Hà Nội có nhiều tiềm năng để xây dựng thương hiệu văn hóa

Xây dựng thương hiệu văn hóa Hà Nội là một quá trình và cần được thực hiện kiên trì, liên tục, qua nhiều năm và cần định hướng tới công chúng cả nước và quốc tế để Hà Nội định vị được tầm quan trọng về văn hóa đối với đất nước, khu vực và thế giới.

hoguom

Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành điểm sáng văn hóa của cả dân tộc. Ảnh Huy Anh

Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa ở Thủ đô trong 30 năm đổi mới” vừa được tổ chức, các nhà khoa học cho rằng, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu của Thủ đô ngàn năm văn hiến, với vai trò là một trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế và giao dịch quốc tế của cả vùng và cả nước chưa được phát huy đầy đủ.Điều này đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải nỗ lực hơn nữa, tạo những chuyển biến mạnh mẽ hơn để sự nghiệp văn hóa thực sự tiêu biểu và trở thành điểm sáng trong cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.

Thiếu quảng bá và điểm nhấn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Nội có quá nhiều điều để tự hào, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, có tiềm năng vô tận để xây dựng thương hiệu văn hóa, để không chỉ là Thủ đô văn hóa của Việt Nam mà còn là thủ đô văn hóa của cả khu vực. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm, có kế hoạch và giải pháp thực hiện mong ước đó hay không.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nói đến thủ đô hay các thành phố lớn bao giờ người ta cũng nói đến những điểm nhấn, có thể là sự kiện (tuần lễ thời trang London, tuần lễ thời trang Paris, liên hoan phim Berlin..), có thể là những công trình văn hóa nghệ thuật như tháp Eiffel, tượng nữ thần Tự Do, tháp đồng hồ Big Ben, quảng trường Đỏ… mà bất cứ ai cũng muốn đặt chân đến.

Ngay trong nước, nhiều thành phố lớn và các khu du lịch cũng đã có nhiều cố gắng và thành công nhất định trong việc xây dựng hình ảnh của mình như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế, Lễ hội hoa Đà Lạt, Quảng Nam có Hội An và một số tỉnh như Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận… cũng đang dần xác định tên tuổi của mình qua các sự kiện và di tích.

Hà Nội là địa danh tiêu biểu cho lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc, với 5.175 di tích, nhiều địa điểm Hà Nội gắn với những sự tích, ký ức, truyền thuyết, con người lịch sử… Hà Nội còn có những di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể mà hiếm địa phương nào có được, từ những di sản văn hóa được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc… Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội đương đại cũng tạo ra nhiều lợi thế cho Hà Nội về mặt văn hóa khi các sự kiện lớn của đất nước trong hầu hết các lĩnh vực cũng được tổ chức tại đây.

Nhưng qua 30 năm đổi mới, Hà Nội vẫn chưa tạo được những sự kiện nào mang dấu ấn đáng kể và lâu dài, chưa phát huy được hết những lợi thế và tiềm năng để xây dựng thương hiệu văn hóa mà người dân Thủ đô và cả nước kỳ vọng.

Vì vậy, Hà Nội còn rất nhiều việc và quyết tâm hơn nữa để xây dựng thương hiệu văn hóa cho Hà Nội, để Hà Nội định vị tầm quan trọng về mặt văn hóa đối với đất nước, khu vực và thế giới.

Về lâu dài, để xây dựng thương hiệu văn hóa của Hà Nội trước tiên cần nhận thức rõ hơn về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của Thủ đô, văn hóa phải thực sự là trung tâm của sự phát triển, bất kỳ sự thay đổi hay chiến lược phát triển nào cũng cần cân nhắc đến vai trò, vị thế của văn hóa.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Mai, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, một trong những khía cạnh giúp xây dựng thương hiệu văn hóa của Thủ đô là thông qua quảng bá du lịch. Những năm gần đây Hà Nội nổi lên với vai trò là thành phố hòa bình và an toàn, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội mỗi năm một tăng nhưng chưa thể xứng với tiềm năng của Hà Nội, còn thiếu những cơ hội quảng bá cho văn hóa ngàn năm và chúng ta đành “ngậm ngùi” khi số lượng du khách quay lại còn hạn chế chỉ vì lý do các tour du lịch được thiết kế chưa đa dạng về chất lượng và sản phẩm du lịch.

Cần sự phối hợp liên ngành

Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nên lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế, ví dụ tổ chức liên hoan phim quốc tế Việt Nam tại Hà Nội (để phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng thương hiệu cho thành phố), tổ chức tuần lễ thời trang nhằm phát triển công nghiệp dệt may và thời trang, tuần lễ ẩm thực Hà Nội để quảng bá đặc sản Hà Nội, tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ thúc đẩy sự phát triển của nghề thủ công, hay tuần lễ tổng hợp giống như Seoul (Hàn Quốc) làm với Hi! Seoul Festival hay Tokyo (Nhật Bản) làm với Festival Tokyo đã làm được.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô. Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chính sách này cần hướng đến việc tôn vinh tài năng của nghệ sỹ, nghệ nhân, tạo điều kiện tối đa cho sự sáng tạo của cá nhân, chú ý đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hình thức sinh hoạt văn hóa trong nhân dân sẽ tạo nên các công trình mới có giá trị sáng tạo từ văn chương, hội họa, điêu khắc, điêu khắc, sân khấu, ca múa nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh… Bên cạnh đó là bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, thúc đẩy phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trong người dân Thủ đô.

Việc xây dựng thương hiệu văn hóa cho Hà Nội là một quá trình được thực hiện kiên trì, liên tục, qua nhiều năm, có định hướng tới công chúng trong cả nước và quốc tế chứ không chỉ là một hoạt động diễn ra trong một lần. Vì vậy, cần phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản, có kế hoạch và đầu mối quản lý, tổ chức rõ ràng.

Xây dựng thương hiệu văn hóa Hà Nội không phải việc riêng của ngành văn hóa, cũng không phải việc riêng của Thủ đô Hà Nội, nó cần sự phối hợp liên ngành giữa ngành văn hóa và các ngành khác để văn hóa Hà Nội ngày càng xứng tầm với vị thế vốn có, mở rộng được hơn tới khu vực và thế giới.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button