Phát triển du lịch thủ đô: Cần sự phối hợp đồng bộ
Du lịch là mang tính liên ngành, liên vùng vì vậy cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương để xây dựng được các tour, tuyến, sảm phẩm du lịch hấp dẫn và đảm bảo an toàn cho du khách.
Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Hà Nội thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Ảnh Gia Huy
Các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến các Sở, ngành, quận, huyện góp ý đã đưa ra ý kiến đóng góp như trên đối với dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sáng 11/12.
Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2015, Hà Nội sẽ đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 14,2 triệu khách nội địa; năm 2020 đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt trên 43 tỷ đồng. Chỉ tiêu thành phố cũng đã đặt ra, năm 2015 tạo việc làm cho 241,5 nghìn lao động, năm 2020 tạo gần 383,4 nghìn lao động.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Sở VHTTDL đã đặt ra các nhiệm vụ để phát triển du lịch từ công tác quy hoạch du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch; tạo môi trường văn hóa thuận lợi cho du lịch phát triển; xây dựng Hà Nội là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước, là đầu mối của các tour, tuyến du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch…
Triển khai 10 giải pháp phát triển du lịch
Trong đó, 10 giải pháp phát triển du lịch đã được đề xuất gồm quản lý nhà nước về du lịch; cơ chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch; nguồn vốn đầu tư; xúc tiến quảng bá du lịch và phát triển thương hiệu du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường; kết hợp phát triển du lịch với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Các đại biểu đã đưa ra các ý kiến góp ý cho dự thảo kế hoạch từ việc làm rõ hơn trong việc phân công nhiệm vụ các Sở, ngành, quận huyện bởi đặc thù của du lịch là mang tính liên ngành, liên vùng, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương để xây dựng được các tour, tuyến, sảm phẩm du lịch hấp dẫn và đảm bảo an toàn cho du khách.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc phát triển du lịch làng nghề và liên kết vùng trong du lịch làng nghề theo lộ trình thời gian nhất định; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa tại các phường, xã; nâng cao khả năng giao tiếp của người dân, nhân viên bán hàng trong vùng du lịch; phát triển các sản phẩm lưu niệm mang đậm nét địa phương phục vụ khách du lịch…
Theo Quy hoạch đã đặt ra, thành phố sẽ xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm như khu du lịch Quốc gia Ba Vì – Suối Hai, quy hoạch chi tiết khu du lịch hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai, khu du lịch Sóc Sơn, khu nước nóng Thuần Mỹ…
Việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu du lịch cũng sẽ được hoàn thiện như khu du lịch Hương Sơn (dự án đường nối Khu du lịch Hương Sơn – Tam Chúc – Bái Đính), đầu tư xây dựng cảng Bát Tràng giai đoan II, mở rộng và hoàn thiện hạ tầng khu vực bến Trò, chú trọng đầu tư các dự án khu vực sườn tây núi Ba Vì…
Các sản phẩm du lịch mới sẽ được đưa vào khai thác để thu hút khách du lịch là phát triển du lịch cộng đồng tại Ba Vì; khai thác, phát triển du lịch bền vững quần thể “Không gian lễ hội Gióng” tại huyện Gia Lâm và Sóc Sơn; bảo tồn giá trị và xây dựng điểm đến du lịch tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nâng cấp điểm đến du lịch tại một số điểm trong Khu Phố cổ Hà Nội.
Dự thảo kế hoạch cũng đặt nhiệm vụ ngành VHTTDL sẽ tăng cường phối hợp với Công an thành phố và Sở Lao động, Thương binh và xã hội xây dựng phương án kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo, ép khách du lịch mua hàng tại các điểm du lịch và trước cửa các khách sạn.