Khai mạc triển lãm “Thăng Long- Hà Nội, di sản kết nối và hội tụ” tại Di Hòa Viên (Bắc Kinh)

Thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Bắc Kinh, trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, ngày 17/5/2024, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Triển lãm “Thăng Long Hà Nội, Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh – Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là những hoạt động bên lề nhân chuyến công tác của Lãnh đạo Thành ủy – UBND Thành phố Hà Nội thăm và làm việc tại Thành phố Bắc Kinh (tháng 5/2024) và thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai Thành phố.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hoạt động

Tham dự lễ khai mạc Triển lãm có đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hà Nội thăm và làm việc tại Thành phố Bắc Kinh. Về phía Thành phố Bắc Kinh có đồng chí Từ Hải Vĩnh, Phó chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại Thành ủy và Chính quyền Thành phố Bắc Kinh, đồng chí Trương Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh cùng  đại diện các giáo sư, nhà khoa học đến từ hai nước và cán bộ Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội.

Triển lãm “Thăng Long – Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” giới thiệu gần 100 tài liệu, hình ảnh, gồm hai chủ đề: Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến và Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Triển lãm giới thiệu tới du khách những nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa giá trị văn hóa của mọi miền đất nước. Thủ đô Hà Nội sở hữu nhiều danh hiệu được UNESCO vinh danh như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (Di sản Văn hóa thế giới); 82 bia Tiến sĩ triều Lê – Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Di sản tư liệu thế giới); Hội Gióng (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Nghi lễ và trò chơi kéo co (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Tín ngưỡng thờ Mẫu (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Ca trù (Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp). Một số di tích Quốc gia đặc biệt tiêu biểu của Thủ đô như: Thăng Long Tứ trấn, Khu di tích Cổ Loa…góp phần tạo nên một bức tranh di sản độc đáo cho “Thành phố di sản”. Trong tổng thể bức tranh di sản của Thủ đô Hà Nội, Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là mảng màu rực rỡ nhất, trở thành niềm tự hào to lớn của người dân Thủ đô và cả nước. Năm 2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trên cơ sở các giá trị nổi bật toàn cầu. Trên thế giới rất hiếm gặp được một di sản có thể thể hiện được tính liên tục của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội”. Tại di sản, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hòa quyện, đan xen tạo nên một di sản vừa thâm trầm cổ kính, vừa năng động, thực tế, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu bảo tồn gắn liền với phát huy giá trị. Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai để tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến đất kinh kỳ, thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình và thành phố sáng tạo trong tương lai.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Triển lãm đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội mong muốn: “Triển lãm sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa di sản Hoàng thành Thăng Long và các di sản của Bắc Kinh, giúp công chúng có những hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử – văn hóa của hai thành phố; và bằng những thông điệp, những hiểu biết về văn hóa chúng ta có thể tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện giữa hai nước”.

Khẳng định sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chuyên môn và cán bộ từ hai phía trong thời gian qua, ông Trương Dũng, chủ nhiệm Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh đã nhấn mạnh: “Di sản văn hóa rực rỡ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc bảo vệ di sản văn hóa là lợi ích của hiện tại và tương lai. Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội để bảo vệ và kế thừa di sản văn hóa đúng sứ mệnh của mình; tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa một cách lâu bền, tăng cường trao đổi và hợp tác toàn diện trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời cùng nhau đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển di sản văn hóa thế giới nói chung, cung cấp ngày càng nhiều bữa tiệc văn hóa thú vị cho người dân hai nước Trung Quốc, Việt Nam và bạn bè trên thế giới”.

Các đại biểu tham quan triển lãm

Thăng Long – Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong hơn 1000 năm lịch sử, đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, chứng kiến nhiều biến thiên thăng trầm của đất nước. Ngày nay, Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hà Nội có một quỹ di sản vô cùng phong phú với 5922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 01 di sản Văn hóa Thế giới, 21 di tích Quốc gia đặc biệt, 1160 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Hà Nội cũng lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, nơi hội tụ văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và mọi miền đất nước. Cùng với làng nghề, phố nghề là hàng nghìn lễ hội truyền thống, được bảo tồn gìn giữ và phát huy trong đời sống đương đại, đã tạo nên bản sắc riêng của Hà Nội.

Bắc Kinh là một thành phố nổi tiếng của Trung Quốc, có lịch sử hơn 3000 năm với 870 năm giữ vai trò Thủ đô của đất nước. Đây là một trong những thành phố đầu tiên được ghi danh thành phố lịch sử (danh mục bảo tồn cấp quốc gia) với 2 giá trị tiêu biểu: là một trong bốn Thủ đô cổ xưa của Trung Quốc và là thành phố có số lượng di sản văn hóa thế giới lớn nhất thế giới bao gồm 7 di sản thế giới và 135 di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Tại Bắc Kinh, số lượng di sản văn hóa phong phú luôn được coi là tấm danh thiếp vàng của thành phố, đây cũng là trách nhiệm kế thừa và bảo tồn của lớp lớp người dân của Thủ đô Bắc Kinh nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung.

Năm 1994, Thành phố Hà Nội và Thành phố Bắc Kinh chính thức thiết lập quan hệ hợp tác. Từ đó đến nay, mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi giữa hai Thành phố không ngừng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước. Cùng chung đặc điểm là hai Thành phố có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, việc hợp tác trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản đã góp phần đẩy mạnh công cuộc quảng bá và bảo vệ di sản của hai bên một cách tốt nhất.

Triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan trong vòng một tháng tại Cung điện Mùa hè (Di Hòa Viên).

 Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng phối hợp với Trung tâm quản lý Công viên Bắc Kinh tổ chức Tọa đàm “Bắc Kinh – Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản”. Tọa đàm là diễn đàn để các nhà khoa học và cán bộ chuyên môn hai đơn vị trao đổi các vấn đề bảo vệ, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa ở hai thành phố Hà Nội và Bắc Kinh. Tại Tọa đàm, các nhà khoa học hai bên đã trình bày tổng quan về công tác bảo vệ phát huy giá trị hai khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Di Hòa Viên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý bảo tồn, phục dựng các cung điện và phát huy các giá trị nhiều mặt của các di sản ở Bắc Kinh và Hà Nội; Tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button