Thuyết trình và giới thiệu ấn phẩm mới “Lịch sử phát lộ Hoàng thành Thăng Long, thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”
Những dấu tích của Hoàng thành Thăng Long xưa trong lòng đất Hà Nội được phát lộ vào những năm đầu của thế kỷ 21 đã nhanh chóng thu hút mối quan tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước và nhân dân cả nước. Gần một thập kỷ sau kể từ ngày phát lộ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa của Thế giới vào đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010).
Nhân dịp kỉ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (1973-2018) và 25 năm thành lập Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội (1993-2018), Viện Pháp (L’Espace) và EFEO tổ chức buổi thuyết trình và giới thiệu ấn phẩm mới “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”, do NXB Thế Giới, EFEO (trung tâm tại Hà Nội) và Viện Khảo cổ học xuất bản. Các diễn giả PGS.TS Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Tiến Đông và GS.TS Andrew Hardy đã giới thiệu cuốn sách, chia sẻ những kinh nghiệm và kỷ niệm của những tháng ngày lao động khoa học đầy ý nghĩa của các chuyên gia của Viện Khảo cổ học khi tiến hành cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long.
Các học giả tại buổi thuyết trình
Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam. Với những nhà khảo cổ học Việt Nam đã từng tham gia khai quật Hoàng thành Thăng Long, những ngày tháng khai quật và nghiên cứu tại khu di tích này là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” không chỉ là sự nhắc lại những cảm xúc từ buổi ban đầu của đội ngũ những người đã khám phá và đang tiếp tục khám phá giá trị của di sản, mà còn là sự đưa dẫn người đọc theo những lưỡi bay, nhát cuốc của các nhà khảo cổ học để dần thấy được những dấu tích thăng trầm và tìm kiếm dáng vẻ thực sự của Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời cuốn sách cũng đưa ra những nghiên cứu lịch sử mới nhất trên kết quả của việc phát lộ di tích và những suy nghĩ đầu tiên về việc gìn giữ và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long.
Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” do nhà sử học GS.TS Andrew Hardy (EFEO) và nhà khảo cổ học TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) biên tập. Cuốn sách tập hợp bài viết của nhiều tác giả trong nước và quốc tế, đặc biệt trong đó có các bài viết của các Giáo sư, các nhà khoa học đã từng có mặt tại công trường khai quật Hoàng thành Thăng Long từ những ngày tháng đầu tiên và đã đóng góp nhiều trí tuệ để đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa Thế giới như: GS. Viện sĩ Phan Huy Lê, nhà sử học Đào Hùng, PGS.TS Tống Trung Tín, GS. Viện sĩ Franciscus Verellen (nguyên giám đốc EFEO), PGS.TS Diệp Đình Hoa, PGS.TS Phan Khanh…
Cuốn sách gồm 413 trang, ngoài Lời tựa của TS. Nguyễn Gia Đối, Q. Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Lời bạt của TS. Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, sách gồm 3 phần:
- Khai quật khảo cổ học (2002 – 2004): Giới thiệu các bài viết của các nhà khảo cổ học, những người quản lý và những người chuyên môn trực tiếp khai quật như PGS.TS Tống Trung Tín, TS. Lê Thị Liên, TS. Nguyễn Hồng Kiên, TS. Nguyễn Tiến Đông, TS. Nguyễn Văn Anh, ThS. Nguyễn Danh Huấn, TS. Phạm Văn Triệu.
- Nghiên cứu lịch sử: Giới thiệu các bài viết của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước như: GS. Phan Huy Lê, GS. Franciscus Verellen, TS. Olivier Tesier. Thông qua kết quả khai quật khảo cổ học (đặc biệt khai thác các tư liệu khảo cổ học mới được phát hiện ở Khu di tích 18 Hoàng Diệu) để so sánh, liên kết với tư liệu lịch sử, nhận diện lại vị trí, cấu trúc thành Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.
III. Sau cuộc khai quật: Ký ức về quá khứ, di sản vì tương lai, gồm các bài viết của các chuyên gia, các nhà sử học như nhà sử học Đào Hùng, PGS.TS Phan Khanh, TS. Nguyễn Thị Hậu, PGS.TS Diệp Đình Hoa, GS.TS Andrew Hardy. Các bài viết suy ngẫm về ký ức Thăng Long trong tâm thức người Việt; những nhận thức về tầm vóc khu di sản; xác định nhiệm vụ và phương hướng bảo tồn phát huy giá trị Di sản thế giới Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Buổi ra mắt giới thiệu cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các học giả, các nhà khoa học và những người quan tâm. Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” sẽ đưa tới cho người đọc cả những góc còn ít người biết về cuộc khai quật có một không hai đó. Thông qua cuốn sách, độc giả có thể thỏa mãn phần nào với những tư liệu chân xác, những phân tích, nhận định khách quan khoa học, và đặc biệt là tình cảm trân trọng của các nhà nghiên cứu đối với di sản văn hóa quý báu Thăng Long – Hà Nội của dân tộc ta và cả thế giới. Đây cũng là thành quả trong nghiên cứu liên ngành và hợp tác quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn.
Bùi Thị Thu Phương