Bảo tồn và phát triển Chầu văn trong xã hội đương đại

Sự trở lại khá mạnh mẽ của nghi lễ chầu văn trong thời gian gần đây đại đã đặt ra yêu cầu cho các nhà nghiên cứu và quản lý cần có phương thức quản lý phù hợp để Chầu văn đi đúng giá trị, nhằm bảo tồn, phát huy được giá trị Chầu văn trong đời sống xã hội đương đại.

chauvan1

Biểu diễn Nghi lễ Chầu văn trong Liên hoan lần thứ nhất. Ảnh: Vi An

Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 vừa kết thúc, sự hưởng ứng của khán giả qua các buổi biểu diễn từ cấp cụm đến các buổi biểu diễn tại Rạp Công nhân đã cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của Chầu văn trong xã hội đương đại, đặc biệt là ở các đô thị.

Nếu có mặt ở các buổi biểu diễn, người xem có thể nhận thấy dưới hàng ghế khán giả và ngay trên sân khấu với các cung văn, thanh đồng không hiếm những bạn trẻ ở thế hệ 8x, 9x. Phải chăng Chầu văn không khó để tìm thế hệ tiếp nối và sự quan tâm của khán giả.

Để Chầu văn đi đúng giá trị

Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cùng với sự phát triển của thị trường, cùng sự thay đổi nhận thức về văn hóa truyền thống nên đời sống tôn giáo tín ngưỡng có sự khởi sắc. Đạo Mẫu và nghi lễ Chầu văn (hầu đồng) vốn xưa bị cấm đoán nay có cơ hội phục hồi và phát triển. Hiện tại, nếu tính tất cả đền, phủ, điện (tính cả điện cá nhân) nơi thờ Mẫu cũng là nơi diễn ra nghi lễ Chầu văn ở Hà Nội có thể lên tới hàng trăm. Hàng năm, vào dịp “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ Mẹ” tại các đền, phủ, điện tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh có hàng trăm nghi lễ Chầu văn như vậy.

GS. TS Ngô Đức Thịnh đặt câu hỏi, Nghi lễ Chầu văn có thể trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đô thị hay không, bởi hiện nay tham gia sinh hoạt tín ngưỡng này đang diễn ra không chỉ trong các đền, phủ, điện mà ngay trong cả các điện thờ Mẫu của tư nhân. Người tham gia không chỉ bó hẹp trong phạm vi các con nhang đệ tử Đạo Mẫu mà còn thu hút sự tham gia của tầng lớp kinh doanh, công chức, trí thức, văn nghệ sỹ…

Theo TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long, cần phải nhận thức đúng, có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của tín ngưởng thờ Mẫu với nghi thức thể hiện tiêu biểu là Chầu văn (hầu đồng). Hiện nghi lễ Chầu văn đang có bước phát triển nhanh chóng ở địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, vì vậy, cần có sự quan tâm, quản lý hỗ trợ và tham gia tự quản để tín ngưỡng vẫn hoạt động theo lệ tục người xưa truyền lại song cần vận dụng phù hợp với xã hội hiện tại.

Theo ông, Hà Nội cần có văn bản hướng dẫn về thực hành Nghi lễ Chầu văn ở các đền, điện, phủ trên địa bàn để các Ban Quản lý, thủ nhang, đồng đèn thực hiện và tự quản, đồng thời, chính quyền xã, phường cũng đi sát kiểm tra để phát huy đúng giá trị của Nghi lễ Chầu văn, khắc phục các hiện tượng lệch lạc và tiêu cực. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Chầu văn ở các đền, điện, phủ.

Bà Nguyễn Thị Bích Loan, thủ nhang Quan thày Tân La Vọng Từ, Đống Đa, Hà Nội, một trong những thủ nhang hoạt động lâu năm cho rằng, các nhà nghiên cứu cần đưa ra bộ tài liệu mang tính chất chuẩn mực về sứ mệnh của các Thanh đồng và phép tắc trong Đạo Mẫu để ngăn chặn được những hiện tượng cuồng tín, đồng tà và các nhà quản lý cần kiên quyết với những hiện tượng lợi dụng nghi lễ để mang tính trục lợi cá nhân.

Việc bảo tồn và lưu giữ nghi lễ Chầu văn trong thời gian qua chủ yếu do các cá nhân, các nhóm, đền, phủ… lưu giữ, các thanh đồng, cung văn là người trực tiếp kế thừa và phát huy các nghi lễ này. GS. TS Ngô Đức Thịnh từng nói: “Không ít người lợi dụng lên đồng để trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược lại bản chất của bất cứ tôn giáo nào cũng là hướng thiện, trừ ác”. Vì vậy, cần có những biện pháp quản lý kiên quyết loại trừ những hiện tượng lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi, làm mất đi vẻ đẹp của Chầu văn trong đời sống xã hội.

chauvan2

Hát văn, hình thức nhạc lễ trong nghi thức Hầu đồng. Ảnh: Vi An

Sân khấu hóa Chầu văn

Gần đây, một số nghệ sỹ sân khấu đã tiến xa hơn một bước, tái tạo Chầu văn bằng ngôn ngữ nghệ thuật, múa, âm nhạc trên sân khấu. NSND Lan Hương của Nhà hát kịch Tuổi trẻ đã dựng lại nghi lễ Chầu văn với vở diễn “Tâm linh Việt”, nghệ sĩ piano Phó An My đã đưa nghi lễ Chầu văn lên sân khấu với tên gọi “Đồng”, Nhà hát Chèo Hà Nội dựng vở diễn “Ba giá đồng”… GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, đây là những thử nghiệm đáng hoan nghênh, là những sáng tạo của các nghệ sỹ và cho thấy một phần nhu cầu của công chúng đối với loại hình nghi lễ này.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, nguyên Cục phó Cục Di sản nhận định, việc thu hút đông đảo người xem đến Liên hoan nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất có thể thấy nhu cầu của người dân trong việc thưởng thức loại hình nghi lễ này, Việt Nam có thể học hỏi việc sân khấu hóa các loại hình tín ngưỡng dân gian như một số nước trong khu vực đã thực hiện, ví dụ Hàn Quốc đang thực hiện.

Còn GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khẳng định, không thể tách rời yếu tố tâm linh trong nghi lễ Chầu văn, “Chầu văn sống được là vì tâm linh, nếu không có cốt tâm linh thì không còn là Chầu văn”, vì vậy cần có các nghiên cứu đầy đủ nếu Chầu văn được sân khấu hóa, vì như thế không giữ được hồn cốt của tín ngưỡng thờ Mẫu mà Chầu văn là một hoạt động tín ngưỡng tiêu biểu.

Để góp phần bảo tồn được nghi lễ Chầu văn, Hiện nay, Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đang lập và tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ thờ Mẫu và Hát văn Hà Nội, hội viên câu lạc bộ đã có hơn 60 thanh đồng, thủ nhang tham gia và sẽ ra mắt và cuối quý IV/2013 tại di tích Phủ Tây Hồ. Câu lạc bộ có các hoạt động giao lưu trao đổi về nghi lễ Chầu văn và nghệ thuật Hát văn, tổ chức các lớp truyền nghề cho các nhóm tham gia nghi lễ thờ Mẫu, trao đổi tìm hiểu biện pháp khắc phục khiếm khuyết trong thực hành Nghi lễ Hầu đồng.

Vi An

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button