Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát huy giá trị di tích
“Thần tốc – Táo bạo – Bất ngờ – Chắc thắng” là mệnh lệnh, tinh thần từ Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà D67) truyền tới các mặt trận cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam vào mùa xuân năm 1975. Tinh thần đó được khởi nguồn từ chiến thắng giải phóng Phước Long (6/1/1975) và trở thành cao trào trong tháng 3/1975, với những thắng lợi liên tiếp của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trị thiên – Huế, Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp từ ngày 18/12/1974 – 8/1/1975 tại Tổng hành dinh (Nhà D67)
Nhằm giúp du khách tìm hiểu sâu hơn nữa những giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng của di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức thực hiện trưng bày trực tuyến và giới thiệu tour tham ảo 360 độ về di tích Nhà, Hầm D67 trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Trong điều kiện hoạt động tham quan du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19, khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ, linh hoạt thay đổi hình thức trưng bày, phục vụ khách tham quan theo hướng mới, để đưa thông tin tiếp cận tới khách tham quan, kết nối di sản với du khách, tạo cảm hứng cho những kế hoạch du lịch của du khách sau khi dịch bệnh kết thúc.
Từ máy tính hay điện thoại di động của mình, khách tham quan có thể dễ dàng truy cập và tiếp cận thông tin về những dấu ấn lịch sử, những sự kiện diễn ra tại Tổng hành dinh (nhà D67). Nơi đây, những chỉ đạo có tính chất quyết chiến chiến lược, những mệnh lệnh quan trọng của Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương ở những thời khắc quyết định, mang ý nghĩa hiệu triệu được gửi đến toàn quân, toàn dân; động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ trên khắp các mặt trận, xốc tới giải phóng Miền Nam, giành toàn thắng.
Trưng bày giới thiệu hơn 120 tài liệu hình ảnh, hiện vật, với 3 chủ đề nội dung: Thời cơ mới; “Thần tốc – Táo bạo – Bất ngờ – Chắc thắng”; Niềm vui chiến thắng. Trưng bày trực tuyến chính thức chính thức khai trương từ ngày 29/4/2020.
Di tích Cách mạng Nhà D67
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng 2 năm 1975 – 1976. Đặc biệt, tại Tổng Hành dinh chỉ trong khoảng 75 ngày (8/1/1975 – 25/3/1975) Bộ Chính trị đã 3 lần thay đổi quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam, gắn liền với mỗi lần thay đổi là những chiến thắng lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại các mặt trận và những vùng đất mới của miền Nam Việt Nam từng bước được giải phóng.
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam với chủ trương giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Đây là hội nghị đặc biệt quan trọng, chuẩn bị về phương châm tác chiến chiến lược và lực lượng cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Chiến thắng mở màn Phước Long ngày 6/1/1975 đã có ý nghĩa quan trọng về mặt “trinh sát chiến lược”, giúp Bộ Chính trị có những chỉ đạo đúng đắn hướng tiến công tiếp theo của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, với trận mở màn then chốt đánh vào Buôn Mê Thuột.
Sau thất bại tại Tây Nguyên, quân đội Việt Nam Cộng hòa rút khỏi Kon Tum, Plây Cu, rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên lui về giữa Huế, Đà Nẵng và dải đồng bằng ven biển miền Trung. Trước tình hình đó, ngày 18/3/1975 tại Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị họp mở rộng và nhận định tình hình đang chuyển biến rất nhanh, quân đội Việt Nam Cộng hòa suy yếu rõ rệt, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược. Đặc biệt, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Giải phóng miền Nam trong năm 1975”, không chờ đến năm 1976. Hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Trước mắt, Trị – Thiên, Đà Nẵng là hướng chiến lược quan trọng.
Đến ngày 25/3/1975, khi Huế chuẩn bị được giải phóng, quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy về co cụm tại Đà Nẵng, tại Tổng Hành dinh (Nhà D67) Bộ Chính trị nhanh chóng tổ chức Hội nghị mở rộng. Hội nghị nhận định thời cơ chiến lược đã tới, một ngày bằng 20 năm, nắm vững thời cơ, hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm “Giải phóng miền Nam trước mùa mưa” (tháng 5) năm 1975.
Ngày 7/4/1975, tại Tổng hành dinh, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức mật điện số 1574 tới toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức mật điện như lời hiệu triệu, tập trung tinh thần và sức lực của toàn quân dồn sức cho những trận đánh cuối cùng.
Mật điện gửi toàn quân ngày 7/4/1975
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định thành chiến dịch Hồ Chí Minh; Từ ngày 14/4/1975 – 29/4/1975 quân ta giải phóng, làm chủ các đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa lớn.
Chiều ngày 26/4/1975, từ năm hướng (Bắc, Đông, Đông Nam, Tây, Tây Nam), các cánh quân giải phóng đồng loạt nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 11h30’ ngày 30/4/1975 lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân ta.
Di tích Hầm D67
Hỗ trợ tour tham quan 360 độ và trưng bày trực tuyến còn có Ứng dụng phần mềm QR CODE, giúp khách tham quan tìm hiểu thêm những giá trị tiêu biểu của di tích, thông qua một số hiện vật tiêu biểu về các hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng làm việc tại Nhà D67, trong giai đoạn 1967 – 1975.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội còn phối hợp với Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus), Nhà xuất bản Dân trí biên soạn và giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm kỷ niệm đặc biệt: “Cơ quan Tổng hành dinh (D67): Chứng tích thời đại Hồ Chí Minh”. Sách sẽ được phát hành và bán thông qua các Web sách online vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khách tham quan vui lòng truy cập đường link: http://TrungBayOnline.HoangThanhThangLong.vn ; http://trungbay360.hoangthanhthanglong.vn/ để xem trưng bày online và tour tham quan ảo 360 độ tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67.
Kim Yến