Công bố những phát hiện bất ngờ dưới lòng chính điện Kính Thiên – Thăng Long
Sau gần một năm khai quật, thăm dò và nghiên cứu, sáng 28/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016”.
Thành Thăng Long có quy mô hoành tráng từ thời Lý
Theo đó, công cuộc khai quật và thăm dò khảo cổ được tiến hành trên diện tích gần 1000m2, gồm 2 hố (H1, H2) tại khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn. Cuộc khai quật lần này nối tiếp các cuộc khai quật kéo dài từ năm 2012 đến 2015 nhằm làm rõ phần cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có: sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng từ thế XV đến thế kỷ XVIII.
Toàn cảnh phần diện tích gần 1000m2, gồm 2 hố (H1, H2) tại khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn đã được khai quật trong năm 2016. Ảnh: HTL.
PGS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, công tác khảo cổ học năm 2016 vẫn chứng minh rằng, di tích thời Lý phồn thịnh nhất và có tính thống nhất chặt chẽ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm các móng được gia cố bằng sỏi và bằng sành. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu tích của một đường ống nước lớn rộng 2m, cao 2m chạy về phía Nam Cấm thành. Đường nước này tạo nên một điểm nhấn rất lớn cho việc nghiên cứu quy hoạch thời Lý ở khu vực trung tâm Thăng Long. Các nhà khảo cổ giả thiết, đường nước này sẽ chạy qua phía quảng trường Đoan Môn, tiến về phía cột cờ. Điều đó chứng tỏ quy mô hoành tráng, vững chắc của kinh thành thời Lý.
Một trong những thành quả đáng kể của các nhà khảo cổ trong năm 2016 là bước đầu làm rõ các kiến trúc thời Lý dạng kiến trúc hành lang theo hướng Đông – Tây và có thể kết nối theo hướng Bắc – Nam. Do vậy, có thế dự đoán, kiến trúc Lý ở đây có một kiến trúc cổng lớn và trục chính tâm. Kiến trúc hành lang có thể phát triển về phía quảng trường Đoan Môn bao quanh khu vực trung tâm phía trước Đoan Môn.
Một ấn tượng khác nữa thông qua kết quả khảo cổ 2016 là làm rõ thêm không gian chính điện Kính Thiên của thời Lê sơ. Bao gồm: Đoan Môn, sân Đại Triều, điện Kính Thiên và hành lang. Hành lang, sân và cống cho thấy quy hoạch làm việc rất rõ của khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng. Nhiều phát hiện khảo cổ cho thấy, vào thế kỷ XVII – XVIII, người xưa đã tiếp tục mở rộng kiến trúc hành lang của thời Lê Trung Hưng trước đó. Đây là một điều mới mẻ và hấp dẫn với thời kỳ này, cũng như để lại nhiều dấu hỏi khiến giới nghiên cứu phải tiếp tục tìm hiểu.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu tích của một đường ống nước lớn rộng 2m, cao 2m chạy về phía Nam Cấm thành được cho là nằm trong dấu tích kiến trúc thời nhà Lý. Ảnh: HTL.
Cũng theo PGS Tín thì hiện nay, dựa trên những phân tích khảo cổ, các nhà khảo cổ học đã xây dựng bản vẽ tạm kiến trúc hành lang, trụ cột của khu vực điện Kính Thiên để có thể trình lên UBND TP. Hà Nội
Những khám phá bất ngờ về thời Lê Trung Hưng
GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ rằng, qua các cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích của thời Đại La trên khu di tích Đoan Môn. Điều này có thể kết luận, toàn bộ khu tích Hoàng thành Thăng Long, kể cả khu vực Đoan Môn lẫn khu vực Vườn hồng đều nằm trong khuôn viên Đại La (chỉ đến khu vực phố Trần Phú là không thấy dấu tích Đại La). Từ đây, giới nghiên cứu có được những hình dung về quy mô của thành Đại La ngày xưa.
PGS Tống Trung Tín đang đưa thuyết trình cho các nhà nghiên cứu những phát hiện khảo cổ đã tìm thấy tại thực địa. Ảnh: HTL.
Điểm thứ hai khiến ông thấy thú vị nhất là dấu thời Lý. Dấu tích kiến trúc thời Lý ở khu vực Đoan Môn này khá đậm và quy mô khá lớn, đặc biệt là đường nước.
“Đường nước trước đây từng có nhiều tranh cãi nhưng bây giờ đã có thể hình dung được đường nước không những chảy từ Đông sang Tây, mà còn có hướng chảy từ Bắc sang Nam. Mà hướng Nam chưa kết thúc, phía Bắc cũng chưa kết thúc… Như vậy đường nước có quy mô khá lớn. Dĩ nhiên, đây là đường nước nhân tạo và được xây một cách rất có ý thức. Như vậy, đường nước này sẽ dừng ở một vị trí rất quan trọng trong quy hoạch cấu trúc của Cấm Thành Thăng Long thời nhà Lý. Đường nước này liên quan tới trục trung tâm của Cấm Thành Thăng Long thời nhà Lý phía 18 Hoàng Diệu hay phía Đoan Môn đang là một bí ẩn cần làm rõ”, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Về dấu tích thời Lê (bao gồm cả Lê Sơ và Lê Trung Hưng), GS Phan Huy Lê cho rằng, xưa nay nhiều người đều quan niệm cổng Đoan Môn là kiến trúc từ thời Lê sơ (tức là từ thế kỷ XV) nhưng bây giờ đào móng lên lại cho thấy thành Đoan Môn hiện nay xây lại ở thời Lê Trung Hưng, tức Đoan Môn không phải của thời Lê Sơ. Như vậy thì Đoan Môn của thời Lê sơ nằm ở vị trí nào, cái đó cần phải xem xét thêm. Điều này hoàn toàn mới mẻ.
Ngoài ra, theo GS Phan Huy Lê thì dựa vào kết quả khai quật lần này và những lần trước đây ở nhiều kiến trúc của thời Lê Trung Hưng buộc các nhà sử học phải xem xét lại nhận thức của mình. Vì trước đây, người ta cho rằng, thời Lê Trung Hưng là thời suy vong của chế độ phong kiến nên các công trình không có kiến trúc lớn, không có thành tựu gì nhưng kết quả khảo cổ lại chứng minh ngược lại.
“Phải nói, Lê Trung Hưng là thời kỳ phục hưng khá lớn và dấu tích để lại khá đậm nét. Không chỉ ở Hoàng thành Thăng Long mà vừa rồi tôi đi xuống thăm chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) cũng khá ngạc nhiên với quy mô của công trình này. Phải nói rằng, Lê Trung Hưng xây dựng lại chùa Quỳnh Lâmvới quy mô cực lớn và sử sách cũng cho biết thời Lê Trung Hưng rất nhiều chùa tháp được xây dựng lại. Có một vấn đề là vào thời Lê Trung Hưng, cấu trúc không gian của Kinh thành Thăng Long có một thay đổi rất căn bản.
Các hiện vật thời Lý thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HTL.
Vua Lê chỉ là danh nghĩa và ở trong Cấm thành, còn quyền lực thực sự nằm trong tay chúa Trịnh. Chúa Trịnh xây dựng một trung tâm mới gọi là phủ chúa, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài Hoàng thành Thăng Long. Đây là một tư tưởng rất thoáng mở của họ Trịnh, đưa trung tâm quyền lực ra bên ngoài Cấm thành và Hoàng thành, mở rộng với không gian buôn bán của Thăng Long.
Như vậy, đáng lẽ ra khu vực Cấm thành này sẽ bị suy giảm nhiều nhưng theo kết quả khai quật và theo miêu tả của một số khách nước ngoài đến đây vào thế kỷ XVII – đầu XVII thì khu vực thành, tuy chức năng thu hẹp lại nhưng vẫn được trùng tu, vẫn được xây dựng. Đấy là điều mà đứng về phương diện sử học chúng tôi phải xem xét lại nhận thức cũ của mình. Phải nói là khảo cổ học nhiều khi làm cho các nhà sử học thay đổi kiến thức của mình”, GS Phan Huy Lê bày tỏ thêm.
GS Lê hy vọng rằng, theo kế hoạch, mỗi năm một lần khai quật sẽ khai quật được toàn bộ khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long và trên điều kiện đó sẽ có cơ sở để phục dựng lại không gian của điện Kính Thiên.
Nhóm hiện vật thời Lê sơ. Ảnh: HTL.
“Đến bây giờ, theo tôi không gian của điện Kính Thiên đã hiện lên dần dần rồi. Có điện Kinh Thiên, có Đoan Môn, có Đan Trì ở giữa, xung quanh có thành lang và tường bao… đấy là đường nét lớn của không gian điện Kính Thiên đang dần hiện hình lên. Tôi xin nhấn mạnh, giới khảo cổ học và sử học không chủ trương phục dựng lại điện Kính Thiên, nếu phục dựng là phục dựng trên 3D thôi. Còn đây là phục dựng không gian điện Kính Thiên. Tức là bao gồm không gian từ Đoan Môn cho đến điện Kính Thiên, trong đó trung tâm là sân Đan Trì và ngự đạo (đường vua đi lại) từ đoan Môn đến điện Kính Thiên”, GS Lê nhấn mạnh.
Hà Tùng Long (dantri.com)