Giao lưu trực tuyến: Hoàng thành Thăng Long – Di sản Văn hóa thế giới

Từ 14h30 ngày 11/8/2010, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hoàng thành Thăng Long – Di sản Văn hóa thế giới” bắt đầu diễn ra với sự tham dự của các nhà quản lý và chuyên gia có nhiều đóng góp trong quá trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa của thế giới.

giao-luu

Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 1/8 vừa qua, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc UNESCO đã ra Nghị quyết công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

Tin vui này thực sự là điều mà mọi người dân Hà Nội và cả nước đều mong chờ. Đây là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Với mong muốn thông tin một cách tổng hợp và khái quát nhất về giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long; việc phát hiện, khai quật và bảo tồn Di tích Hoàng Thành Thăng Long từ tháng 12/2002 đến nay; đồng thời đáp ứng sự quan tâm của nhiều độc giả về quá trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới cũng như việc làm thế nào để bảo tồn Di sản quý giá này, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến “Hoàng Thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới”.

Xin được trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Chương trình Giao lưu trực tuyến ngày hôm nay là những người đã đóng góp rất nhiều tâm huyết, trí tuệ cho quá trình Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới:

– GS sử học Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
– Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
– Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao
– Ông Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam
– Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ.

ba-hang

Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Ảnh Chinhphu.vn

MC: Thời khắc 6h30 ngày 1/8 tại thủ đô Brasilia có lẽ sẽ là giây phút không thể nào quên đối với các đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO. Thưa bà Ngô Thị Thanh Hằng, cảm xúc của bà lúc ấy như thế nào?

Bà Ngô Thị Thanh Hằng: Thưa quý vị, 20h30 phút ngày 31/7 giờ Brazil tức là vào 6h30 phút ngày 1/8 theo giờ Việt Nam, chúng tôi cùng với 23 thành viên Việt Nam tham dự kỳ họp 34. Khi nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới được thông qua thì cả hội nghị òa lên niềm vui sướng. Tất cả các thành viên trong đoàn Việt Nam vô vùng xúc động khi hàng nghìn đại biểu dự hội nghị cùng vỗ tay. Tất cả các nước bạn bè đều đến chúc mừng.

Đến giờ chúng tôi vẫn giữ được cảm xúc ấy. Tất cả đều xúc động trào nước mắt, vô vùng tự hào, một di sản, một báu vật quốc gia do cha ông để lại đã được công nhận, được vinh danh toàn cầu.

Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên của anh Lê Đức ở Hà Nội: Tôi không biết khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là khu vực nào? Đó là khu mới được khai quật ở giữa đường Hoàng Diệu với đường Hùng Vương, hay là khu thành cổ nằm giữa đường Hoàng Diệu với đường Nguyễn Tri Phương?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được giới hạn bởi phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương, phía Nam là đường Điện Biên Phủ và phía Tây là một đoạn từ đường Điện Biên Phủ tới đường Bắc Sơn và dọc theo đường Bắc Sơn ra đến đường Độc Lập kéo tới ngã ba Hoàng Văn Thụ và kéo vào đường Hoàng Diệu.

Như vậy, giới hạn di tích Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long gồm 2 khu vực: khu Thành Cổ Hà Nội và khu khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Độc giả ở Đà Nẵng Hoàng Văn Châu gửi tới câu hỏi về giá trị di sản theo tiêu chí của thế giới?

PGS.TS Tống Trung Tín: Giá trị của Hoàng thành Thăng Long sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên sách vở. Tôi xin nói vắn tắt một số điểm. Trước hết, đây là khu di tích có các tầng văn hóa dày, kéo dài suốt 13 thế kỷ, của nhiều thời đại nối tiếp nhau, từ thời Đại La, qua thời Đinh-Lê, đến thời Lý, Trần, Lê.

Di tích phản ánh quá trình giao thoa và kết tinh được tinh hoa văn hóa thế giới và hội tụ được tài năng, trí tuệ dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

GS. Phan Huy Lê cho biết thêm:

Theo tôi, có hai phương diện cần làm sáng tỏ. Thứ nhất, giá trị của di sản này theo quan điểm của người Việt Nam. Về phương diện này, như PGS Tín đã nói, trên diện tích hẹp, nhưng có bề dày lịch sử với 13 thế kỷ liên tục, 13 thế kỷ của trung tâm quyền lực và 8 thế kỷ là kinh thành của nước Đại Việt trước đây và Việt Nam hiện nay.

Khu di tích quy tụ toàn bộ giá trị nền văn hóa dân tộc vì đây là kinh đô. Khu di sản không những đi vào quá khứ mà vẫn hiện tồn cùng đất nước Việt Nam hiện nay. Chính trên cơ sở đó, Nhà nước ta đã xếp hạng di tích này là di tích cấp quốc gia rồi sau đó là cấp quốc gia đặc biệt. Như đã biết, vừa rồi, lần đầu tiên thực hiện Luật Di sản, chúng ta xếp hạng 10 di tích quốc gia đặc biệt thì Hà Nội có 2 di tích. Đó là khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Nhưng đứng về mặt quốc tế, có tiêu chuẩn riêng. Trên phương diện này, UNESCO đưa ra 6 tiêu chí để công nhận di sản thế giới. Vấn đề đặt ra là di sản của chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chí đó như thế nào. Trong quá trình nhận thức về khu di sản và tìm kiếm tiêu chí nào phù hợp nhất không hề đơn giản. Tôi nhớ rằng từ năm 2004-2005, chúng ta bắt đầu tính tới chuyện này, đặc biệt là từ năm 2006, khi Chính phủ cho phép lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới thì chúng ta cùng chuyên gia UNESCO đã thảo luận rất nhiều. Và nhiều ý kiến tranh cãi được đưa ra. Nhưng cuối cùng, có 3 tiêu chí phù hợp nhất. Đó là: di sản này là nơi giao thoa các giá trị nhân văn của một khu vực hoặc của thế giới biểu hiện trên các phương diện như kiến trúc, nghệ thuật, quy hoạch; thể hiện được truyền thống văn hóa hay văn minh đặc sắc còn tồn tại cho đến nay hoặc đã tiêu vong; phản ánh, liên hệ trực tiếp tới sự kiện, tác phẩm công trình có ý nghĩa và giá trị nghệ thuật.

Độc giả Nguyễn Tuấn Anh (tuananhnv@yahoo.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. ): Trước nay, tôi vẫn nghĩ rằng, để được công nhận là di sản thì công trình phải được gìn giữ nguyên vẹn, hoặc chí ít là còn lại một phần – chẳng hạn như khu kinh thành ở Huế. Trong khi đó, khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long mới được khai quật theo như tôi được biết thì hầu hết chỉ còn lại phế tích vẫn được công nhận là di sản văn hóa thế giới? Xin cho biết cụ thể những đánh giá của UNESCO về Hoàng Thành?

GS Phan Huy Lê: Tính toàn vẹn là một tiêu chí bắt buộc với các di tích được công nhận di sản thế giới. Quan niệm về tính toàn vẹn không phải là toàn bộ di tích. Nhiều người hiện vẫn gọi tắt là Khu Hoàng thành Thăng Long, như vậy là đã hiểu nhầm về tính toàn vẹn. Tên chính thức mà chúng ta đề nghị là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long mà thực chất là Cấm thành Thăng Long.

Thành Thăng Long xưa có 3 vòng thành. Thành ngoài cùng là La Thành, giữa là Hoàng thành, Cấm thành là vòng thành trong cùng. Cấm thành là nơi có các cung điện tiêu biểu nhất, lầu gác dành cho nhà vua, hoàng hậu. Đây là nơi tập trung các kiến trúc tiêu biểu nhất của một quốc gia, nơi cử hành các nghi lễ tiêu biểu nhất của đất nước. Theo nghiên cứu mới nhất của chúng ta, thì khu này có hình gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 700m.

Khu Cấm thành được vua Lý Công Uẩn chọn cơ sở của thành Đại La nên trùng với di tích thành Đại La. Khi nhà Nguyễn phá Cấm thành và xây lại thì trục trung tâm của Thành Hà Nội vẫn gần như trục trung tâm của Hoàng thành. Nên nói tới tính toàn vẹn là nói tới Khu trung tâm Hoàng thành, mà thực thất là Cấm thành. Tính một cách đầy đủ thì Cấm thành rộng khoảng 49ha, nhưng tính toàn vẹn không có nghĩa là toàn bộ kiến trúc xưa còn lại. Mà quan trọng là chúng ta giữ toàn vẹn những gì đang có.

Tôi xin nhắc lại, tính toàn vẹn là yêu cầu bắt buộc và Khu di tích trung tâm Hoàng thành đã giữ được.

PGS.TS Tống Trung Tín bổ sung: Thế giới vẫn thừa nhận các di tích được bảo tồn dưới đất với mức độ phong phú và giá trị cao, như thế là họ thừa nhận phế tích nhà cửa, phế tích cung điện, phế tích cống thoát nước, các di vật ở đó… GS Lê đã nói rõ. Xin nói thêm, tính toàn vẹn là khu vực chúng ta bảo tồn được và từ nay trở đi sẽ giữ toàn vẹn những gì còn lại cho đến thời điểm này, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Độc giả Lê Quỳnh Nga (Hà Nội): Hồ sơ đăng ký di sản Hoàng thành Thăng Long được đệ trình Unesco vào tháng 1/2009. Đến ngày 1/8 vừa qua, Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã ra Nghị quyết công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Trong một năm rưỡi qua, chúng ta đã tiến hành những công việc gì để có được thành quả to lớn này?

Bà Ngô Thị Thanh Hằng: Để tháng 9/2008 chúng ta bắt đầu đệ trình hồ sơ và tháng 1/2009 UNESCO tiếp nhận hồ sơ thì ngay từ 2003, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã bắt đầu nghiên cứu ngay sau khi phát hiện di tích.

Từ 2006, khi UBND Hà Nội chính thức được Chính phủ giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề cử thì liên tục từ 2006 đến nay, thành phố đã phối hợp chặt chẽ và nhận được sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của hàng trăm nhà khoa học trên các lĩnh vực, cũng như được sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ, chúng ta đã nghiên cứu triển khai lập hồ sơ.

Cùng với việc lập hồ sơ, dưới sự chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hà Nội triển khai công tác quản lý di sản như phối hợp với các cơ quan liên quan dành diện tích 100 ha để di chuyển các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực chúng ta dự kiến đề cử. Bên cạnh đó, triển khai nhiều công việc về tuyên truyền, thống nhất quản lý và hiện TP. Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản.

Trong quá trình lập hồ sơ, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, TP. Hà Nội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tiến hành công tác vận động trên rất nhiều phương diện, qua rất nhiều bước. Bước 1 là nộp hồ sơ, bước 2 là đón đoàn chuyên gia ICOMOS khảo sát thực tế và bước thứ 3 là làm tốt công tác vận động tại hội nghị của UNESCO.

Về tuyên truyền vận động, tháng 4/2009, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Hội Di sản, Ủy ban UNESCO Việt Nam tổ chức thành công hội thảo di sản và đô thị, với 500 nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta tổ chức Ngày văn hóa Hà Nội tại Paris và UNESCO.

Chúng ta đạt được kết quả này là cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và sự tham gia hiệu quả, đồng bộ của tất cả cơ quan đơn vị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Ông Phạm Sanh Châu: Làm một hồ sơ thường mất 4 năm trong đó, 1-2 năm xây dựng hồ sơ. Nhưng trước khi xây dựng hồ sơ, thì di sản phải có giá trị, thứ 2 là phải được xếp hạng quốc gia, được quốc gia đưa vào danh sách chuẩn bị đề cử và thứ tư là lập hồ sơ.

ong-chau

Ông Phạm Sanh Châu – Ảnh Chinhphu.vn

Chính xác chúng ta đã nộp hồ sơ vào tháng 9/2008 và đến 1/2/2009 là giai đoạn cuối bổ sung hồ sơ. Trong giai đoạn đó, Ban thư ký (trung tâm Di sản thế giới) đề nghị chúng ta bổ sung hồ sơ. Từ ngày 1/2/2009, đóng hồ sơ, không được quyền bổ sung. Do đó, cho dù chúng ta làm gì từ 1/2/2009 đến 1/8/2009 thì người ta vẫn không tính.

Do đó, nói là đã làm gì trong một năm rưỡi qua để có thành quả to lớn đó thì không chuẩn xác. Di sản này đã có giá trị từ lâu, chúng ta chỉ phát hiện, tôn vinh và đệ trình với giá trị như vốn có của di sản.

Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của chị Hằng, khi chuyên gia đến thẩm định, họ thấy một số điểm chưa đúng với tiêu chí của họ, thì trong một năm rưỡi qua chúng ta có một số động thái phù hợp để đáp ứng khuyến nghị của họ như thống nhất quản lý, tăng cường vận động, tuyên truyền, bảo vệ…

Do đó, xin khẳng định lại là theo quy định, các thông tin trình sau ngày 1/2/2009 thì không có ý nghĩa nữa.

Độc giả Minh Lan ở địa chỉ email lanminh7078@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. hỏi: Tại vòng xét duyệt thứ 2, hồ sơ đề cử Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong năm nay. Các nhà quản lý và khoa học của Việt Nam có mặt tại Brasilia tham gia kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới đã phản biện những gì trước đề nghị của ICOMOS?

Ông Phạm Sanh Châu: Phải nói rõ hơn về quy trình này. Một hồ sơ theo quy định của công ước phải trình trước 2 năm. Trong 1 năm họ sẽ xem xét trải qua các giai đoạn. 1/2/2009 khi chúng ta trình hồ sơ thì Ban thư ký Ủy ban xem xét có đầy đủ không, sau đó chuyển qua ICOMOS trong tháng 3. Có nhiều hố sơ không lọt được vào vòng này, đã từng có hồ sơ của Việt Nam.

ICOMOS thẩm định trên bàn giấy trong 6 tháng, sau đó mới cử người thẩm định thực tế trong tháng 9. Sau đó chuyên gia quay lại báo cáo hội đồng thẩm định của ICOMOS. Trong thời gian đó thì một chuyển gia thẩm định giấu tên khác sẽ đọc bản giấy của hồ sơ. Sau đó, chuyên gia này và chuyên gia thực địa sẽ cùng thảo luận, trình bày trước một hội đồng. Ngày 4/6, 8 tuần trước khi hội đồng họp, chúng ta có thông tin về khuyến nghị của ICOMOS, cụ thể là ICOMOS xếp hồ sơ của chúng ta thuộc loại D.

Cụ thể, ICOMOS có 4 loại khuyến nghị. Thứ nhất là loại I, tức là công nhận ngay. Loại R là gửi lại bổ sung hồ sơ để năm sau hoặc năm sau nữa trình lại. Loại D là làm lại hoàn toàn hồ sơ. Loại N là hồ sơ không có một giá trị gì và với loại N thì quốc gia đó không bao giờ được trình nữa, chẳng hạn như vừa rồi là hồ sơ về thư viện của nhà bác học Darwin.

Các quốc gia cũng vận động theo các loại khác nhau bởi Hội đồng 21 quốc gia này bầu rất khó khăn, chặt chẽ 2 năm một lần.. Khi hồ sơ được loại I thì thường là được công nhận ngay, ví dụ là hồ sơ cửa 3 vòm của Israel.

Loại R thì các quốc gia vận động để được lên từ R lên I. Còn loại hồ sơ D như chúng ta thì vận động để không bắt làm lại từ đầu mà chỉ phải bổ sung.

Tại sao hồ sơ của chúng ta lại xếp loại D? Vì di sản có giá trị toàn cầu nhưng một số điểm cần làm rõ. Câu hỏi của anh Tuấn Anh là rất đúng, trùng với thắc mắc của ICOMOS: tại sao di sản trông là phế tích thế mà lại công nhận? Hoặc vùng đệm của chúng ta là đường Nguyễn Tri Phương không đủ lớn mà phải mở rộng. Hoặc Trung tâm Hoàng thành là quá nhỏ so với một di sản. Hoặc khái niệm di sản trong thành phố hiện nay phải mở rộng ra cả thành phố.

Chúng ta phải gặp các đoàn, gặp ICOMOS để trình bày quan điểm của chúng ta. Rất may là quan điểm chúng ta phù hợp với một xu thế mới ở Hội đồng Di sản thế giới. Đó là xu thế kết hợp giữa thừa nhận các giá trị nhìn thấy như kinh thành Huế hay là Mỹ Sơn với thừa nhận các giá trị không nhìn thấy được. Chúng ta muốn nhấn mạnh rằng Khu trung tâm Hoàng thành có những cái hiển hiện nhìn thấy được như Đoan Môn, Hậu Lâu, thềm rồng, có cả khảo cổ, nhưng quan trọng hơn là những giá trị không nhìn thấy được như là trung tâm quyền lực suốt 13 thế kỷ qua.

Chúng ta đã trình bày 3 yếu tố như vậy. ICOMOS cũng bảo vệ quan điểm của họ. Hội đồng 21 nước nghe hai bên trình bày và rất nhiều nước lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Và cuối cùng Hội đồng đã thông qua nghị quyết, bác bỏ nhận xét của ICOMOS, đưa ra khuyến nghị đồng thuận công nhận di sản của Việt Nam mà không cần bỏ phiếu. Đó là một điều khó vì có rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng rồi chúng ta đã thuyết phục được.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng bổ sung: Chúng tôi đã cùng các giáo sư của hội đồng tư vấn khoa học đón tiếp các chuyên gia UNESCO đến thăm di sản. Các chuyên gia và một số nguyên thủ, và kể cả ngài Koichiro Matsuura, Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ trước đều đánh giá rất cao những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Khi tới nhà D67, nơi Bộ Chính trị đã ra quyết định tổng tiến công nổi dậy giải phóng miền Nam năm 1975, họ rất ấn tượng. Nơi đây đã là trung tâm quyền lực quốc gia suốt 13 thế kỷ và cả trong thời đại Hồ Chí Minh cũng thế.

Tại khu 18 Hoàng Diệu, họ thấy được đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa. Nơi đây có những lá đề mang dấu ấn Phật giáo Ấn Độ, gốm sứ Trung Hoa. Và ngay cả bây giờ di sản cũng có các kiến trúc Pháp. Trong quá trình thảo luận tại Hội nghị lần thứ 34, rất nhiều đại sứ UNESCO, rất nhiều trưởng đoàn, nhiều chuyên gia hàng đầu đều đánh giá rất cao những giá trị này.

Ví dụ phát biểu đầy sức thuyết phục của Đại sứ UNESCO của Barbados, rằng nếu Ủy ban di sản chỉ xem xét những tòa nhà thì đúng là có lỗi với các quốc gia thành viên, mà cái quan trọng hơn là Khu Trung tâm Hoàng thành ghi dấu cả một quá trình chiều dài lịch sử giải phóng dân tộc.

Ngoài 2 tiêu chí mà GS Phan Huy Lê và PGS TS Tống Trung Tín đã nêu lên thì Nghị quyết của UNESCO cũng nói rõ, Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, tức là di sản khẳng định cả những giá trị của thời đại Hồ Chí Minh. Quan trọng nhất là hồ sơ đã nêu bật được giá trị toàn cầu theo đúng công ước của UNESCO.

MC: Để có bộ hồ sơ được các thành viên của UNESCO đánh giá cao như thế, các nhà khoa học đã dành 4 năm nghiên cứu những hiện vật đã phát lộ. Được biết UNESCO cũng đã cử chuyên gia Nhật Bản, Italia, Pháp…cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu một cách toàn vẹn giá trị của khu di tích. Xin cho biết trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận Hoàng Thành Thăng Long là Di sản thế giới, chúng ta đã nhận được sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế như thế nào?

Ông Phạm Sanh Châu:

Sự thành công việc lập hồ sơ, vận động công nhận hồ sơ thể hiện bài học lớn của Đảng Nhà nước là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chúng ta có sự giúp đỡ tích cực của bạn bè quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau.

Thứ nhất, UNESCO và bạn bè quốc tế đã vào cuộc giúp chúng ta viết hồ sơ.

Như giáo sư Phan Huy Lê nói, chúng ta thường theo tiêu chí Việt Nam. Để nắm rõ hơn tiêu chí quốc tế, chúng ta cần mời các chuyên gia, Uỷ ban UNESCO quốc gia đã xin được một khoản tài trợ của UNESCO và UNESCO đã giới thiệu các chuyên gia hàng đầu về viết hồ sơ trên thế giới. Họ ngồi nghe thảo luận của học giả và chuyên gia của ta, để rút ra tinh túy nhất, giúp chúng ta viết hồ sơ bằng tiếng Anh.

Thứ hai, giúp đỡ trong quá trình bảo tồn. Khi hồ sơ được trình, Pháp đã giúp xây dựng quy hoạch. Quan trọng hơn UNESCO và Chính phủ Nhật Bản giúp thành lập quỹ ủy thác trị giá 1,2 triệu USD để bảo tồn di sản ngay cả khi đang trình.

Bạn bè quốc tế giúp ta làm rõ hồ sơ với ICOMOS. Chúng tôi nhận được rất nhiều thư từ các học giả các nước cho thấy nhận xét của ICOMOS không phù hợp với xu hướng hiện nay. Họ động viên ta phải bảo vệ hồ sơ. Đôi khi chúng ta là nước trình hồ sơ nhưng thường ngại va chạm với ICOMOS. Chúng ta thực hiện chiến lược “phòng vệ”,”đỡ” là chính. Họ đề nghị phải chuyển cách đề cập và “tấn công” ICOMOS. ICOMOS hiểu sai giá trị của hồ sơ. Hồ sơ nước ta mạnh về khảo cổ, ICOMOS cử chuyển gia về kiến trúc. Họ sang thẩm định chỉ tập trung vào các giá trị kiến trúc.

Các chuyên gia đã giúp đỡ vào các thời điểm quan trọng. Khi ICOMOS khuyến nghị, họ không thừa nhận giá trị nổi bật toàn cầu. Trong nước, Giáo sư Phan Huy Lê và các giáo sư đã giúp hình thành giá trị nổi bật từ góc độ Việt Nam. Nhưng mang ra nước ngoài giá trị đó, cách đề cập, diễn giải đó không phù hợp với mẫu của họ, chúng ta đã gửi nội dung đó tới các nước. Giáo sư Logan (Úc) gửi lại để ta điều chỉnh lại toàn bộ để chúng ta có lập luận mới về giá trị nổi bật toàn cầu để trình.

Do đó, có thể nói, các chuyên gia và bạn bè quốc tế đã giúp ta rất nhiều, trên cả 4 lĩnh vực là viết hồ sơ, bảo vệ di sản, giải thích và bảo vệ hồ sơ.

Độc giả Đỗ Hữu Hải (Thanh Xuân – Hà Nội) thắc mắc: Trước đây tôi có theo dõi thông tin về quá trình khai quật khảo cổ tại khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tôi có thấy người ta nhắc nhiều tới “các tầng văn hóa dưới lòng đất”. Làm thế nào để mọi người có thể phân biệt được “các tầng văn hóa” ấy? Nếu trước đây đã xảy ra động đất hay những tác động đại loại như vậy thì có làm cho nhận định của các chuyên gia bị sai lệch hay không?

ong-tin

Ông Tống Trung Tín:

Di tích khảo cổ của chúng ta được nghiên cứu và nhận diện qua các tầng văn hóa. Các tầng văn hóa Thăng Long rất thú vị và độc đáo, của nhiều thời kỳ, qua hàng nghìn năm chồng lấn, đan xen nhau. Tất nhiên để nhận thức được phải có các chuyên gia.

Còn việc di tích lâu đời và quý giá này chuyển hóa thành phế tích thì có nhiều lý do. Tôi đã làm thử một thống kê những nguyên nhân tác động phá hủy tới di tích. Có tới 13 nguyên nhân như lụt, động đất, chiến tranh, hỏa hoạn. Trong đó, động đất ở Thăng Long có rất nhiều, nhưng dấu tích có thể có ở một số nơi. Tại những khu vực đã khai quật trong những năm qua thì đúng là có hiện tượng sụt lún nhưng không lớn vì nếu lớn thì di tích có thể bị ảnh hưởng nặng như tại khu Xã Đàn. Tại khu 18 Hoàng Diệu chỉ có những sụt lún nhỏ, nên phần võng xuống phần nhô lên vẫn theo đúng thứ tự từ thế kỷ 7-9, rồi Đinh –Tiền Lê, thời Lý, thời Trần… một cách tự nhiên. Cho nên tại những chỗ đã khai quật, đã nghiên cứu thì sự phá hủy của thiên nhiên không ảnh hưởng tới nhận diện di tích.

Độc giả Vũ Hải Anh (Hà Đông – Hà Nội): Việc phát lộ khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho thấy, trong lòng đất thuộc khu Hoàng thành cổ còn chứa đựng nhiều di vật cực kỳ có giá trị. Tôi có tham khảo một số tấm bản đồ thành Thăng Long cổ và được biết khu vực Hoàng thành xưa kia còn rộng lớn hơn rất nhiều so với khu đã được khai quật mới đây. Vậy thành phố có ý định cho phép mở rộng diện tích khai quật để tìm hiểu toàn diện hơn về khu Di tích Hoàng thành Thăng Long (tôi nhớ không lầm thì khi làm đường Nguyễn Tri Phương, các đơn vị thi công cũng phát hiện được rất nhiều cổ vật)?

Nói về phương diện khảo cổ học, nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long và di sản, khảo cổ có vai trò quan trọng. Di tích còn lại trên mặt đất không còn nhiều. Phần lớn di tích đã trùng tu qua rất nhiều lần. Cấm thành Thăng Long xưa chỉ còn nền Điện Kính thiên. Trong nền Điện Kính thiên, quý nhất chỉ còn bậc rồng đá, do vua Lê Thánh Tông xây dưng 1467. Di tích phía trên không còn nữa.

Ngoài ra có Đoan Môn, cửa phía nam của Cấm thành, đây là di tích còn lại trên mặt đất. Tuy nhiên, cũng có dấu tích của việc sửa chữa qua nhiều lần, nhất là lầu bên trên.

Đến Thành Hà Nội thời Nguyễn, còn lại 2 di tích là Thành Cửa Bắc và Kỳ Đài (Cột Cờ). Ngoài ra còn một số di tích cuối thế kỷ 19 và gần đây. Đó là các chỉ huy sở của pháo binh nằm trên nền Điện Kính Thiên, một số tòa nhà của sỹ quan Pháp, thời kháng chiến có làm thêm nhà tạm thời. Đặc biệt di tích Nhà hầm đồn số 7 (chỉ huy sở Quân đội Nhân dân Việt Nam).

Ngoài phạm vi cấm thành có một số đền chùa như Chùa Một cột rất đẹp có niên đại từ thời nhà Lý nhưng Chùa Một Cột còn lại hôm nay là chúng ta đã xây dựng lại năm 1955. Di tích nguyên gốc nhất, trung thực nhất, phong phú nhất là di tích trong lòng đất. Có thể nói, chúng ta còn một Thăng Long trong lòng đất, tuy có thể không còn nguyên vẹn, nhưng đó là Thăng Long xưa nhất, nguyên gốc nhất. Vai trò khảo cổ học trong nghiên cứu di sản và toàn bộ trung tâm Thăng Long – Hà Nội rất quan trọng.

ICOMOS đã khuyến cáo diện tích khai quật mới tập trung vào khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có diện tích ban đầu 19.000 m2, sau tăng lên 33.000 m2. Các nhà khảo cổ mới đào thám sát tại Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc, Kính Thiên với diện tích nhỏ nhưng đã thấy dấu tích thời Trần, Sân Rồng thời Lê. Trong lòng đất chắc chắn còn di tích, căn cứ vào các tài liệu lịch sử, di tích sẽ tập trung nhiều nhất phía sau Điện Kính thiên.

Trong tương lai, chúng ta nhất thiết phải mở rộng khai quật khảo cổ học. Nguyên tắc khai quật tốn kém và khai quật lấy tư liêu không khó nhưng khai quật để bảo tồn rất khó. Chúng ta phải tính khai quật thế nào để bảo tồn tốt. Khai quật bảo tồn không tốt có nghĩa là phá hủy di tích. Do đó chúng ta phải có kế hoạch lâu dài.

Bảo tồn di tích trên mặt đất đã khó, nhất là trùng tu, còn việc bảo tồn di tích khảo cổ học cực kỳ khó khăn. Di tích khảo cổ học sống trong môi trường dưới lòng đất hàng trăm năm đến 1000 năm, các nhà khảo cổ học đưa ra khỏi môi trường, gặp ánh sáng, môi trường, mưa nắng, nấm mốc tác động tới di sản. Nếu đưa di sản ra khỏi mặt đất thì cần bảo tồn ngay. Đến hôm nay, đối với khảo cổ di tích 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học, các cơ quan có trách nhiệm đã cố gắng hết sức.

Nhưng chúng ta chỉ mới bảo vệ, bảo tồn tạm thời mà chưa có biện pháp bảo vệ lâu dài, mới có mái che, hệ thống nước, chống nấm mốc, kim loại thì phun thuốc, xương thì bảo vệ riêng… Sắp tới đây, chúng ta ta phải bảo tồn, làm sao đưa di tích ra khỏi lòng đất thì được bảo tồn nguyên dạng bền vững. Điều này cần công nghệ bảo tồn hiện đại với sự hợp tác quốc tế và sự đầu tư của Nhà nước. Tôi chắc chắn UNESCO sẽ giúp đỡ ta khi di sản đã được công nhận.

Hiện nay, Nhật Bản và Viện khảo cổ học đang tập hợp các thông số cần thiết để tiến tới bảo tồn bền vững nhưng có máy đo khí tượng, hệ thống đo ngập. Qua nhiều năm mới có đủ thông số để đưa ra giải pháp bảo tồn lâu dài. Đây là khó khăn lớn nhất của chúng ta trong việc bảo tồn lâu dài.

Xin nói thêm, ngành bảo tồn học của Việt Nam có công lao rất lớn và có nhiều kinh nghiệm về bảo vệ di tích trên mặt đất. Nhưng hiện nay nước ta chưa có chuyên gia bảo tồn di sản trong lòng đất.

Anh Nguyễn Khánh ở Huế muốn hỏi về hệ thống cống của Hoàng thành xưa như thế nào? Liệu Hoàng thành xưa có lụt như Hà Nội nay không?

Ông Tống Trung Tín: Đây là một câu hỏi thú vị. Trước hết phải đây là vùng đất cao ráo như Chiếu dời đô đã nói. Nhưng dù sao, đây cũng là trung tâm của vùng châu thổ và gần sông, nên khi xây dựng một quần thể cung điện thì vẫn phải tính đến việc thoát nước mưa.

Hệ thống di tích ở khu vực Hoàng thành cho thấy, tất cả các thời kỳ đều có hệ thống thoát nước hết sức khoa học cho từng căn nhà và cho cả khu vực. Rất nhiều nhà khoa học và cả công chúng cũng hiểu là kinh đô của chúng ta là một đô thị sông hồ nên thoát nước rất là cần thiết.

Như tôi đã nói, có nhiều nguyên nhân tác động kiến trúc, trong đó có mưa lụt nhiều. Tôi cũng đã thống kê mấy chục đợt lụt trong kinh thành Thăng Long, mà có lần người trong thành phải đi thuyền từ khu này sang khu kia. Chính vì thế, tổ tiên ta đã xây dựng hệ thống thoát nước hết sức khoa học, mà nhiều người khi đến thăm di tích đều nói chúng ta cần phải học khi quy hoạch các khu đô thị mới ngày nay.

Độc giả Mai Ngọc Quang (Thừa Thiên Huế) hỏi: Tôi đang băn khoăn, không biết bao giờ Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách tham quan trở lại?

ong-son

Ông Nguyễn Văn Sơn – Ảnh Chinhphu.vn

Ông Nguyễn Văn Sơn: Sau khảo cổ vào năm 2002, chúng ta đã mở của di tích một thời gian, sau đó lại bắt đầu làm công tác bảo tồn. Hiện TP Hà Nội đang phối hợp với Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, chỉ đạo Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành chỉnh lý và sẽ mở cửa khu di tích vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đó có khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Anh Nguyễn Quang Tiến ở Bạch Mai – Hà Nội hỏi: Từ lâu tôi đã được nghe, đọc về Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đã nhiều lần đi qua khu Hoàng Diệu, tôi muốn vào tham quan di tích. Có điều tôi thấy có nhiều cổng quá, mà cổng nào cũng có người đứng gác rất nghiêm ngặt và hầu như không có người ra vào. Bởi vậy, tôi đâm ngại không dừng lại hỏi thăm. Nếu tôi muốn vào thăm khu di tích thì tôi phải đi theo lối nào? Sao không có biển hướng dẫn cho du khách tiện bề tham quan?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Đúng là khu di tích Hoàng thành Thăng Long có rất nhiều cổng, nhưng trên thực tế thì những khu mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho Hà Nội thì các cửa đều có biển chỉ dẫn và số cổng rõ ràng. Ví dụ phía đường Hoàng Diệu là số 9, số 11, phía đường Nguyễn Tri Phương là số 12, số 10, khu 18 Hoàng Diệu cũng thế. Hiện nay các khu vực còn lại đã và đang được Bộ Quốc phòng bàn giao cho cơ quan quản lý văn hóa và sắp tới các cửa sẽ được bổ sung chỉ dẫn rõ ràng cho du khách.

Độc giả Cao Việt Bách (Hòa Bình): Tôi muốn được biết là các di vật được tìm thấy trong khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được trưng bày ở những nơi nào? Nếu muốn chiêm ngưỡng các di vật ấy thì có nhất thiết phải đến tận khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long hay không? Nếu tôi vào tham quan thì có phải mua vé không?

Ông Nguyễn Văn Sơn: Theo Công ước Di sản Văn hóa Thế giới, di tích được bảo quản và trưng bày tại chỗ, gắn liền với di sản. Chúng ta đã khai quật từ năm 2002. Di vật bảo quản cơ bản tại 18 Hoàng Diệu. Nhân dịp Đại lễ, Viện Khoa học và Xã hội VN phối hợp với UBND TP Hà Nội

Đang chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ và Viện Khảo cổ học trưng bày di vật tiêu biểu nhất tại nhà ở khu vực giữa trung tâm thành cổ và 2 nhà ở khu vực gần nền Điện Kính thiên. Tại đây sẽ trưng bày di vật tiêu biểu nhất của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong quá trình khai quật từ 1998 (bắt đầu khai quật Hâu Lâu Bắc Môn) cho tới nay. Những di vật khác sẽ bảo tồn tại chỗ ở địa chỉ 18 Hoàng Diệu. Du khách muốn tham quan, nghiên cứu sẽ đến Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (khu vực thành cổ và 18 Hoàng Diệu).

Độc giả Nguyễn Thị Minh ( Minhnguyenkts@hotmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. ) hỏi: Được công nhận là di sản văn hóa thế giới rồi, có khi nào chúng ta nghĩ tới việc phục dựng khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với những cung điện giống như nhiều khu hoàng thành nổi tiếng khác trên thế giới?

GS Phan Huy Lê: Câu hỏi này tôi biết cũng là nguyện vọng của nhiều người. Vào thăm khu di sản này thì những kiến trúc trên mặt đất không nhiều lắm, còn trong lòng đất hiện chỉ có các dấu tích như các nền móng, cống thoát nước, giếng nước… chồng chất lên nhau, nếu không có sự giải thích đầy đủ thì khó hiểu, khó đánh giá được giá trị.

Ngay với các nhà khoa học, từ tháng Chạp năm 2002 bắt đầu khai quật đến đến 2004 đã khai quật 19.000 m2 nhưng nhận thức giá trị di sản vẫn kéo dài dần dần từ đó đến nay và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Tôi chắc chắn rằng đến hôm nay, chúng ta cũng mới chỉ nhận thức được có mức độ để chứng minh giá trị của di sản, nhất là giá trị toàn cầu.

Tôi biết đây là nguyện vọng của nhiều người, kể cả của các nhà quản lý cao cấp và đây là nguyện vọng chính đáng. Nhiều người nói sử sách khẳng định cung điện Lý- Trần đẹp như thế, nay chỉ nhìn thấy đống gạch, sao không phục dựng lại điện Kính Thiên?

Nhưng phục dựng một kiến trúc cố theo đúng yêu cầu khoa học, tức là phải có đủ các thông số, các căn cứ thì chúng ta chưa có điều kiện cần thiết. Nhưng chúng ta có thể phục dựng theo công nghệ 3D, có tới đâu phục dựng tới đó. Chúng ta có thể chỉ cho người xem từ di tích còn lại ngổn ngang có thể hiểu được khi xưa di tích như thế nào. Viên gạch này ngày xưa nằm ở đâu, các trang trí đẹp như vậy lắp vào vị trí nào trên mái…

Hiện Viện khảo cổ học, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đang làm. Tôi rất mừng là nhiều nhà khoa học trẻ tuổi của nước ta cũng đang làm việc này và tôi nghĩ việc này nên khuyến khích.

Còn bên Thành cổ Hà Nội rất mong muốn phục dựng điện Kính Thiên. Riêng với điện Kính Thiên thì có nhiều khả năng hơn vì nền điện còn đó và vẫn còn một bức ảnh do người Pháp chụp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bức ảnh đó là trung thực, song đó là ảnh chụp hành cung thời nhà Nguyễn chứ không phải điện Kính Thiên của Cấm thành Thăng Long xưa. Sử sách chỉ rõ, năm 1816 nói điện Kính Thiên đã sụp đổ và chính vua Gia Long đã cho hủy bỏ điện này để xây hành cung. Từ bức ảnh đó để phục dựng lại hành cung đã khó, phục dựng lại điện Kính Thiên còn khó hơn.

Việc khai quật khảo cổ ở xung quanh nền điện Kính Thiên để hiểu được điện. Trước mắt có thể phục dựng lại trên không gian 3D, từ đó bổ sung dần, sau đó phục dựng lại trên thực tế, với sự tham gia của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia quốc tế, và ý kiến đóng góp của nhân dân.

Về vấn đề này, trên thế giới có 2 trường phái. Một là trường phái phương Đông, đặc biệt là Nhật Bản, muốn phục dựng lại di tích nhưng rất nghiêm túc, cực kỳ công phu, có cơ sở khoa học như họ đã làm với kinh đô cổ Nara. Trường phái phương Tây thì không phục dựng lại mà bảo tồn nguyên trạng dấu tích ngay tại chỗ.

Việt Nam nên kết hợp cái hay của hai trường phái. Trước hết là bảo tồn nguyên gốc, nếu phục dựng thì trước hết đó là phục dựng 3D, khi có điều kiện thì phục dựng thực tế.

v\:* {behavior:url(#default#VML);}
o\:* {behavior:url(#default#VML);}
w\:* {behavior:url(#default#VML);}
.shape {behavior:url(#default#VML);}

800×600

Normal
0

false
false
false

EN-US
X-NONE
X-NONE

MicrosoftInternetExplorer4

st1\:*{behavior:url(#ieooui) }

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin:0in;
mso-para-margin-bottom:.0001pt;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:10.0pt;
font-family:”Times New Roman”,”serif”;}

Độc giả Trần Thúy Hiền ( thuyhien123@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. ): Là một người Việt Nam, tôi rất mừng khi được nghe thông tin Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tôi chỉ biết rằng, được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ nổi tiếng hơn. Tuy nhiên, tôi muốn biết thêm, bên cạnh đó thì Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ “được” những gì nữa với danh hiệu mới được công nhận?

Bà Ngô Thị Thanh Hằng: Được công nhận di sản thế giới, theo chúng tôi, tức là di tích cấp quốc gia đặc biệt của chúng ta được tôn vinh giá trị mang tính chất toàn cầu có ý nghĩa rất lớn.

Đây là sự chi ân với tổ tiên, các thế hệ cha ông có công xây dựng khai sáng bồi đắp giá trị lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Đây cũng là tài sản vô giá, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, đất nước để lại cho muôn đời sau..

Sự vinh danh sẽ giới thiệu hình ảnh Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nước và ngoài nước. Mọi người sẽ biết đến Thăng Long – Hà Nội là một địa chỉ di sản văn hóa thế giới.

Thành phố sẽ quyết liệt triển khai các nội dung đã cam kết trong việc thực hiện bảo tồn phát huy giá trị Khu di sản.

UBND TP HN đang phối hợp với Bộ Xây dựng cùng sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế triển khai và hoàn thành sớm quy hoạch bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Sẽ có 3 sản phẩm. Một là quy hoạch bảo tồn giá trị văn hóa (với sự giúp đỡ của Cục Di sản, Bộ VHTTDL). Trên cơ sở đó, cái gì cần bảo tồn, phát huy thì sẽ có quy hoạch về xây dựng, được cấp thẩm quyền phê duyệt thì chúng ta sẽ triển khai và thứ 3 là điều lệ quản lý khu di sản.

UBND TP Hà Nội đang phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các nhà khoa học trong công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu được giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, thấy rõ ý nghĩa vinh dự, tự hào nhất là trong thời kỳ chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long -Hà Nội

Chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ trong việc chỉnh trang toàn bộ khu di tích. Chúng tôi cũng phối hợp với tỉnh Lâm Đồng t trưng bày di vật, hiện vật ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu trung tâm Hoàng thành, mở cửa đón nhân dân, bạn bè quốc tế tham quan cả các khu vực di tích văn hóa, kháng chiến giáo dục truyền thống giá trị di tích.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lễ đón nhận trang trọng bằng công nhận di sản thế giới đối với Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, di sản thứ 900 được UNESCO công nhận. Thành phố đang chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học ngay chính trung tâm bảo tồn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ di sản tế theo công ước quốc tế và Luật di sản.

MC: Di tích Hoàng Thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới có tầm quan trọng về kinh tế bởi điều này sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn và giúp cho chúng ta có điều kiện bảo tồn, tôn tạo các di sản. Tuy nhiên, việc thừa nhận di sản văn hóa thế giới cũng đi kèm với những ràng buộc chặt chẽ. UNESCO có thể rút bỏ quy chế di sản văn hóa thế giới nếu những quy định không được tôn trọng. Xin cho biết sau khi Hoàng Thành được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chúng ta sẽ phải thực hiện những quy định gì?

Ông Phạm Sanh Châu: Trước tiên xin nói thêm về vấn đề chúng ta được gì khi một di sản được công nhận.

Ủy ban UNESCO Quốc gia đã làm một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước đánh giá tác động nhiều chiều của việc một di sản được công nhận. Trước hết là lòng tự hào dân tộc được nâng lên. Thứ hai, như bà Ngô Thị Thanh Hằng đã nói, chúng ta có một thương hiệu để từ đó chuyển thành lợi ích kinh tế. UNESCO đã nói rất rõ, hàng năm cứ mỗi địa danh được công nhận Di sản thế giới sẽ mang lại lợi ích kinh tế hơn 500 triệu USD.

Cái được thứ ba là sự thừa nhận, bảo đảm bởi một công ước quốc tế về tính pháp lý và tính giá trị lịch sử của di sản. Văn hóa là lĩnh vực nổi bật nhất của UNESCO. Và trong 5 công ước về văn hóa, thì Công ước năm 1972 về bảo vệ các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới là đứng đầu. Phải nói cái được rất lớn là sự thừa nhận và bảo đảm của một công ước quốc tế đối với một di sản có những giá trị toàn cầu nổi bật và đặc biệt của Việt Nam.

Cùng với đó, công ước cũng quy định rất rõ, từ nay Hoàng thành Thăng Long không phải là tài sản của Việt Nam mà là của nhân loại. Nói nôm na thì thế giới gửi di sản này để Việt Nam bảo quản. Nếu anh bảo quản không tốt thì họ sẽ rút lại danh hiệu và di sản lại trở thành di sản của riêng Việt Nam.

Phải thừa nhận rằng công nhận viết hồ sơ là khó, giải trình hồ sơ khó hơn, và càng khó để bảo vệ và phát huy di sản. Chúng ta thật ra đã làm nhiều theo khuyến nghị của ICOMOS và UNESCO, nhưng còn phải tiếp tục triển khai bởi họ theo dõi rất sát sao. Nếu không làm theo những quy định của UNESCO, thì trước hết là ICOMOS có khuyến nghị. Bước hai là nhắc nhở. Bước ba là đưa vào danh sách cảnh báo đỏ và bước bốn là ra khỏi danh sách di sản.

Tôi xin nói thêm là một Hội nghị của Ủy ban di sản thế giới kéo dài 10 ngày, thì chỉ có 2 ngày là xem xét di sản mới, 2 ngày để đánh giá tình trạng bảo tồn của các nước như thế nào và 2 ngày xem xét đưa di sản vào danh sách cảnh báo. Tôi nói thế để thấy rằng trách nhiệm, thách thức của chúng ta là rất lớn.

MC: Thưa quí vị và các bạn, cách đây tròn một thiên niên kỷ, vào mùa Thu năm 1010, Nhà vua Lý Công Uẩn đã có một quyết định lịch sử, rời kinh đô về vùng Đại La. Sau khi công bố Thiên đô chiếu, Vua Lý Công Uẩn cùng các quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long trong đó có Hoàng Thành – Quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Hàng ngàn năm đã trôi qua, đến nay những cung điện nguy nga tráng lệ không còn nữa, nhưng những di tích còn lại của Hoàng Thành Thăng Long là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản Thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân Việt Nam. Giữa thủ đô Hà Nội có một Di sản văn hóa thế giới có ý nghĩa quan trọng góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Hà Nội và của Việt Nam.

Việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới được coi là chiến thắng lớn của quyết tâm và sự kiên trì của chính phủ Việt Nam. Đây chính là sự tri ân công đức với tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến; là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau; cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển Thủ đô.

Vinh dự này cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn đối với Hà Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của Di sản. Trong đó người dân là chủ thể đích thực, lâu dài, đồng thời là đối tượng tham gia trực tiếp bảo vệ di sản quý giá này.

Thưa quý vị và các bạn, do thời gian có hạn nên chương trình xin được tạm dừng tại đây. Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục cập nhật nhiều tin, bài và các bản tin âm thanh thông tin về Hoàng Thành Thăng Long để đáp ứng nhu cầu của độc giả trên Chuyên trang Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến của Cổng TTĐT Chính phủ.

Xin cảm ơn bà Ngô Thị Thanh Hằng, GS sử học Phan Huy Lê, ông Phạm Sanh Châu, ông Tống Trung Tín, ông Nguyễn Văn Sơn đã tham gia chương trình

(Theo chinhphu.vn)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button