Hội nghị sơ kết Chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa

Sáng nay ngày 28/8/2019, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sơ kết chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Tham dự hội nghị có các đại biểu đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phòng GDĐT các quận huyện cùng đông đủ các thầy cô giáo.

 

Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục công chúng, đặc biệt là giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, nổi bật là hai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”. Đây là hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục di sản, tránh được những lối mòn cũ, bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học, học mà chơi; giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm; góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm; rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.

Đặc biệt, năm 2018, Chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được nâng lên một tầm mới, bài bản hơn, sâu rộng hơn thông qua việc hợp tác chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo thủ đô. Lễ ký kết hợp tác triển khai chương trình GDDS giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Sở GDĐT Hà Nội được tổ chức vào tháng 9/2018, ngay sau lễ khai giảng bước vào năm học mới 2018-2019, đã thực sự là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự bắt tay, vào cuộc của ngành Giáo dục Đào tạo thủ đô, khẳng định sự chung tay của các nhà trường và của các thầy cô giáo để triển khai chương trình giáo dục di sản hiệu quả hơn, thu hút đông đảo học sinh tham gia hơn.

Qua một năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, sự ủng hộ của các nhà trường và các thầy cô giáo, trong năm học 2018 – 2019, đã có 19.086 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long  và khu di tích Cổ Loa ( trong đó tại HTTL là 17.847 em và tại Cổ Loa là 1239 em). Bên cạnh đó số lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em.

Tìm hiểu các chuyên đề giáo dục, văn hóa truyền thống cùng các nhà sử học, các nghệ nhân dân gian

Hội nghị sơ kết chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế sau một năm triển khai thực hiện, đồng thời định hướng phát triển cho những năm tiếp theo; tiếp cận, kết nối chặt chẽ hơn nữa với các nhà trường thông qua việc xin ý kiến đóng góp, thông tin phản hồi và đề xuất, sáng kiến, kinh nghiệm của các vị đại biểu, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.

Hội nghị tập trung thảo luận, trao đổi các nội dung cụ thể như: Việc nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ học sinh; Việc hoàn thiện nội dung chương trình, các sản phẩm cụ thể phù hợp với các lứa tuổi, cấp học;  đề xuất các  giải pháp đẩy mạnh sự kết nối, hợp tác giữa di sản với các nhà trường, các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình.

Tại hội nghị các đại biểu, các thầy cô giáo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, trách nhiệm, đầy tâm huyết để cùng chung tay đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử  Việt Nam đã ghi nhận, đánh  giá cao những nỗ lực của Trung tâm, sự hỗ trợ của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội trong việc triển khai chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa một năm qua; đồng thời lưu ý rằng với thời đại ngày nay, cho dù trong một không gian truyền thống, chúng ta vẫn phải vươn tới tầm cao của khoa học công nghệ hiện đại, điều đó sẽ có hiệu quả rất lớn trong quá trình tiếp nhận tri thức của các em học sinh.

Đại diện các trường học ở ngoại thành Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Lý, hiệu trưởng trường THCS Tân Lập – huyện Đan Phượng nhận xét, đánh giá: Qua đợt học tập trải nghiệm tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long các em học sinh hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, tự hào dân tộc, đoàn kết yêu thương nhau hơn, lan tỏa trong trường về gia đình và xã hội với tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò thủ lĩnh, phát huy tài năng, nhiều em có cơ hội tỏa sáng qua các hoạt động trải nghiệm tại Hoàng Thành như nặn tò he, đi cầu thăng bằng, thi làm quạt giấy hoặc bịt mắt bắt dê, kéo co…

Cô Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ-  quận Đống Đa mong muốn Sở GDĐT và Trung tâm tiếp tục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hai khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa cũng như các tìm hiểu các di tích khác của thủ đô Hà Nội, có thể xây dựng website, kho tư liệu di sản để giúp học sinh yêu thích lịch sử có cơ hội thỏa sức khám phá, các em nếu không có điều kiện thời gian kinh phí đến tham quan di sản thì có thể tìm hiểu tại nhà.

Đại diện khối trường ngoài công lập, cô Nguyễn Thị Vân Trang, hiệu trưởng Trường liên cấp tiểu học và THCS Ngôi Sao mong muốn các khu di sản có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, học tập ngoại khóa gắn với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, để các em có những hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá, đồng thời định hướng nghề nghiệp sau này cho các em.

Các em nhỏ hào hứng tham quan khu di sản

 Với những nỗ lực Trung tâm và sự chung tay của ngành GDĐT, chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa sẽ góp phần  đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ, giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa  lịch sử của cha ông để lại và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em nhỏ.Thông qua chương trình cũng đã góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, giữa di sản với gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn những di sản quý giá của dân tộc. Thông điệp bảo vệ di sản từ đó tiếp tục được lan tỏa trong cộng đồng và thế hệ tương lai.

Kim Yến

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button