Lễ dâng hương tưởng niệm 144 năm ngày mất Danh tướng Nguyễn Tri Phương
Ảnh tại đền thờ Danh tướng Nguyễn Tri Phương tại quê nhà (Huyện Phong Điền, Thừa thiên Huế)
Sáng ngày 18/12/2017 (mùng 1/11 năm Đinh Dậu), tại di tích Bắc Môn,lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm 144 năm ngày mất của quan khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương – vị tướng nghĩa liệt anh hùng đã tử tiết để bảo vệ thành Hà Nội. Tham dự lễ dâng hương còn có Đoàn đại biểu Quận ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ quận Ba Đình; đại diện chính quyền phường sở tại, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể nhân dân; các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, THCS Nguyễn Tri Phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tượng thờ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu tại Bắc Môn
Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên.Vì có nhiều công lao nên ông được Vua Tự Đức cải tên thành Nguyễn Tri Phương (năm 1849). Ông sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (ngày 9/9/1800), quê ở làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Vốn xuất thân trong một gia đình bình dân, tuy không đỗ đạt khoa bảng, nhưng Nguyễn Tri Phương là người có tài năng, có nhiều công lao lớn nên đã trở thành đại thần rường cột của triều đình Nhà Nguyễn.
Năm 1872, ông được điều ra Bắc làm Khâm mệnh tuyên sát đổng sức đại thần,thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ.
Đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier chỉ huy quân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội từ phía cửa Nam. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương quyết tâm chỉ huy quân sỹ chiến đấu giữ thành và bị trọng thương, con trai là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng khẳng khái từ chối. Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và con trai Nguyễn Lâm được an táng tại quê nhà (Phong Điền – Thừa Thiên Huế).
Lăng mộ và đền thờ Danh tướng Nguyễn Tri Phương tại quê nhà (Huyện Phong Điền, Thừa thiên Huế)
Lễ dâng hương là dịp để các thế hệ con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của những người anh hùng nghĩa liệt đã chiến đấu, hy sinh, giữ thành Hà Nội, bảo vệ đất nước, góp phần tôn vinh truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy vai trò lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
BAN BIÊN TẬP