Hoàng thành Thăng Long: Phát hiện thêm nhiều dấu tích mới

Sáng nay (26/12), tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra Hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2012.

dautichmoi1

Khu vực khai quật khảo cổ nằm trong không gian chính Điện Kính Thiên. Ảnh: Huy Anh

Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 500m2, khu vực Bắc Đoan Môn. Các hố khai quật thăm dò ở phía Bắc Đoan Môn cách Đoan Môn chỉ khoảng 10m nằm dọc theo hướng Đông – Tây. Như vậy, khu vực các hố khai quật nằm trong không gian chính điện Kính Thiên Thời Lê Sơ.

Tại Hội thảo, PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã hướng dẫn đại biểu thăm hiện trường khai quật thăm dò khảo cổ học và trình bày báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2012.

Phát lộ đường nước bằng gạch “khổng lồ”

Kết quả khảo cổ cho thấy, tại vị trí trung tâm đúng Trục trung tâm tầng văn hoá Thăng Long – Hà Nội rất dày ở độ sâu từ 0,5m đến 4,2m gồm các lớp văn hoá từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen lẫn nhau và chồng xếp lên nhau tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực bắc Đoan Môn. Đó là dấu tích “đường nước” lớn xây hoàn toàn bằng gạch vuông, gạch bìa có hai hàng cọc gỗ đóng sát hai bên phục vụ chống lún, phần cao nhất còn lại 2m, phần rộng nhất 2m.

Phía Đông, do bị các hố thời sau đào phá cho nên gạch đã bị lấy mất, nhưng phần cọc gỗ còn lại đã cho thấy đường nước lớn này đang tiếp tục chạy theo hướng Đông – Tây. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành là dấu tích của móng tường Thời Lý rộng 16m.

dautichmoi2

Dấu tích “đường nước” lớn thời Lý. Ảnh: Huy Anh

Có thể nói, đây là một đường nước bằng gạch “khổng lồ” chưa bao giờ thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam kể cả khu vực 18 Hoàng Diệu. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang nghiêng về giả thiết, đây là đường nước có quan hệ chặt chẽ với móng sành (móng tường) nhằm phục vụ cho việc thoát nước của một khu vực quan trọng thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý.

Kết quả khảo cổ cũng làm rõ hơn cấu trúc móng của ngự đạo thời Lê, có 2 rãnh thoát nước ở hai bên. Trong lớp móng này có nhiều mảnh gốm sứ thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng. Ngoài ra, kết quả cũng làm rõ được quá trình xây móng tôn nền sân Đại triều thời Lê Sơ ở bên dưới lớp gạch vồ.

Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu tích kiến trúc của hai thời kỳ khác nhau trong thời Trần chồng lên nhau. Lớp kiến trúc thời Trần phía trên đã xuất lộ gồm có 5 móng trụ hình tròn và hình vuông, bó nên bằng gạch bìa nhỏ, sân nền gạch vuông. Theo dự đoán, đây là lớp kiến trúc thời Trần muộn thuộc thế kỷ 14. Lớp kiến trúc thời Trần phía dưới gồm có một cống nước chạy theo hướng Bắc – Nam, vừa có nhánh chạy về phía Tây đổ nước vào lòng đường nước lớn thời Lý phía dưới.

Có thể hình dung quá trình xây dựng ở trong các hố khai quật Bắc Đoan Môn năm 2012 như sau: Thời Lý xây dựng đường nước và tường; thời Trần thế kỷ 13 xây đường cống và dải “hoa chanh” bên trên các di tích Lý và có sử dụng lại một phần cống nước thời Lý; thời Trần thế kỷ 14 san lấp toàn bộ và xây móng kiến trúc mới lên trên kiến trúc thế kỷ 13; thời Lê Sơ san nền, lát gạch vuông; thời Lê Trung Hưng sử dụng Ngự đạo và nền gạch vồ màu xám; thời Nguyễn sử dụng lại sân gạch vồ thời Lê Trung Hưng.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của UBND TP. Hà Nội về khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, chủ trì Hội thảo cho biết, các nghiên cứu khảo cổ tại đây sẽ góp phần rất quan trọng trong việc cung vấp các nhận thức mới về không gian của các Chính điện trong Hoàng thành Thăng Long.

Hiện tại, các di tích đang được các nhà khảo cổ học gấp rút chỉnh lý, định vị theo toạ độ quốc gia và toạ độ Hoàng thành Thăng Long. Trong khi chờ đợi kế hoạch, lộ trình nghiên cứu và bảo tồn tổng thể Di sản, Viện Khảo cổ học sẽ có biện pháp bảo vệ theo phương pháp khảo cổ học để đảm bảo an toàn cho di tích.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button