Tổng đốc Hoàng Diệu: Một tấm gương lẫm liệt kiên trung
Mỗi lần đi ngang qua con phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây, tôi lại ngước nhìn lên cổng thành Bắc Môn sừng sững, lòng bồi hồi xúc cảm tưởng nhớ những người anh hùng nghĩa liệt đã hy sinh khi thành Hà Nội rơi vào tay quân Pháp. Hơn một trăm năm qua, Bắc Môn – cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn đã chứng kiến bao đổi thay, biến chuyển, vẫn trầm mặc đứng đó, minh chứng cho tấm lòng tiết liệt của những người con đất Việt.
Bắc Môn – cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 134 của Tổng đốc Hoàng Diệu, vị tổng đốc kiên trung, bất khuất, một tấm gương “lẫm liệt soi mình với sông núi Thăng Long”. Người con của làng Xuân Đài, Diên Phước, Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đã hy sinh vì chữ Trung tại mảnh đất Thăng Long – Hà Nội này. Trời tháng Tư, đường Phan Đình Phùng xanh ngắt một màu lá sấu non, trong dòng người tấp nập ngược xuôi kia hẳn cũng có rất nhiều người muốn thắp cho cụ một nén nhang, tri ân người con đất Quảng Nam anh hùng.
Tổng đốc Hoàng Diệu
Thành Cửa Bắc hôm nay, vẫn còn đó vết đại bác lõm sâu, khắc vào lòng một nỗi đau bi tráng. Sáng ngày 25/4/1882 (8/3 năm Nhâm Ngọ), quân Pháp dùng pháo thuyền và hơn 400 quân uy hiếp, tấn công thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu đã chỉ huy quân lính chiến đấu rất dũng cảm ở Cửa Bắc. Trong thành có kể nội gián đốt kho súng gây hỗn loạn, thành Hà Nội thất thủ. Cụ Hoàng Diệu một mình đi về phía Hành cung, soạn một biểu tạ tội với triều đình, rồi đi về phía Võ Miếu, dùng dây bịt đầu tuẫn tiết hy sinh để tỏ rõ tấm lòng trung nghĩa “…Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì tình thế bắt buộc, đất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sỹ Bắc Hà, lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất…”.
Hai lần Pháp tấn công thành Hà Nội, quan khâm sai Nguyễn Tri Phương và quan tổng đốc Hoàng Diệu phải bỏ mình, lưu truyền mãi tiếng thơm kiên trung bất khuất. Hào hùng mà bi thương lắm.
“Trời cao bể rộng đất dày
Núi Nùng, sông Nhị chốn này làm ghi”.
Con đường được đặt tên vị Tổng đốc Hoàng Diệu
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội