Hội nghị thông báo Khảo cổ học lần thứ 50
Trong ba ngày 16 đến 18 tháng 9 năm 2015 Hội nghị Thông báo Khảo cổ học lần thứ 50 – năm 2015 đã diễn ra tại Thành phố Huế. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 50 năm qua và cũng là lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc về Khảo cổ học được tổ chức ở ngoài Hà Nội. Hội nghị do Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức.
Trong lễ khai mạc hội nghị GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), ông Nguyễn Văn Cao (Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế), PGS.TS Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học) và TS. Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) đã có những phát biểu tóm lược lịch sử 49 lần Hội nghị trước đây và chúc Hội nghị lần thứ 50 tại thành phố Huế thành công tốt đẹp cũng như thành điểm nhấn với các nhà khoa học.
PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đọc báo cáo chung. Hội nghị năm nay Ban tổ chức nhận được 356 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước thông báo về các cuộc khai quật, những nghiên cứu mới về khảo cổ học đã diễn ra trong năm qua trên mọi miền đất nước.
Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội do đồng chí Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn. Chiều ngày 17/9, đồng chí Trần Việt Anh trình bày tham luận tại Hội trường lớn về “Hoạt động Khảo cổ học tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (2010-2015)”. Trong đó, đồng chí Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh đến các kết quả khai quật hợp tác trong thời gian qua của Trung tâm và Viện Khảo cổ học, những công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát trong khuôn khổ Dự án Quỹ tín thác UNESCO – Nhật Bản, trong chương trình tái nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, trong hoạt động khảo cổ học cộng đồng “Em là nhà khảo cổ”.
Đồng chí Giám đốc nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được qua khai quật khảo cổ học kết hợp các nguồn sử liệu thành văn đã góp thêm những nguồn tư liệu, những thông tin quan trọng, có tính khoa học cao về Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, các chương trình hợp tác khoa học giữa Trung tâm với các Viện, các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục phát triển và những kết quả thực hiện sẽ góp phần vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội và khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa”.
Ngoài ra trong các tiểu ban có báo cáo của nhóm các nhà khoa học nghiên cứu Cổ Loa nhiều năm nay như PGS.TS. Nam C. Kim, Khoa Nhân học Đại học Wisconsin – Madison (Hoa Kỳ), TS. Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học)… đã cung cấp những phát hiện đặc biệt quan trọng về nghiên cứu khu di tích Cổ Loa, nhận thức lại lập luận của các học giả trước đây cho rằng không có nhà nước ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng cho đến sau khi Trung Quốc tới. Từ kết quả khai quật cắt thành Cổ Loa trong những năm 2007 – 2014, cho thấy đã có một nhà nước thời tiền sử phát triển mạnh mẽ, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó hơn các quốc gia nổi tiếng như AngKor, Champa… của Đông Nam Á.
Kết quả khai quật khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được đoàn khai quật báo cáo chi tiết, khẳng định những kết quả khai quật trong thời gian qua đã xác định được tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý – Trần – Lê sơ – Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, làm rõ không gian kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng, nằm chồng lên không gian điện Kính Thiên thời Lê sơ và xác định được không gian kiến trúc thời Lý. Báo cáo này được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chăm chú theo dõi và thảo luận sôi nổi.
Sau hai ngày Hội nghị và một ngày thăm quan một số di tích tại cố đô Huế như lăng Gia Long, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, Đại nội, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, hội nghị đã kết thúc thành công. Ban Tổ chức và các thành viên tham dự Hội nghị vui mừng, phấn khởi và hẹn gặp lại nhau vào Hội nghị lần thứ 51 vào mùa thu năm 2016.
Bùi Thị Thu Phương