Người thuyết minh giữa hoàng thành cổ
Việc khai quật được di tích hoàng thành Thăng Long cổ ngay tại khu vực trung tâm chính trị Ba Đình đã làm chấn động cả nước và bạn bè quốc tế trong ngành khảo cổ học. Giữa công trường khai quật tấp nập công nhân, di tích đang lộ diện dần. Trong ba tháng qua có rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Khi có ai tham quan thì phải có người thuyết minh. Và ai có đủ tư cách để thuyết minh (dù là bất đắc dĩ) hơn chính những người tham gia khai quật di tích đó.
“Các vị hãy nhìn những viên đá lót cột thời Lý, nó đẹp một cách hoàn hảo, nhưng tôi thích những viên đá thời Trần này hơn vì nét thô mộc, phóng khoáng và mạnh mẽ của đặc điểm mỹ thuật dưới triều đại ba lần đánh bại quân Nguyên… Thưa các vị, di tích kiến trúc của hoàng thành cổ này đã cho phép chúng ta ngẩng cao đầu trước thế giới về thành quả xây dựng của tổ tiên, rằng đất nước ta không chỉ có chùa Một Cột… Hãy nhìn hệ thống thoát nước của hoàng thành này đi, các vị sẽ thấy tự ngày xưa ông cha ta đã biết cách đối xử với nước đàng hoàng như thế nào, chứ không như mấy anh cấp thoát nước ngày nay…”.
Tôi đã bị hấp lực từ giọng thuyết minh sang sảng của anh cuốn hút. Anh đi thoăn thoắt giữa bộn bề các di vật mà không chạm tới chúng, bởi vì “tất cả những mảnh sành, mảnh gốm mà các vị nhìn thấy ở đây đều là di vật tổ tiên để lại. Xin các vị đừng giẫm đạp lên chúng. Có một vị khách tham quan đã lấy cắp một mảnh di vật như thế và trên đường về nhà anh ta bị kẹt xe nên đã mang trả lại cho chúng tôi”…
Hơn đứt những speaker nổi tiếng nhất trên các loại sân khấu của nước ta hiện nay, anh nói trơn tru, mạch lạc và có hồn như một kẻ nhập đồng. Khi đến trước hai bộ xương thiếu niên cả ngàn năm tuổi mà anh gọi là “các cụ” (được giới khảo cổ cho là cốt của người bị táng theo tục lệ xây dựng hoàng thành), anh quì xuống đốt hương vái lạy trước khi cầm cái cần ăngten radio – cây gậy thuyết minh – tiếp tục thao thao bất tuyệt…
Kẻ tự nguyện
Người thuyết minh ấy tên là Nguyễn Tiến Đông, 41 tuổi, tiến sĩ khảo cổ học, người đã được ban điều hành Dự án khai quật di tích giao đứng năm hố khai quật, mỗi hố không dưới 300m2. 23-12-2002 là ngày khởi đầu khai quật. Trong hai hố khai quật đầu tiên, anh là người đứng một hố. Trong cái hố đó, một di tích độc đáo – một hiện vật lịch sử có một không hai trong toàn bộ khu di tích đã được khai quật đến ngày nay – được phát hiện: cái giếng cổ thời Đại La (khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 9, thuộc đời nhà Đường – Trung Quốc), được cho là xây dựng dưới thời Cao Biền – chuyên gia “ém long mạch” triệt đường đế vương của đất nước ta.
Cái giếng này được các vua triều Lý tiếp tục dùng rồi xây thêm phần thành giếng. Khi phát hiện nó, Đông đã biết nó có niên đại rất cổ nên anh rất thận trọng. Khi móc sâu vào lòng giếng khoảng 2m, anh cho công nhân dừng lại vì lý do khoa học. Đường kính giếng nhỏ và rất sâu (5,9m), những hiện vật sành sứ có trong lòng giếng đều thuộc niên đại thời Lý. Giếng được xây với kỹ thuật tiên tiến nhất thời đó: chỉ có mạch dọc mà không có mạch ngang. Phải mất 10 ngày nhóm khai quật của Đông mới vét đến đáy giếng, và từ dưới đáy nước phụt lên.
Đông bảo: “Việc khai quật được một cái giếng tốt như thế, sau mười mấy thế kỷ mạch nước vẫn còn phun lên được khiến các vị bô lão tại thủ đô cho rằng việc khơi lại giếng giống như mở lại được long mạch đã bị lấp, báo hiệu vượng khí quốc gia bắt đầu thịnh trở lại”. Nước giếng trong vắt và sạch đến nỗi trong một lần tham quan, một đại biểu quốc hội đã múc lên và… uống trước sự quan sát của bàn dân thiên hạ có mặt tại công trường.
Ngoài bộn bề công việc phải làm ở công trường khai quật, các nhà khảo cổ còn phải tự nguyện làm người thuyết minh. Bản thân Đông đã thuyết minh cho khoảng 200 đoàn khách. Nhưng không chỉ có Đông mà còn hai vị tiến sĩ khác, trong đó có một vị là phó viện trưởng Viện Khảo cổ, chủ nhiệm ban điều hành dự án khai quật di tích! “Chúng tôi làm thế là vì lợi ích của di tích. Thuyết minh cho khách tham quan cũng là một cách tạo dư luận. Mọi người cần phải hiểu được giá trị của nó trước khi cùng nhau đi đến quyết định bỏ phiếu bảo tồn nó bằng bất cứ giá nào. Không biết tại sao khi đứng giữa di tích để thuyết minh, mọi vất vả của tôi tan biến dù mỗi ngày phải lặp đi lặp lại công việc ấy với năm, bảy đoàn khách. Lúc ấy tôi giống như một kẻ lên đồng, một người truyền giáo. Nếu coi sự thiêng liêng của lịch sử tổ tiên là một tôn giáo thì tôi sẵn sàng làm người truyền giáo, mà công việc của một người truyền giáo thì luôn luôn đau đớn!”.
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo...
“Mỗi lần đào được một di vật như đầu rồng, người tôi cứ lâng lâng và sởn gai ốc vì ngay tại đây, lịch sử mà chúng ta đi tìm kiếm bấy lâu đang hiện diện. Tôi không chỉ nhìn thấy dấu vết kiến trúc xưa mà còn ngỡ mình đang đứng giữa thành quách hoàng cung được trang trí rực rỡ, thấy dòng sông cổ như còn đang chảy qua những lầu bát giác. Đây là một vinh dự và may mắn cực kỳ lớn của một nhà khảo cổ vì có lẽ cả đời tôi sẽ không còn được tham gia khai quật một di tích nào lớn hơn thế này!”.
Đông bảo hoàng thành bị phá hủy nhiều lần rồi được xây dựng lại nhiều lần. Rất nhiều tầng kiến trúc thuộc nhiều triều đại chồng lẫn lên nhau trên nền cũ. Cho tới tận giờ này, được tận mắt nhìn rõ di tích hoàng thành, anh mới hiểu được hết nghĩa các câu thơ của bà Huyện Thanh Quan: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Sau một năm khai quật, dù mới chỉ được một diện tích nhỏ là 17.000m2, kiến trúc cơ bản của hoàng thành qua nhiều triều đại, từ khi thuộc Đường, đến Lý, Trần, Hậu Lê… đã lộ rõ ra dưới nền của một khu tập thể quân đội nằm trong khu vực giải tỏa mặt bằng để chuẩn bị xây dựng tòa nhà quốc hội.
Dù đã dự đoán trước nhưng thực tế khai quật đã khiến giới khảo cổ bất ngờ và sửng sốt bởi di tích và các hiện vật của nó quá đẹp và quá phong phú. Nó đã giải đáp được câu hỏi mà rất nhiều cuộc hội thảo khoa học trước đó đã đặt ra: trung tâm thành Đại La ở đâu, trung tâm Thăng Long thời Lý Trần nằm ở nơi nào.
Ấy vậy mà ngày 31-8, các nhà khảo cổ bị buộc phải dừng công trường khai quật, bóc di tích để giao mặt bằng cho bên xây dựng (bên A – người đặt hàng và trả kinh phí khai quật cho các nhà khảo cổ – bên B – theo Luật di sản). Ngỡ ngàng, buồn bã, các nhà khảo cổ bàn nhau tìm kế hoãn binh, kiếm cách giữ lại một phần di tích. Lúc ấy Đông báo cáo với ban điều hành dự án: “Nếu bắt tôi bóc một viên gạch, tôi sẽ cáo ốm và chịu kỷ luật chứ tôi không thể đối xử với tổ tiên mình như thế được!”.
Cuối cùng lãnh đạo của ban điều hành dự án là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia quyết định: phải tác động để mở một cuộc hội thảo khoa học ngay tại công trường, mời những nhà khoa học lớn của cả nước đến tham gia để họ có tiếng nói.
Từ cuộc hội thảo này, một kiến nghị đã được gửi cho Bộ Chính trị đề nghị giữ lại toàn bộ di tích! Để làm được điều này, giới khảo cổ học đã phải tổ chức một cuộc vận động hậu trường. Các vị từng là lãnh đạo cấp cao lần lượt đến thăm công trường: Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Lê Khả Phiêu… và đã đem lại nguồn động viên lớn để giới khảo cổ kiên định quan điểm của mình. Người lúc còn tại chức quyết định việc xây tòa nhà quốc hội là nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt thì ủng hộ tuyệt đối ý đồ của anh em khảo cổ.
Cuối cùng thì Bộ Chính trị cũng đi đến quyết định cho phép tiếp tục khai quật di tích để bảo tồn. Giới khảo cổ thở phào nhẹ nhõm! Đông bảo: “Quyết định của Bộ Chính trị về số phận di tích Thăng Long thành ngang tầm với quyết định dời đô của Lý Công Uẩn. Kịp thời, sáng suốt và dũng cảm”.
Những điều còn lại
+ Tại sao học khoa lịch sử nhưng anh lại chọn chuyên ngành khảo cổ học?
– Tôi được giáo sư Trần Quốc Vượng dạy về cơ sở khảo cổ học nhập môn, sau một cuộc thực tập khảo cổ thì mê luôn nên chọn ngay khảo cổ làm chuyên môn tương lai của mình từ năm 1.
+ Quan điểm cuối cùng của giới khảo cổ vẫn là giữ lại nguyên trạng di tích làm bảo tàng mở? Liệu có tốn kém và trở ngại không như theo đánh giá của một số người?
– Đúng vậy! Vấn đề là chúng ta có chịu giữ lại hay không. Chắc chắn tốn kém nhưng nếu quyết tâm làm thì làm được. Khi Nhà nước giữ lại, các chuyên gia quốc tế sẽ được mời đến. Đại sứ các nước tại VN đã đến tham quan di tích. Đại sứ Nhật hỏi chúng tôi: Các anh có cần chuyên gia không, chúng tôi sẽ gửi đến!”.
+ Có ý kiến cho rằng giữa trung tâm thủ đô tráng lệ ngày hôm nay, ngay tại trung tâm chính trị Ba Đình không nên giữ lại một di tích cổ ngoài trời như thế!
– Ồ, giữa thủ đô mà giữ lại một di tích chứng minh 1.000 năm tồn tại lịch sử của các triều đại VN quả là một điều kỳ diệu. Giữa diện tích chung của trung tâm Ba Đình, di tích chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ và khiêm tốn, khoảng hơn 4ha! Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại, sao phải dồn các trụ sở hành chính quốc gia vào một Ba Đình chật hẹp như ngày nay!
+ Anh có nói theo lời cụ Nguyễn Trãi: Dường như có tổ tiên linh thiêng phù hộ!
– Đúng vậy, Luật di sản mới ra đời khoảng một năm nay, nếu chúng tôi khai quật di tích vào thời điểm sớm hơn, liệu nó có được quyết định giữ lại hay không.
+ Tôi thấy anh hay viện dẫn các cụ bô lão?
– Vâng! Cụ Phan Huy Lê cho biết các đồng bào ta ở nước ngoài đang bàn việc quyên góp để bảo vệ di tích, còn cụ Vũ Khiêu thì cho rằng khi chúng ta chuẩn bị đón rước tổ tiên về dự lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì các cụ đã chủ động về trước!
+ Công việc tiếp tục của các nhà khảo cổ đối với di tích này là gì?
– Diện tích khu hội trường Ba Đình khoảng 60.000m2. Trừ 12.000m2 hội trường Ba Đình cũ phải giữ lại làm kỷ niệm, còn lại sẽ được khai quật. Trước mắt, ban điều hành dự án tiếp tục khai quật thêm 5.000m2 nữa (theo dự án cũ) rồi tiếp tục làm dự án mới khai quật phần còn lại. Khai quật xong chỉ là một nửa công việc, nửa còn lại là nghiên cứu, phân loại di vật, chỉnh lý khoa học. Đây mới là công việc nặng nề, phức tạp để hoàn thành hồ sơ di tích.
+ Vấn đề bảo vệ các di vật như thế nào khi tường rào chung quanh khu di tích dễ leo qua? Chúng tôi nghe tin giới buôn đồ cổ đang lảng vảng quanh đây!
– Chúng tôi bảo vệ hiện trường 24/24 giờ, không thể thất thoát được. Ban điều hành dự án đã đề nghị Công an Hà Nội phối hợp bảo vệ di vật. Chắc chắn không ai có thể bước chân vào kho di vật được.
+ Thời gian gần đây các anh đã tạm dừng cho du khách tham quan để bảo vệ di tích?
– Vâng, nhưng với các đoàn khách ở phương Nam muốn hành hương về thăm lại nguồn cội thì chúng tôi không từ chối.
NGỌC VINH