Đại hội Hội Sử học Hà Nội lần thứ V nhiệm kỳ 2015 – 2020
Ngày 14/5/2015, Đại hội Hội Sử học Hà Nội lần thứ V nhiệm kỳ 2015- 2020 đã long trọng được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.Tham dự đại hội có 80 đại biểu là đại diện Ban chấp hành khóa IV và hội viên lựa chọn từ các chi hội.
Đại hội đã đánh giá kết quả hoạt động của Hội Sử học Hà Nội trong nhiệm kỳ 2009 – 2015 và đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2015- 2020.
Về công tác tổ chức hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội sử học Hà Nội đã tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới hội viên, với 20 chi hội và 358 hội viên. Tuy nhiên từ nửa cuối nhiệm kỳ, các chi hội thuộc các trường đại học và Viện nghiên cứu (là các chi hội nòng cốt, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn) rút về Trung ương Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tạo ra một khoảng trống lớn trong tổ chức cũng như hoạt động của Hội. Vì vậy Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tổ chức Hội, kết nối toàn bộ mạng lưới hội viên,phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của Ban chấp hành và mỗi hội viên để quyết tâm xây dựng Hội vững mạnh.
Về công tác nghiên cứu khoa học, Hội đã triển khai và hoàn thành đề tài khoa học cấp nhà nước: Giáo dục và đào tạo của Thăng Long – Hà Nội: Định hướng phát triển giáo dục đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tham gia đề tài khoa học cấp nhà nước của chương trình KX09: Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện thủ đô. Hội đã tổ chức và tham gia tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học được đánh giá cao về quy mô và chất lượng chuyên môn như: Hội thảo 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long (2009); Trịnh Cương con người và sự nghiệp (2009), Vương triều Mạc và kinh đô Thăng Long (2010);Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến,anh hùng, vì hòa bình (2010; Hà Nội học,phương pháp luận và nội dung nghiên cứu (2012)…
Hội sử học Hà Nội với nhiều chuyên gia từ Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn đã đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu xác định giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tham gia xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Đây là đóng góp có ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản quý báu của dân tộc và nhân loại.
Trong công tác giám định và phản biện xã hội, hội Sử học Hà Nội đã chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động đánh giá giá trị các khu di tích đang bị xâm hại, hay các di tích nằm trong phạm vi quy hoạch xây dựng, tham gia tư vấn cho Thành phố Hà Nội xử lý các vấn đề trong dự án xây dựng liên quan đến di tích Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao…
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức cũng được Hội chú trọng thực hiện, trong đó phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, về bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô…cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở. Các thành viên chủ chốt của Hội Sử học Hà Nội đã tham gia biên soạn bộ Lịch sử Thăng Long – Hà Nội (2 tập), xuất bản năm 2012. Chi Hội Nhà xuất ban Hà Nội là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm xuất bản gần 40 cuốn sách trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Chi hội Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đã biên soạn các sách chuyên đề về Lịch sử Hà Nội giảng dạy trong các trường học. Chi Hội Câu lạc bộ Người yêu Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi nghe nói chuyện chuyên đề về danh nhân và lịch sử văn hóa dân tộc.
Trong phát biểu của mình tại đại hội, GS. NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Sử học Hà Nội nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong công tác nghiên cứu khoa học và đóng góp vào sự kiện đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Về phương hướng nhiệm kỳ tới, giáo sư nhấn mạnh: “ Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu khoa học, Hội cần chú ý đến công tác phổ biến tri thức cho cộng đồng, đặc biệt là giáo dục trong trường học, khơi gợi niềm yêu thích sử học trong thế hệ trẻ”.
Với tinh thần đoàn kết nhất trí, Hội Sử học Hà Nội quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, trong đó có việc củng cố phát triển tổ chức Hội, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và vận động xây dựng quỹ phát triển Sử học Thăng Long – Hà Nội.
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn Thăng Long – Hà Nội