Khảo sát và phát lộ một đoạn tường hành cung thời Nguyễn thuộc Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội

Ngày 17/2/2012 vừa qua, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức hội nghị khoa học báo cáo kết quả khảo sát và phát lộ một đoạn tường hành cung thời Nguyễn thuộc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội.

Kế hoạch khảo sát do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện bảo tồn di tích thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2011. Mục đích của công tác khảo sát là xác định các yếu tố gốc, các đặc điểm cơ bản, đánh giá tình trạng kỹ thuật và nguyên nhân gây hại ở một đoạn tường Hành cung thời Nguyễn thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội để làm cơ sở cho việc lập dự án, thiết kế bảo tồn tu bổ. Việc lựa chọn đoạn tường thành để khảo sát nghiên cứu dựa theo những nguyên tắc như: Còn dấu vết nguyên gốc tương đối rõ; Có sự thay đổi, tình trạng kỹ thuật tiêu biểu; Ít liên quan đến những thành phần kiến trúc khác; Ở vị trí thuận lợi cho tham quan, khảo sát.

tuong-ha-noi

Đoàn khảo sát đã lựa chọn đoạn tường Hành cung dài 15 m, cao 4m nằm trên đường Hoàng Diệu, gần cổng phía Tây của khu Hành cung xưa (Cổng ra vào hiện nay của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội) để tiến hành khảo sát nghiên cứu. Sau đó triển khai các công việc khảo sát như: nghiên cứu hồ sơ tư liệu; Khảo sát, đo vẽ kiến trúc, hiện trạng; Loại bỏ thành phần bổ sung sai lệch, phát lộ kiến trúc gốc; Thám sát nền móng; Khảo sát, đo vẽ hiện trạng kiến trúc sau khi phát lộ; Khảo sát đánh giá kết cấu; Khảo sát nghiên cứu vật liệu; Khảo sát, xác định các tác nhân gây hại; Phân tích, đánh giá tổng hợp. Từ kết quả nghiên cứu, báo cáo khảo  sát cũng đưa ra những đề xuất cụ thể cho việc bảo tồn tu bổ tường bao và tám cổng Hành cung trong khu di tích. Trong đó cần mở rộng khảo sát, nghiên cứu đánh giá tổng thể toàn bộ hệ thống tường Hành cung, khảo sát bổ sung những vị trí đặc biệt khác.

Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1805 khi xây thành Hà Nội theo kiểu Vauban, nhà Nguyễn đã xây tường bao từ cửa Đoan Môn quanh nội điện làm hành cung để vua nghỉ ngơi làm việc mỗi khi Bắc tuần. Hiện nay trong khu Thành cổ còn tám cổng Hành cung khá nguyên vẹn. Tám cổng cùng với tường bao bằng gạch vồ xung quanh hành cung trong Thành Hà Nội thời Nguyễn. Phía Nam có hai cổng hai bên Đoan Môn, phía bắc có hai cổng nằm sau Hậu Lâu, phía đông có một cổng hiện mở ra đường Nguyễn Tri Phương, phía tây có một cổng mở ra đường Hoàng Diệu và hai cổng hai bên nền Điện Kính Thiên.

Các cổng Hành cung đã được nhà nước Bảo hộ Pháp “liệt hạng” từ năm 1925, cùng với một số di tích khác của Thành Hà Nội. Chính khuôn viên này từ 1954 đến 2004 là vị trí cơ quan đầu não chiến lược, khu A sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, đây là nơi làm việc, hội họp, và ra đời các quyết sách quan trọng điều hành các mặt trận, lãnh đạo quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button