Ra đi hẹn ngày về
Trung đoàn Thủ đô được thành lập ngày 6/01/1947. Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Hà Nội Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, theo lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, đến đêm ngày 17/02/1947 được lệnh rút lui ra ngoài bảo toàn lực lượng để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Anh em trong đơn vị ai cũng nhớ Hà Nội, không muốn rời xa. Rồi những khẩu hiệu viết bằng sơn, phấn, gạch non trên các tường nhà trong ngõ phố “Ra đi hẹn ngày về”.
Bộ đội ta tiến về Thủ đô trong ngày 10/10/1954 (ảnh tư liệu).
Ngày về mong đợi đã đến. Nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội cả năm cửa ô nao nức mong chờ đoàn quân chiến thắng trở về. Trung đoàn Thủ đô(E102) sau chiến dịch Điện Biên Phủ hành quân về Phùng – Sơn Tây để chuẩn bị quân trang, quân dụng và bước vào học tập chính trị 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ khi vào thành phố mới giải phóng. Trong các thôn xã ở huyện Đan Phượng, Phùng, nhà nào nhà ấy tối đến sáng đèn đỏ lửa, quân và dân hội họp ca hát mừng ngày đất nước hòa bình.
5 giờ sáng ngày 10/10/1954 một ngày lịch sử với lời thề năm xưa “ Ra đi hẹn ngày về”. Cả Hà Nội cổng chào, khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng, cờ, hoa nhộn nhịp không khí thiêng liêng như ngày Tết, tưng bừng rạo rực của một ngày hội lớn – Ngày chiến thắng – Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ai cũng mặc quần áo đẹp chỉnh tề, mẹ bế và dắt con tay cầm cờ hoa đủ màu sắc, từng đoàn đứng kín hai bên hè phố, các ngả đường mà bộ đội đi qua.
Tiểu đoàn 54 (Nhân dân thường gọi là Quyết tử 54) do anh Trần Đông dẫn đầu cùng với Trung đoàn Thủ đô đi vào Cầu Giấy, Cửa Nam qua Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, đến đâu cũng là rừng người và cờ hoa vẫy chào…Đơn vị vào tập trung ở sân Cột Cờ trong thành Hoàng Diệu. Các đơn vị xếp hàng thẳng tắp. Cờ Tổ quốc rộng 42m2 đang tung bay trước gió trên đỉnh Cột Cờ cổ kính của Thủ đô 36 phố phường.
Anh Trần Đông – người con Hà Nội, người Tiểu đoàn Trưởng trẻ là Tổng trực ban của Trung đoàn Thủ đô và các đơn vị tham gia tiếp quản. Sau khi chấn chỉnh đội ngũ đã báo cáo với Đại Đoàn trưởng, Đại đoàn 308 Vũ Yên đội hình đã sẵn sàng: Các khối bộ binh, pháo binh, cơ giới, thông tin, công binh đã tập hợp thành những khối hình chữ nhật nghiêm trang đều đặn chuẩn bị làm lễ chào cờ…
15 giờ còi Nhà Hát Lớn kéo vang một hồi còi dài: Như một lời tuyên cáo trịnh trọng, một hiệu lệnh thiêng liêng của lịch sử.
Bài Tiến quân ca hùng tráng vang lên. Tất cả mọi người kính cẩn nhìn lá cờ cao ngất. tiếng nhạc vừa dứt. Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Thiếu tướng Vương Thừa Vũ tuyên bố ra mắt Ủy ban Quân quản Thành phố và đọc lại thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô trong ngày lịch sử trọng đại này. Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm Thiếu tướng đọc: “Tám năm qua chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà. Lòng vui khôn xiết”.
Lắng nghe lời Hồ Chủ Tịch, nhân dân Thủ đô và các chiến sỹ không nén được xúc động ai cũng nước mắt rưng rưng trong phút huy hoàng vinh quang của đất nước, của Thủ đô hơn 900 năm văn hiến.
Sau lễ chào cờ đã biến thành cuộc tuần hành rầm rộ trong thành phố. Trung đoàn Thủ đô về vị trí đóng quân mới. Tiểu đoàn bộ đội 54 ở 34 Trần Phú (trụ ở Tổng cục TDTT hiện nay). Nhân dân vẫn đứng đông hai bến đường hò reo tung hoa, ca hát giơ tay vẫy chào đơn vị về nơi đóng quân mới, với những tiếng hoan hô kéo dài: “Anh Bộ đội Thủ đô đã về! Hoan hô! Hoan hô”.
“… Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Giàn giụa vui lên ướt mắt cười…”
(“Lại về” – Tố Hữu)
Nguyễn Mạnh (nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô)