Giáo dục di sản ở Hoàng thành Thăng Long, đưa khách nhí tiếp cận di sản.
Gần đây, khái niệm giáo dục di sản đã trở nên quen thuộc với các bảo tàng, di tích. Nhiều khu di sản thuộc hệ thống di sản thế giới ở Việt Nam cũng đã chú trọng công tác giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, nhất là xây dựng những chương trình học tập phù hợp, sinh động, cuốn hút và hết sức bổ ích cho các em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi.
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Trong những năm gần đây, với mục tiêu hướng tới khách tham quan, đưa khách nhí tiếp cận di sản theo một phương pháp mới, hiệu quả và bổ ích hơn, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã xây dựng các chương trình giáo dục di sản cụ thể cho các em học sinh tiểu học và THCS. Tại đây, các em được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, từ đó góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm…
Một ngày làm nhà khảo cổ nhí của các em học sinh tiểu học.
Sáng thứ Bảy, chủ nhật hàng tuần, các em nhỏ lớp 4 và 5 có thể tham gia làm “nhà khảo cổ nhí” tại khu di tích 18 Hoàng Diệu. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các em học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Học sinh trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (quận Ba Đình) tham gia chương trình“ Em làm nhà khảo cổ”.
Trải nghiệm của “nhà khảo cổ nhí” bắt đầu bằng việc tham quan thực địa để tận mắt thấy các hố khảo cổ với các tầng di tích, di vật sống động trong khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, cùng chơi trò chơi Đi tìm báu vật Hoàng cung Thăng Long để tăng cường hoạt động vận động, nhanh chân tìm kiếm các hộp mật mã chứa câu hỏi và ghi nhớ vị trí các dấu tích khảo cổ, các hiện vật tiêu biểu tại đây, rồi cùng giải đáp các câu hỏi lịch sử trong những hộp mật mã tìm được. Cùng xem phim giới thiệu về khu di sản Hoàng thành Thăng Long và công việc của nhà khảo cổ. Trước khi tìm kiếm hiện vật tại hố khảo cổ giả định, các em sẽ được các cô chú hướng dẫn viên giới thiệu kỹ hơn về dụng cụ làm việc của nhà khảo cổ, kỹ năng và phương pháp làm việc cẩn thận, khoa học của nhà khảo cổ. Các đức tính cần có của nhà khảo cổ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các em ghi nhớ: kiên trì, cần cù, tỉ mỉ, sáng tạo. Sau khi làm việc tại hố khảo cổ giả định các bạn nhỏ sẽ tiếp tục trải nghiệm công việc nghiên cứu khoa học của nhà khảo cổ bằng các hoạt động mô tả, vẽ hiện vật, dập hoa văn hiện vật trên giấy dó, ghép tranh và hoàn thiện phiếu hoạt động của chương trình. Kết thúc buổi làm việc, sản phẩm của các nhóm sẽ được trưng bày, giới thiệu và mỗi em được trao giấy chứng nhận của chương trình “Em làm nhà khảo cổ”.
Trải nghiệm công việc tỉ mỉ, khoa học của một nhà khảo cổ.
Nhận xét về chương trình, Cô Trần Thị Sơn Ca (Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương – Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Việc dạy và học môn lịch sử ở trường đôi khi còn hạn chế vì các em chỉ nghe là chính và tiếp thu một cách thụ động. Còn tham gia chương trình này, các em được chủ động, vừa học vừa chơi, được trải nghiệm thực tế, như vậy dễ dàng tạo ra hứng thú học tập, cũng như phát huy sự sáng tạo của học sinh, kiến thức lịch sử được các em ghi nhớ và khắc sâu hơn. Mô hình này nên được mở rộng và phát triển”.
Còn chị Mai Kiều Ngân ( Hà Nội) chia sẻ khi đưa con đến tham dự chương trình: “Hoạt động này rất bổ ích. Không chỉ mở rộng tầm hiểu biết về lịch sử nước nhà, các con còn được vận động và khám phá bản thân, có sự sáng tạo, làm việc nhóm… Tôi cũng đã từng đưa con đi tham quan các điểm di tích nhưng còn hạn chế vì công việc và điều kiện gia đình. Mong rằng các hoạt động như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn”.
Cảm nhận về chương trình, các em nhỏ đã viết rất hồn nhiên: “ Em cảm thấy chương trình rất hay, bổ ích. Qua chương trình này em có thể hiểu rõ về công việc của nhà khảo cổ. Hơn thế nữa em còn có thể thử thách làm nhà khảo cổ và chơi rất nhiều trò chơi” ( Nhóm Cần cù, gồm các bạn Minh Anh, Khánh Thy, Thùy Anh, Thu Hằng – Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương); “ Em rất thích chương trình này và muốn được đi thêm vài lần nữa” (nhóm Kiên trì gồm các bạn Công Bảo, Hoàng Lân. Xuân Bách, Khương Duy, Thiệu Khanh – lớp 4E Trường Tiểu học Việt Nam Cu Ba); “ Em rất thích chương trình này vì nó không đơn giản chỉ là học mà là vừa học vừa chơi” ( em Nguyễn Thiên An, lớp 4A, Trường Tiểu học Ngô Quyền).
Và cùng tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long
Chương trình dành cho các em học sinh THCS có tên gọi “ Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long”. Chương trình có thể đáp ứng tiếp đón tối đa 200 học sinh một buổi, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 3 giờ.
Học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ ( quận Ba Đình) tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long.
Trong chương trình này các em cũng được tham quan các điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích cách mạng nhà D67, Hầm D67, hầm Cục tác chiến;Tìm hiểu kỹ về khu di sản thông qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động và xem phim giới thiệu về khu di sản; Tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố; Tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh dân gian. Hàng nghìn em học sinh các trường trên địa bàn thủ đô đã tham gia chương trình học tập ngoại khóa bổ ích này trong thời gian qua.
Hướng dẫn các em in tranh dân gian
Chương trình hướng đến việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại khu di sản theo nhóm, lớp hoặc theo khối, không khuyến khích các trường đưa hàng nghìn em đến di sản trong một buổi. Số lượng học sinh quá đông sẽ gây khó khăn cho công tác đón tiếp và không hiệu quả trong việc tìm hiểu, học tập của học sinh.
Bên cạnh các chương trình giáo dục di sản chuyên sâu, hàng năm Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội còn tổ chức chương trình Vui tết Trung thu cho các em thiếu nhi với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như múa rối nước, rối cạn, múa sư tử cùng nhiều trò chơi tương tác như làm đèn ông sao, đèn kéo quân, làm bánh trung thu, làm gốm, nặn tò he…Đặc biệt là chương trình tìm hiểu Trung thu xưa qua các triển lãm và các buổi giao lưu, học tập cùng các nhà nghiên cứu, nhà sử học nổi tiếng và các nghệ nhân dân gian.
Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục kết nối, liên kết với các trường học, các công ty du lịch để mở rộng chương trình giáo dục di sản, tổ chức cho các em học sinh tiếp cận và tham gia học tập, tìm hiểu tại khu di sản một cách hiệu quả, bổ ích nhất.
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội