Việt Nam có thêm 2 di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Chiều 19/5 tại TP Huế, Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) đã nhóm họp, bàn luận để công bố các hồ sơ được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016.

Trong khuôn khổ Hội nghị MOWCAP lần thứ 7, Hội nghị đã nghe các nước bảo vệ và xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 (Trung Quốc – gồm cả Hồng Kông và Macao – có 04 hồ sơ, Việt Nam có 02, Hàn Quốc có 02, Malaysia có 2, Uzbekistan có 01, Nhật Bản 01, Singapore 01, Iran 01, Myanmar 01 và Mông Cổ 01 hồ sơ).

Việt Nam có 02 hồ sơ đăng ký là “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” (Thừa Thiên Huế) và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh). Sau khi xem xét, Hội đồng MOWCAP đã công nhận và đánh giá cao 2 bộ Hồ sơ của Việt Nam và đã công nhận 2 hồ sơ này là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2016.

viet-nam-co-them-2-di-san-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong

Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhóm họp chiều 19/5 để xem xét các hồ sơ của 10 nước

viet-nam-co-them-2-di-san-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong2

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (thứ 4 từ trái qua) nhận bằng chứng nhận đối với di sản “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế”

viet-nam-co-them-2-di-san-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong3

Đại diện Hà Tĩnh nhận bằng di sản đối với “Mộc bản trường học Phúc Giang”

Cùng với đó là 12 hồ sơ khác của các quốc gia cũng được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016. Gồm: Trung Quốc – gồm cả Hồng Kông và Macao – có 04 hồ sơ, Hàn Quốc có 02, Malaysia có 01, Uzbekistan có 01, Nhật Bản 01, Iran 01, Myanmar 01 và Mông Cổ 01 hồ sơ

Hồ sơ “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” là một trong những bộ Hồ sơ được đánh giá cao nhất. Đây là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán sáng tác dưới dạng các bài văn thơ được chạm cẩn thận chủ yếu trên các liên ba đố bản hoặc vách ván, những bản gốc duy nhất hiện còn ở kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 1802 – 1945.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống văn tự này là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa nhiều nội dung có giá trị được lưu giữ thông qua những tác phẩm nghệ thuật mà chưa thấy di tích nào trên thế giới có một hệ thống văn tự trình bày theo lối “nhất thi nhất họa” gần như trở thành một lề lối phép tắc quy chuẩn của triều đình như ở Huế. Các tác phẩm này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau, từ mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, nghệ nhân nghề mộc cổ truyền cung đình tạo nên một phong cách mang đậm truyền thống của riêng Huế – Việt Nam.

Việc bảo vệ Hồ sơ về “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” được các chuyên gia đánh giá thành công và xuất sắc nhất trong tất cả các Hồ sơ được đề cử lần này. Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu.

viet-nam-co-them-2-di-san-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong4

Với lối trình bày “nhất thi nhất họa” (một bài thơ đi kèm với một bức tranh), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới

Các chuyên gia nhận xét: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn.

“Mộc bản trường học Phúc Giang” cũng được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện. Điểm đặc biệt của di sản này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam cũng được vinh danh trong đợt này.

viet-nam-co-them-2-di-san-ky-uc-the-gioi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong5

“Mộc bản trường học Phúc Giang” là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam

Hai hồ sơ của Việt Nam này được UNESCO công nhận là Di sản ký ức chắc chắn sẽ có điều kiện tiếp cận những công nghệ bảo quản hiện đại nhằm lưu trữ một kho tàng vô giá này của nhân loại.

-Như vậy cộng với 2 di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Việt Nam vừa được công nhận chiều nay, tổng cộng nước ta có 6 di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Di sản Tư liệu Thế giới.

4 di sản được công nhận trước đây là: 1. Mộc bản triều Nguyễn là Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009. 2. Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) được đưa vào Danh mục Di sản Tư liệu Thế giới vào ngày 27/7/2011. Hai di sản này trước đó đã được ghi danh là Di sản Tư liệu trong chương trình Di sản Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 3. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang). 4. Châu Bản triều Nguyễn.

– Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO (Chương trình MOW): Đây là một chiến lược hợp tác quốc tế nhằm giữ gìn, bảo vệ và tạo sự tiếp cận cũng như sử dụng phổ biến các di sản tư liệu, đặc biệt là những di sản quý hiếm và đang bị lâm nguy, được UNESCO phát động từ năm 1992. Chương trình MOW công nhận những di sản tư liệu có ý nghĩa tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, duy trì việc đăng ký và trao tặng logo nhằm nhận diện các bộ sưu tập là di sản tư liệu. Chương trình tạo các điều kiện hết mức có thể để bảo tồn và tiếp cận các di sản tư liệu. Chương trình được phát động nhằm nâng cao nhận thức về di sản tư liệu nhằm kêu gọi sự quan tâm từ các chính phủ, cộng đồng và giới doanh nghiệp để gây quỹ hỗ trợ.

– MOWCAP được thành lập năm 1998 trong Hội nghị Toàn thể đầu tiên tổ chức tại thành phố Bắc Kinh – Trung Quốc và là một cơ quan trực thuộc Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) được UNESCCO thành lập từ năm 1992. MOWCAP đảm trách hoạt động tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gồm 43 quốc gia – là 1 trong 5 khu vực hoạt động của UNESCO trên toàn cầu.

Đại Dươngdantri

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button