Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2012

Ngày 26/12/2012, Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản  Thăng Long – Hà Nội và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2012.

khaiquat

17 tầng văn hóa Hoàng Thành Thăng Long

Khu vực khai quật có diện tích 500m2, tại vị trí phía Bắc của di tích Đoan Môn, cách hố khảo cổ Đoan Môn khoảng 10m, nằm trên trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long.

Địa tầng hố khai quật sâu nhất là 4,2m, gồm các lớp văn hóa từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại. Các dấu tích thời Lý được phát lộ gồm: đường nước xây bằng gạch vuông, gạch bìa, cọc gỗ chạy suốt chiều Đông – Tây của hố khai quật rộng 2m cao 2m; dấu tích móng tường chạy song song với đường nước theo chiều Đông – Tây, rộng 1,6m. Dấu tích kiến trúc thời Trần gồm: dải trang trí “hoa chanh” nằm trên móng tường thời Lý; hệ thống cống thoát nước gồm có hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây nằm trên đường nước thời Lý đổ trực tiếp xuống đường nước thời Lý; dấu tích bó nền dài 4,7m và dấu tích móng trụ. Dấu tích kiến trúc thời Lê gồm: nền gạch vuông và gạch vồ; dấu tích nền gạch vồ màu xám và màu đỏ đã xuất lộ từ khu vực nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn. Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn: cống thoát nước dài 2m rộng 1,1m gồm có 2 thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ xám.

Cuộc khai quật này một lần nữa cho chúng ta thấy dấu tích các lớp văn hóa của Thăng Long – Hà Nội, đan xen chồng xếp lên nhau, từ thời Lý đến thời Nguyễn, tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đặc biệt, lần đầu tiên dấu tích kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực Bắc Đoan Môn được tìm thấy. Có thể nói đây là một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam, kể cả khu vực 18 Hoàng Diệu. Đường nước có kích thước lớn và được xây dựng rất kỳ công, đặt ra những vấn đề hết sức thú vị và hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu để tìm hiểu quy mô và công năng của di tích này.

Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chủ trì Hội nghị cũng bày tỏ niềm vui trước phát lộ lý thú này và cho rằng: Trước mắt chưa nên lấp vội hố khai quật để tiếp tục nghiên cứu và mở rộng diện tích khai quật về hướng Đông – Tây, hướng Nam (tiến tới sát hố khai quật Đoan Môn, phát lộ năm 1999) để tìm kiếm điểm xuất phát và kết thúc của dấu tích kiến trúc, đào sâu xuống phía dưới để tìm hiểu các dấu tích của thời Đại La; Đồng thời cần có biện pháp bảo tồn cấp thiết hố khai quật, phục vụ khách tham quan trong dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ năm 2013; Sau khi có kết quả nghiên cứu tiếp, chúng ta sẽ đề xuất phương án bảo tồn di tích này.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button