Trưng bày: “Cổ Loa – Dấu ấn lịch sử và văn hóa”
Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), sáng 8/10 Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa khai mạc trưng bày “Cổ Loa – Dấu ấn lịch sử và văn hóa”.
Tham dự buổi lễ khai mạc có Đại diện Sở du lịch, các nhà khoa học, đại diện các Khu di sản, Lãnh đạo UBND Huyện Đông Anh, lãnh đạo UBND Xã Cổ Loa, Ban giám đốc và cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long –Hà Nội, toàn thể lãnh đạo và cán bộ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa cùng đông đảo quần chúng nhân dân và các em học sinh các trường Tiểu học trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn xã Cổ Loa và huyện Đông Anh.
Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quý giá của thủ đô và dân tộc, đã nhiều lần được chọn làm kinh đô của nước Việt (thời kỳ An Dương Vương thế kỷ III trước Công nguyên, thời Hậu Lý Nam Đế thế kỷ VI và thời kỳ Ngô Quyền thế kỷ X). Khoảng hơn 2000 năm về trước, mảnh đất Cổ Loa đã được những người anh hùng vừa chiến thắng hàng chục vạn quân xâm lược Tần hung bạo chọn làm đất dựng đô, mở cơ đồ Âu Lạc, thúc đẩy nền văn hóa Đông Sơn, nền văn minh lúa nước phát triển lên tới đỉnh cao. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học qua nhiều thời kỳ trong lòng đất đã khẳng định rằng: Cổ Loa là một trong những di tích hiếm hoi, chứng kiến quá trình phát sinh, phát triển của nền “văn minh sông Hồng”.
Thành Cổ Loa với ba chức năng Kinh thành, Quân thành và Thị thành, đồng thời là kết tinh, hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cả mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trưng bày “Cổ Loa – Dấu ấn lịch sử và văn hóa” đã được Ban Tổ chức chắt lọc các tư liệu, hình ảnh từ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, các sưu tập ảnh tư nhân… nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế về các dấu ấn lịch sử và văn hóa của Khu di tích Cổ Loa.
Trưng bày giới thiệu 100 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề:
Chủ đề 1: Miền đất của người Việt cổ
Giới thiệu các dấu vết vật chất hiện còn ở Cổ Loa minh chứng cho một tiến trình phát triển lâu dài, liên tục qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ: Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – đến đỉnh cao Đông Sơn với sự hình thành nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III – II TCN). Lớp cư dân đầu tiên định cư ở Cổ Loa đã mở rộng địa bàn, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, thủ công nghiệp và hoàn thiện kỹ thuật luyện kim, tạo bước ngoặt phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ đề 2: Cổ Loa – Kinh thành, Quân thành, Thị thành
Giới thiệu những chức năng nổi bật của Cổ Loa thời kỳ nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.
– Cổ Loa là kinh đô, trong đó thành Nội là nơi ở của vua và hoàng gia; thành Trung là các quan văn võ, quân đội ở; thành Ngoại dân chúng ở. Các vật liệu kiến trúc phát hiện được trong khu vực thành Nội cho phép hình dung các quy mô kiến trúc lớn dạng cung điện, lầu gác của triều đình đã được xây dựng.
– Cổ Loa là quân thành với ba vòng thành được đắp bằng đất kiên cố, hình xoáy trôn ốc, rộng phía Bắc hẹp phía Nam, thành cao, hào sâu và bố trí dày đặc các ụ hỏa hồi, dãy lũy, tạo thành một căn cứ quân sự đặc biệt kết hợp giữa bộ binh và thủy binh. Cùng với quân đội vững mạnh được trang bị vũ khí tốt bằng đồng như: mũi tên đồng ba cạnh, lao, giáo, rìu… đặc biệt “nỏ thần” đã tạo nên sự phòng thủ vững chắc, bảo vệ nhà nước Âu Lạc.
– Cổ Loa là thị thành với trung tâm kinh tế có nghề luyện kim cùng nền nông nghiệp phát triển, đã dùng lưỡi cày đồng, trâu bò làm sức kéo, cho năng suất cao. Cùng với hệ thống mạng lưới sông ngòi dày đặc là tuyến đường giao thông, giao thương phồn thịnh giữa cư dân Cổ Loa với các vùng khác.
Chủ đề 3: Không gian văn hóa đặc sắc
Giới thiệu Cổ Loa là khu vực cư trú truyền thống của người Việt cổ, cùng các thế hệ người Việt trải qua hàng nghìn năm, vẫn bảo tồn và gìn giữ được cảnh quan, hình thái của làng Việt truyền thống, cùng các sinh hoạt văn hóa, truyền thuyết dân gian, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, hội hè, ẩm thực… hòa quyện lại, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của Cổ Loa.
Trưng bày mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 08/10/2024, tại Nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa, thôn Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Ban Biên tập