắp ráp từ ngày 12-5-2006 và hoàn thành với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng bằng vốn nhà nước. Mái bao phủ 12.640 m2 trên tổng diện tích 19.000 m2 của khu di tích, gồm 1 mái che cho khu A, 1 mái cho khu B và 3 mái cho khu D. Theo yêu cầu của Viện KHXHVN, mái che phủ được toàn bộ di tích từ 2-3 năm, sau đó nếu cần sử dụng tiếp thì phải thay mới phần mái.
Với mái che tạm, ít nhất các nhà khảo cổ đã có thể thở phào, yên tâm bắt tay vào nghiên cứu và tìm cách phát huy di tích.
Phần thiết kế do Đại học Xây dựng đảm nhiệm. Các nhà mái che có kết cấu chung là nhà khung sắt kết hợp với lito (tay đòn đỡ mái) bằng tre. Khung mái bằng thép và mái lợp tấm nhựa Tiền Phong. Mái nhựa này đảm bảo nhẹ và bền, không tạo nên tiếng ồn lớn (như dư luận từng lo về mái tôn sẽ làm thành cái trống tôn khổng lồ giữa lòng thành phố).
Năm 2004, bản thiết kế cũng do Đại học Xây dựng đưa ra đã bị từ chối với lý do kinh phí quá cao và độ kiên cố vượt mức cần thiết của một “công trình tạm”. Rút kinh nghiệm, hệ thống mái che lần này chỉ bằng 1/10 kinh phí và không cần đến máy móc, công nghệ cao.
Tuy nhiên, thay vì giàn thép không gian, người ta phải sử dụng nhà khung sắt và phải đối mặt với việc xử lý khoan lỗ cho các cọc sắt. Để đỡ ảnh hưởng tới di tích bên dưới, đơn vị thi công phải xây trụ nổi cho các cọc này.
Hệ thống thoát nước được tính toán xử lý sao cho toàn bộ nước mưa trên mái được thoát về hai bên. Tại các diềm mái có các máng nước bằng tôn để hứng nước và thu về các ống đứng thoát nước ở phần mái sát vách hố đào, nước chảy xuống sân hè và thoát ra đường nước của thành phố.
Ở phần không sát vách hố đào, nước được thu vào các hố ga tự tạo và được bơm cưỡng bức vào hệ thống cống của thành phố. Một lượng nước đáng lo ngại đến từ các mạch nước ngang cũng được xử lý bằng các đường ống dẫn vào hố ga để bơm cưỡng bức ra đường nước thành phố.
TS Tống Trung Tín cho rằng với hệ thống mái che tạm này, các nhà khảo cổ đã có thể yên tâm tiếp tục nghiên cứu mà trước hết là chỉnh lý lượng hiện vật khổng lồ – công việc tốn ít ra là vài năm nữa.
Theo VietnamNet