Bộ Luật Hồng Đức và Bản đồ Hồng Đức

Bộ Luật Hồng Đức đã trải qua một quá trình xây dựng lâu dài từ thời Lê Thái Tổ, đến thời Lê Thánh Tông mới hoàn thành là một trong những thành tựu về khoa học và giáo dục; một cống hiến quan trọng dưới thời Lê Sơ.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Vũ Khiêu, sự phát triển cao độ của chế độ phong kiến tập quyền dưới thời Lê sơ đã đề ra yêu cầu xây dựng một bộ pháp luật hoàn chỉnh để cố định những trật tự xã hội có lợi cho giai cấp thống trị, để bảo vệ và bênh vực nên chuyên chính của giai cấp phong kiến. Bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) đã ra đời trong hoàn cảnh lịch sử ấy, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triên sang giai đoạn mới của chế độ phong kiến Việt Nam.

Thực ra bộ luật đó không phải do Lê Thánh Tông sáng tạo ra, cũng không phải được xây dựng riêng trong những năm Hồng Đức (1470 -1497), mà là tài sản của một thời kì phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam, trong cả thời Lê sơ. Công lao của triều vua Lê Thánh Tông là đã san định các luật lệ của những  triều trước để hoàn thành bước xây dựng bộ pháp điển ấy.

Bộ Luật Hồng Đức, sau khi được xây dựng đã trở thành pháp luật của thời Lê sơ và của các triều đại sau cho đến thế kỉ XVIII. Các triều đại phong kiến thời Lê Trung Hưng (1533 -1789) sau này vẫn lấy Bộ Luật Hồng Đức làm quy tắc mẫu mực, chỉ sửa đổi, bổ sung thêm một số điều khoản phụ cho thích hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời mà thôi.

Bộ Luật Hồng Đức là một bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, kĩ thuật pháp lí hoàn thiện hơn so với các bộ luật cùng thời, có những điểm tiếp cận gần với kĩ thuật pháp lí hiện đại.

Văn bản của bộ luật này là một trong những thư tịch cổ nhất hiện còn được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm (Hà Nội). Tại đây có hai bản in ván khắc đều có tên là Quốc triều hình luật. Ngoài ra còn có một bộ sách chép tay tuy có tên gọi là Lê triều hình luật, nhưng nội dung của nó lại là bản sao lại của Quốc triều hình luật (nhà Hậu Lê) và chép vào thời gian sau này.

Trong đó bản Quốc triều hình luật mang ký hiệu A.341 là bản in ván khắc hoàn chỉnh hơn cả và được coi là văn bản có giá trị nhất. Bộ luật trong sách này gồm 6 quyển, in ván khắc trên giấy bản, tổng cộng gồm 129 tờ đóng chung thành một cuốn. Sách không ghi tên tác giả, không có dấu hiệu niên đại soạn thảo hay niên đại in ấn và cũng không có lời tựa hoặc các chú dẫn khác. Bìa nguyên bản cuốn sách đã mất, được thay thế bằng một tờ bìa viết 4 chữ Hán là Quốc triều hình luật bằng bút lông. Nội dung của bộ luật này đã được Phan Huy Chú ghi chép lại trong phần Hình luật chí của Lịch triều hiến chương loại chí, nhưng thiếu so với cuốn sách này 143 điều trong tổng số 722 điều.

Từ đầu thế kỷ 20, Quốc triều hình luật đã được khảo dịch sang tiếng Pháp. Đến năm 1956, nó mới được dịch sang quốc ngữ lần đầu tiên (bản dịch của Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn do Lương Thần Cao Nãi Quang phiên âm, và dịch nghĩa, Nguyễn Sĩ Giác hiệu đính, Vũ Văn Mẫu viết lời tựa, nhà in Nguyễn Văn Của phát hành, Sài Gòn, 1956). Gần đây, Viện Sử học Việt Nam đã dịch thuật lại cho chuẩn xác hơn. (Nhà xuất bản Pháp lý, Hà Nội – 1991).

Nghiên cứu về địa lý Việt Nam và sự ra đời của bản đồ Hồng Đức

Cùng với Bộ Luật Hồng Đức, Giáo sư Vũ Khiêu cũng phân tích về ý nghĩa của sự ra đời của Bản đồ Hồng Đức và đánh giá là một cống hiến quan trọng dưới thời Lê Sơ.

Hiện nay, trong kho sách Hán – Nôm, ta có thể thấy ít nhất 10 dị bản bản đồ Hồng Đức được sao vẽ lại trong sách bản đồ do người đời sau thực hiện. Đây đều là những phiên bản được sao vẽ lại bắt đầu từ gốc: bản đồ Hồng Đức ra đời năm 1490.

bandohongduc

Bản đồ Hồng Đức là một bộ Atlas quốc gia đầu tiên của nước ta do Nhà nước phong kiến Việt Nam biên vẽ và ban hành. Sách Đại Việt sử kí toàn thư còn ghi lại khá cụ thể quá trình thu thập tài liệu và thời gian hoàn thành tập bản độ hết sức quí giá này.

Tập bản đồ Hồng Đức còn lại đến ngày nay, gồm 15 tấm bản đồ và những phần chữ thuyết minh, chú giải cho bản đồ.

15 tấm bản đồ đó bao gồm 1 Bản đồ cả nước, 1 tấm bản đồ kinh đô Thăng Long ; 13 bản đồ của 13 sứ thừa tuyên đương thời.

Xét về mặt hình thức thể hiện bản đồ Hồng Đức, kết hợp các trang bản đồ và các trang thành văn (tiếng Anh: text). Các trang thành văn mô tả cấu trúc chính của mỗi trang thừa tuyên. Việc kết hợp như thế cũng vẫn còn thông dụng trong các Atlas hiện nay. Như vậy, nếu bỏ qua yêu cầu chặt chẽ về cơ sở toán học như bản đồ học hiện đại, thường chiếu cố đối với các sản phẩm bản đồ cổ đại, thì bản đồ Hồng Đức có đủ tiêu chuẩn như một Atlas địa lí chung của nước  ta vào thế kỉ XV.

Bản đồ Hồng Đức là kết quả đúc kết kiến thưc địa lý và bản đồ của những thời đại trước và của những nhà sử học và địa lí học uyên bác thế kỉ XV như: Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên …bản đồ Hồng Đức , sau khi hoàn thành được phát huy rộng rãi, được sao chép thành nhiều bản trong triều đình, ban phát cho những viên quan đứng đầu các thừa tuyên, dùng cho các tướng sĩ, và làm một tài sản quí báu phục vụ cho các giám sinh học tập trong Quốc Tử Giám thời đó. Có thể khẳng định: Với việc xuất hiện của tập bản đồ Hồng Đức dưới thời Lê Thánh Tông, ông cha ta đã có một bước tiến mới, qui củ hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản lí nền hành chính đất nước vào cuối thế kỉ XV.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button