Tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc thời Trần qua tư liệu lịch sử và khảo cổ học”
Kể từ khi phát hiện khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2002 đến nay, công tác nghiên cứu, đánh giá về kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý – Trần có nhiều thành tựu quan trọng. Những bằng chứng khảo cổ học dưới lòng đất và kết quả nghiên cứu so sánh, kết hợp các nguồn tư liệu lịch sử đã từng bước giải mã những bí ẩn về kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Để tiếp tục làm sáng rõ hơn diện mạo, quy mô, hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý – Trần, ngày 18/10/2019, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện kiến trúc thời Trần qua tư liệu lịch sử và khảo cổ học” nhằm trao đổi các vấn đề học thuật liên quan đến kiến trúc cung điện Việt Nam thời Trần, từ kỹ thuật đến nghệ thuật dựa trên các phát hiện mới về khảo cổ học, sử liệu học và kết quả nghiên cứu so sánh.
Tọa đàm nhằm công bố một số kết quả nghiên cứu mới trong những năm gần đây dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu. Tọa đàm đã nhận được tham luận của các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam. Nội dung tọa đàm tập trung trao đổi học thuật các nội dung chính sau:
– Kết quả nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị về các loại hình vật liệu kiến trúc Việt Nam từ thời Lý – Trần;
– Kết quả nghiên cứu so sánh, nhận diện hình thái kiến trúc và mối quan hệ giữa kiến trúc Việt Nam thời Trần với kiến trúc trong khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc);
– Kết quả nghiên cứu, đánh giá về lịch sử xây dựng các công trình kiến trúc Việt nam thời Trần qua tư liệu lịch sử và khảo cổ học;
– Kiến trúc cung điện, kiến trúc tôn giáo Việt Nam thời Trần nhìn từ góc độ mỹ thuật và tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Bùi Ngọc Quang (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long từ những năm 2002 đã tìm thấy phần còn lại của những tòa nhà kiên cố thể hiện rõ qua dấu tích nền móng các công trình, khẳng định giá trị và tầm quan trọng đặc biệt của khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, còn một khối lượng các loại hình di vật vật liệu kiến trúc được trang trí cầu kì mang tính vương quyền và thần quyền như rồng, phượng, phản ánh trình độ công nghệ và những sắc thái rất riêng của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý – Trần.
PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, Trần không đủ cơ sở dữ liệu khoa học để nhận diện như kiến trúc Cố Cung – Bắc Kinh (Trung Quốc), Changdokung – Seoul (Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản). Đến nay, việc nghiên cứu nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là thiếu cơ sở dữ liệu về phần giữa và phần trên của công trình kiến trúc – là hệ thống khung gỗ và khung giá đỡ bộ mái của các điện, gác, sảnh đường, lầu gác. Bởi tất cả những phát hiện về di tích kiến trúc cung điện thời Lý, Trần ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long chủ yếu chỉ tìm thấy phần dưới cùng những loại hình vật liệu của những công trình đó.
PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh, trong bối cảnh quá nghèo nàn về tư liệu kiến trúc, tư liệu sử liệu và bản vẽ kiến trúc cổ của Việt Nam thì việc nghiên cứu về mô hình kiến trúc, bao gồm cả những di vật khắc, vẽ hình kiến trúc là hướng tiếp cận rất quan trọng. Đây là khối tư liệu cực kỳ quí giá, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về hình thái kiến trúc gỗ Việt Nam thời Lý, Trần. Những kết quả nghiên cứu này là bước khởi đầu cho những tiếp cận mới trong nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam mà đối tượng chủ yếu là kiến trúc Hoàng cung và kiến trúc tôn giáo thời Lý-Trần qua tư liệu khảo cổ và sử liệu.
Thời Lý và thời Trần là thời kỳ tôn sùng đạo Phật, vì thế ngay trong Kinh thành Thăng Long, ngoài hệ thống kiến trúc cung điện, lầu, gác, các vua nhà Lý đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, nổi tiếng như: chùa Ngự Hưng Thiên (năm 1010), chùa Vạn Tuế (năm 1011), chùa Chân Giáo (năm 1024), chùa Diên Hựu (năm 1049)…
Bên ngoài Kinh thành, triều đình cũng cho xây dựng rất nhiều chùa thờ Phật có qui mô lớn, bề thế như chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Ngô Xá (Nam Định), chùa Long Đọi (Hà Nam), tháp Tường Long (Hải Phòng)… Dưới vương triều Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển với nhiều công trình kiến trúc lớn như chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc). Vua Trần Nhân Tông sau khi nhường lại ngôi báu cho con trai đã xuất gia, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo và là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng.
Những phát hiện dưới lòng đất của khảo cổ học cho thấy, có rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô lớn và phong cách giống như kiến trúc Hoàng cung Thăng Long đã được xây dựng tại nhiều châu, lộ ở vùng núi rừng Tây Bắc. Quần thể di tích chùa tháp tại Hắc Y và Bến Lăn hay di tích chùa São, Hang Úc ở huyện Lục Yên và nhiều công trình kiến trúc ở Đồng Gio Ngòi, Làng Minh, Gò Chùa ở huyện Yên Bình thuộc tỉnh Yên Bái là những minh chứng sinh động. Tuy nhiên, tất cả những phát hiện về di tích, kiến trúc, tôn giáo cũng chỉ tìm thấy phần nền móng cùng những loại hình vật liệu của những công trình. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở dữ liệu về phần giữa và phần trên của công trình kiến trúc, đó là hệ thống khung gỗ và khung giá đỡ bộ mái của các điện, gác, sảnh đường, lầu gác.
Bùi Thị Thu Phương