Đề xuất công nhận thêm 16 di sản ký ức thế giới
Ngày 18/5, tại thành phố Huế diễn ra khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP). Hội nghị lần này xem xét 16 hồ sơ của 10 quốc gia đệ trình đăng ký công nhận là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương để công nhận trong năm 2016.
Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế đứng trước cơ hội lớn để trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới.
Dự hội nghị MOWCAP lần này có 66 đại biểu đến từ 16 nước trong khu vực và 40 đại biểu đại diện nhiều ban ngành trung ương, các địa phương của Việt Nam có di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương được công nhận.
Đáng chú ý, trong 16 hồ sơ đề xuất lần này, Việt Nam có 2 hồ sơ đăng ký gồm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh)”. 9 quốc gia còn lại có hồ sơ đệ trình gồm Trung Quốc (4 hồ sơ), Hàn Quốc (2), Malaysia (2); Uzerbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar, Mông Cổ mỗi nước có 1 hồ sơ.
Sau phiên mạc, MOWCAP tiến hành các phiên họp chính thức nhằm đánh giá kết quả hoạt động của ủy ban này, giới thiệu và hướng dẫn thực hiện khuyến nghị của UNESCO về di sản tư liệu, xem xét lại bộ hướng dẫn về Chương trình ký ức thế giới và Bảo vệ Di sản tư liệu, bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực; lựa chọn công bố những bộ sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí thuộc danh mục di sản tư liệu thế giới.
Trong khuôn khổ hội nghị MOWCAP còn diễn ra hội thảo “Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận tư liệu dưới dạng số” và triển lãm “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam”, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: Cơ hội để hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế” được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thông qua đệ trình tại hội nghị MOWCAP 7 tổ chức tại Huế là rất cao.
“Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú, đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều loại chất liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, ngà, sơn son thếp vàng, tráng men, đắp vữa, sành sứ…. Những bài thơ thuộc tác phẩm đỉnh cao. Xét về nhiều tiêu chí như sự độc đáo, tính đa dạng, tính quốc tế, chúng tôi tự tin cho rằng đây là di sản rất quý, hoàn toàn xứng đáng trở thành di sản ký ức thế giới”, ông Hải nói.
Còn theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, đánh giá: Huế tự hào được giới thiệu hồ sơ “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” đề cử danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình MOWCAP.
Bên cạnh đó, bộ “Mộc bản trường học Phúc Giang” đề cử lần này cũng là tư liệu quý duy nhất của một dòng họ ở Việt Nam lưu trữ và bảo quản. “Nó thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người có đức, có tài”, ông Châu lưu ý.
tienphong.vn