Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) một kiến trúc Đạo Giáo quan trọng của vương triều Nguyễn (Thế kỷ XIX – XX) trong khu di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội

Bài viết sẽ được chia làm 2 phần: phần 1 nói về Lầu Tĩnh Bắc một kiến trúc Đạo Giáo quan trọng của vương triều Nguyễn trong khu di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội; phần 2: Nét đặc sắc về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của di tích Lầu Tĩnh Bắc.

Ths Đỗ Đức Tuệ

Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) được vua Minh Mạng dựng vào tháng 10 năm 1821 trong Hành cung nội điện của thành Hà Nội (nay khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội). Kiến trúc xây hoàn toàn bằng gạch với cấu trúc 3 gian, 3 tầng và 3 nóc mái theo nguyên tắc đối xứng hướng tâm, cùng hệ thống trang trí mỹ thuật vô cùng đặc sắc, tầng 2 đặt tượng Tam Tôn để cầu phúc cho nhân dân. Trải hơn 2 thế kỷ, kiến trúc có quá trình biến đổi rất phức tạp nhưng vẫn bảo lưu được căn bản di tích gốc. Trong quá trình biến đổi đó, xuất hiện tên gọi Hậu Lâu hay Chùa các bà (Pagode de Dames) khi quân đội Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1882. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày lịch sử xây dựng, quá trình biến đổi, chức năng ý nghĩa và vấn đề niên đại của Lầu Tĩnh Bắc để minh chứng đây là một kiến trúc gốc liên quan đến Đạo Giáo, có vai trò vô cùng quan trọng đối với vương triều Nguyễn ở hành cung Bắc Thành (Hà Nội) vào thế kỷ XIX.

Nhân đây, tôi cũng xin được tỏ lòng biết ơn đối với PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) đã gợi ý, chỉ bảo nhiều ý kiến sắc bén khi tái nghiên cứu di tích và bạn Lại Quý Dương (GV THPT Bắc Đông Quan – Thái Bình) đã dành nhiều tình cảm cho di sản thông qua việc góp ý, cung cấp dẫn chứng lịch sử về Lầu Tĩnh Bắc để bài viết trở lên hoàn thiện hơn.

1. Lầu Tĩnh Bắc ước vọng trường tồn của các hoàng đế triều Nguyễn

Sau khi sáng lập vương triều Nguyễn, vua Gia Long lấy Huế làm kinh đô. Năm 1803, ông cho triệt hạ thành Thăng Long của nhà Lê để xây một tòa thành mới theo kiểu pháo đài Vauban, đặt tên là Thăng Long (升龍) với nghĩa thịnh vượng (xem ảnh 1). Trong thành dựng Kỳ Đài và Hành cung, lấy đây làm lị sở của Tổng trấn Bắc Thành (cai quản 11 trấn), giữ vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, địa điểm duy nhất tổ chức đại lễ bang giao với nhà Thanh (Trung Quốc) trong 46 năm đầu triều Nguyễn (1802 – 1848). Năm 1820, hoàng đế Minh Mạng cho dựng lại Hành cung Bắc Thành, tháng 10 năm 1821 khi đang ngự giá ở thành Thăng Long, vua đã cho xây lầu Tĩnh Bắc. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép “vua sai xây dựng ở phía bắc hậu điện hành cung Bắc thành một cái lầu cao gọi là lầu Tĩnh Bắc (靖北楼), đều dùng gạch ngói làm cả. Trên chia ba nóc, giữa đặt cùng mái liền tường, mỗi tầng có thang bậc vòng quanh mà lên. Cửa sổ, bao lơn, long lanh, thông suốt bốn phương tám hướng. Tầng trên thờ tượng Tam Tôn (三尊像) để cầu phúc cho dân. Phía dưới lầu thì trồng vải và các cây quý khác”[1] (xem ảnh 2). Tên gọi Tĩnh Bắc được ghép 2 từ; “Tĩnh-靖” là an yên còn “Bắc-北” là Bắc Thành với mong ước Bắc Thành an yên, tứ phương vô sự.

Ảnh 1: Tổng thể thành Hà Nội và khu hành cung Bắc Thành, niên đại Tự Đức năm 36 (1883), lầu Tĩnh Bắc được vẽ phía sau điện Long Thiên (nguồn EFEO, 2010)

Đến thời hoàng đế Thiệu Trị, trong chuyến Bắc tuần tổ chức đại Lễ bang giao với nhà Thanh tại điện Kính Thiên từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1842, vua sai hoàng tử Hồng Hưu tổ chức lễ tế Hán Thọ đình hầu Quan Thánh đế quân tại Lầu Tĩnh Bắc (2/1841) [2], cùng thời gian này, khi luận bàn với đại thần Trương Đăng Quế về thắng cảnh Hồ Tây, vua đã hết lời ngợi ca vẻ đẹp của kiến trúc “Lầu Tĩnh Bắc dựng lên cao chót vót giữa khoảng trời đất, thực là cổ lai ít thấy” [3]. Dù ngự giá đã về Huế từ tháng 4 nhưng đến tháng 10 năm 1842, vua tiếp tục lệnh cho quần thần nghị bàn lựa chọn các bài thơ ngự chế khi đi Bắc tuần, giao cho các địa phương khắc lại lưu truyền mãi mãi vẻ đẹp non sông gấm vóc. Trong 173 bài thơ có 18 bài được khắc lên đá, còn 3 bài “chùa Hoằng Phúc” ở Quảng Bình; “Lầu Tĩnh Bắc” và “Quán Chân Vũ” ở Hà Nội thì khắc vào hoành biển treo trước cửa di tích [4]. Các sự kiện kể trên cho thấy tên gọi Tĩnh Bắc Lâu được vua Minh Mạng ân ban không hề thay đổi mà còn được vua Thiệu Trị đề cao coi đây là kiến trúc xưa nay hiếm có, rạng rỡ cơ nghiệp 200 năm[5]. Dựa vào kiến trúc và các nghi thức thờ tự, tế lễ cho thấy Lầu Tĩnh Bắc là một Đạo quán điển hình, có vai trò quan trọng bậc nhất để vua cầu phúc cho nhân dân Bắc Kỳ, thể hiện ước vọng Thiên hạ thái bình, Quốc gia trường tồn của các hoàng đế triều Nguyễn.

Ảnh 2: Văn bản ghi về xây dựng Tĩnh Bắc Lâu năm Minh Mạng thứ 2 (1821), Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 11, tờ 1585(167). Nguồn: The Oriental Institute Keio University

2. Tĩnh Bắc Lâu – Hậu Lâu một lịch sử thăng trầm

Hậu Lâu là tên gọi khác của Lầu Tĩnh Bắc, nhiều khả năng được ra đời trong bối cảnh hành cung Hà Nội đang từng bước đi xuống. Bắt đầu bằng sự kiện diễn ra vào tháng 5 niên hiệu Tự Đức tam niên (1849) khi đại lễ bang giao với nhà Thanh chính thức được tổ chức tại kinh đô Huế. Sự thay đổi có tính bước ngoặt này dẫn đến hoạt động xây dựng của hành cung Bắc Thành hoàn toàn bị ngưng trệ, nhiều kiến trúc đã bị tháo dỡ giao cho các tỉnh Sơn Tây, Nam Định hoặc chuyển về Huế. Khu vực Hành cung trước đây được quy hoạch giống như một Đại Nội thu nhỏ giờ chỉ còn lại Chính điện Long Thiên và Lầu Tĩnh Bắc. Hà Nội và Hành cung Hà Nội trở về đúng vị trí của một tỉnh thành. Các bức ảnh của Gsell, Émile chụp khu trung tâm điện Long Thiên từ cổng

Ảnh 3: Trích đoạn bên trong thành Hà Nội từ điện Long Thiên đến Lầu Tĩnh Bắc, nhìn toàn cảnh từ cửa Đông, Gsell, Émile, 1873 (Nguồn: Citadelle de Hanoi, EFEO, 2010)

Đông thành Hà Nội vào năm 1873 [6] cho thấy sau điện Long Thiên là một khu đất trống rộng lớn chạy đến chân Lầu Tĩnh Bắc (xem ảnh 3). Do không còn duy trì khu Hành cung Nội điện nên lầu Tĩnh Bắc cũng dần mất đi vị thế và xuất hiện tên Hậu Lâu, tên gọi này chỉ có ý nghĩa để vị trí phương vị (lầu phía sau Hậu điện của hành cung). Chúng tôi hiện chưa có tài liệu chắc chắn về thời điểm ra đời tên Hậu Lâu, theo GS Hoàng Xuân Hãn viết trong Các Văn cổ về Hà Thành thất thủ và Hoàng Diệu thì vào ngày 25/4/1882, khi quân Pháp công thành … kho thuốc súng bốc hỏa (chỗ này cụ cử Tốn lại nói thêm rằng Hoàng Diệu đã dấu thuốc súng ở kho Hậu Lâu …)[7]. Sau cuộc tấn công đó, quân Pháp đã chiếm được thành Hà Nội, họ bắt đầu có hoạt động can thiệp cưỡng bức nhằm xóa bỏ các yếu tố truyền thống của khu vực thành cổ Hà Nội, rất nhiều kiến trúc cổ bao gồm cả điện Long Thiên đã bị phá bỏ, thay thế bằng các tòa nhà Pháp biểu trưng sức mạnh của chế độ thực dân. Đương nhiên, lầu Tĩnh Bắc cũng không nằm ngoài sự can thiệp đó, chỉ là vấn đề họ đã can thiệp đến mức nào, xóa bỏ hay làm biến đổi kiến trúc?. Một vài bức ảnh chụp Hậu Lâu vào khoảng năm 1885 – 1887 cho thấy lầu Tĩnh Bắc đã trở thành một trạm phòng thủ của lính Pháp, họ dùng những tấm gỗ để bịt lại các cửa ở tầng 1 và tầng 2, đỉnh nóc giữa đặt một cột thu phát sóng tín hiệu (xem ảnh 4), sau dùng vôi vữa bịt kín cửa sổ chỉ mở lỗ châu mai nhỏ, trên ảnh còn dòng chú thích ghi HaNoi pagode de Hao Loa (Pagode des Dames) chùa Hậu Lâu (chùa các bà) (xem ảnh 5). Tôi cho rằng đây cũng là thời điểm hệ thống thờ tự trên Lầu Tĩnh Bắc bị quân Pháp xóa bỏ. Rất tiếc thời điểm này, đã không có nhiều bức ảnh chụp riêng kiến trúc Hậu Lâu để thấy được sự biến đổi bên trong của kiến trúc. Khoảng những năm 1894 – 1900, là khoảng thời gian thành Hà Nội và khu trung tâm bị tàn phá nặng nề nhất cũng là thời gian mật độ xây mới dày đặc nhất. Đây cũng là thời gian kiến trúc Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) đã có sự thay đổi đáng kể về hình dáng, chức năng để trở thành một vị trí đồn trú lâu dài cho quân đội Pháp. Trên bản đồ phân khu quân sự vào năm 1905, khu vực từ nền điện Long Thiên đến Hậu Lâu được ký hiệu E – Direction d’Artillerie là sở chỉ huy Pháo binh và xuất hiện 3 kiến trúc trại lính, hai sườn Hậu Lâu có 2 kiến trúc nhỏ [8].

Ảnh 4: Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) được chụp năm 1885, cửa đi và cửa sổ được bịt tạm bằng các tấm ván gỗ (Nguồn internet: manhhai, flickr, 2019).

Ảnh 5: Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) được chụp vào năm 1885 – 1886, cửa sổ bị xây bịt lại và mở lỗ châu mai (Nguồn: manhhai, flickr, 2020)

Sau khi tiếp quản Thủ đô tháng 10 năm 1954, Thành cổ Hà Nội là nơi đóng quân của Bộ Tổng tư lệnh[9], kiến trúc Hậu Lâu được giữ lại nguyên vẹn từ khi tiếp nhận chuyển giao của quân đội Pháp. Đến năm 1998 – 1999, thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động nghiên cứu lịch sử văn hóa hưởng ứng kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một số nghiên cứu thực địa về lịch sử, kiến trúc, khảo cổ học trong khu trung tâm thành cổ Hà Nội mới được tiến hành nhưng qui mô cũng rất chừng mực. Kết quả khai quật khảo cổ học tại khu vực Hậu Lâu đã phát hiện bến nước, giếng nước và rất nhiều đồ gốm ngự dụng thời Lê sơ minh chứng cho khu vực này là nơi ở sinh hoạt của hoàng gia thời Lê[10].

Ảnh 6: Tòa lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) trước khi được trùng tu, ảnh chụp năm 1999 -2000 (Nguồn: Hồ sơ đề cử di sản thế giới, 2010)

Ảnh 7: Chi tiết một phần hậu cung phía sau Hậu Lâu (Nguồn: Trần Thanh Nhân, Hà Nội-xưa và nay, 2009)

Riêng kiến trúc Hậu Lâu, hiện trạng lúc này là một tòa nhà 3 tầng kèm hậu cung cao 2 tầng áp sát vào mặt sau, kiến trúc được sơn màu đỏ sắc tím nhưng đã nhạt màu theo thời gian, tầng 1 mở lối đi chính giữa, bên trong là 1 phòng lớn có 4 cột chống đỡ, trong đó có 2 cột thép tròn in nổi dòng chữ “Baudet-Donon & Cie à Paris”, phía sau 2 cột thép là cửa chính đi thẳng vào gian hậu cung, một hành lang nhỏ dẫn sang 2 phòng hồi, tại đây có cầu thang nhỏ cổ bậc rất cao dẫn lên tầng thứ 2, tường xây dày 67cm, lớp áo trát còn khá chắc, các cửa đi và cửa sổ đều nắp cánh cửa gỗ kiểu pano – song chớp sơn xanh, mái lầu và hậu cung uốn cong mang phong cách truyền thống nhưng lại xuất hiện ống khói của lò sưởi kiểu nhà Pháp ở mái lầu hồi Tây (Xem ảnh 6-7). Các nhà khảo sát cho biết, ấn tượng ban đầu về kỹ thuật, và một số thành phần kiến trúc có tính tương đồng với các kiến trúc Pháp khác đang hiện hữu ở khu vực này. Năm 2002, Sở văn hóa Thể thao Hà Nội tiến hành trùng tu di tích, phá bỏ gian hậu cung, bịt lại cửa chính giữa, cửa sổ ở tường hồi, tháo dỡ các cánh cửa gỗ trả lại cho di tích hình dáng như hiện nay. Như vậy, Hậu Lâu là tên gọi khác của Tĩnh Bắc Lâu xuất hiện trong một số tài liệu và hình ảnh cuối thế kỷ XIX. Hậu Lâu không chỉ phản ánh bước suy yếu của Hành cung Hà Nội mà còn gắn với quá trình biến đổi, can thiệp của quân đội Pháp vào kiến trúc. Hiện nay, một số thành phần đó vẫn đang hiện hữu cùng di tích.

3. Chức năng và ý nghĩa lịch sử của lầu Tĩnh Bắc

Ảnh 8: TamThanh tượng tại Hưng Thánh quán (chùa Mui), Thường Tín, Hà Nội (nguồn: Internet, bachviet18)

 Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: tầng 2 của lầu Tĩnh Bắc phụng thờ tượng Tam tôn (三尊像) để vua cầu phúc cho nhân dân Bắc Kỳ. Trước hết, cần làm rõ thuật ngữ Tam Tôn, Tam Tôn là từ để chỉ các vị thần phật tối cao trong Đạo giáo hoặc Phật giáo. Khi di tích không còn tượng thờ, việc xác định tên các vị thần này hoàn toàn căn cứ vào đặc điểm kiến trúc [11] và các trang trí biểu trưng gắn trên di tích. Ở đây, Tĩnh Bắc Lâu là kiến trúc lầu vươn cao lên không trung chủ ý tôn thờ các vì sao trên trời. Hơn thế, các biểu trưng trang trí mỹ thuật đều mang đặc trưng của Đạo Giáo và Đạo Nho. Do vậy, có thể đoán định Tam Tôn được phụng thờ tại trung tâm tầng 2 của lầu Tĩnh Bắc là 3 vị thần tối cao của Đạo Giáo gồm: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn (玉淸元始天尊), Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn (上淸靈寶天尊主) và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn (太淸道德天尊) (xem ảnh 8). Đây là các vị thần vốn đã được thờ phụng rất phổ biến từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc để cầu phúc, cầu trường thọ cho đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, vào thời Thiệu Trị chính sử lại chép rõ ràng hơn: tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), khi nghị bàn với đại thần Trương Đăng Quế tại Hành cung Hà Nội, vua không chỉ hết lời ngợi ca vẻ đẹp của kiến trúc mà còn chú giải thêm Lầu này dựng vào năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), dùng gạch ngói xây đắp. Trên chia làm ngăn lầu riêng, lầu giữa thờ Huyền Thiên Chân Vũ đại đế, lầu bên tả thờ Phật Già Lam, lầu bên hữu thờ Ngô Đạo tử. Lấy nghĩa rằng tế độ cho xứ Bắc Kỳ, nhân thế đặt là lầu Tĩnh Bắc[12].

Huyền Thiên Chân Vũ: còn gọi là Thần Huyền Vũ, Huyền Thiên Thượng Đế. Theo sách Thái Thượng thuyết Huyền Thiên Đại Thánh Chân Vũ Bản truyện Thần chú diệu kinh viết rằng: Chân Vũ Đại đế là hóa thân thứ 82 của Thái Thượng Lão Quân Thác sinh tại Đại La Cảnh Thượng Vô Dục Thiên Cung, khi trưởng thành, liền rời khỏi nhà, từ biệt cha mẹ rồi lên núi Vũ Đương tu đạo. Trải qua 42 năm thì công thành quả viên mãn, liền bay về Trời giữa giữa ban ngày. Ngọc Hoàng xuống chiếu chỉ, phong cho làm Thái Huyền, trấn tại phương bắc, gọi là Huyền Vũ, nguyên là tên gọi chung của bảy chùm sao ở phương bắc trong Nhị thập bát tú. Thần Chân Vũ được người Việt Nam gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ, là một vị Thần lớn trong Đạo giáo cai trị phương bắc và các loài thủy tộc nên cũng được gọi là Thủy Thần hoặc Hải Thần [13]. Tại kinh đô Thăng Long, đền Trấn Vũ ở mặt bắc, được nhân dân phụng kính, suy tôn là 1 trong tứ trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có các đền thờ ngài như: Huyền Thiên Cổ Quán (chùa Huyền Thiên) ở phố Hàng Khoai; Huyền Thiên Đại Quán (đền Sái), ở Thụy Lôi, Đông Anh; Đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn, Long Biên và Đền Đồng Thiên (chùa Kim Cổ) tại phố Đường Thành.

Phật Già Lam: Phật Già lam được thờ ở lầu bên tả của Tĩnh Bắc Lâu nhiều khả năng là Quan Vũ chư thần là Hộ pháp bảo hộ Già lam.Trong cuốn Phật Tổ Thống Ký cho biết: Tướng Quan Vũ (Quang Công) thời Tam quốc sau khi chết thành thần đã xin thọ quy y ngũ giới, trở thành vị thần hộ pháp Phật giáo [14]. Một chi tiết quan trọng để khẳng định Phật Già lam chính là Quan Vũ (Quan Công) đó là vào tháng 2 năm 1842 vua Thiệu Trị đã sai hoàng tử Hồng Hưu tổ chức lễ tế Hán Thọ đình hầu Quan Thánh đế quân (2/1841) [15]. Hán Thọ đình hầu chính là tước hiệu của Quan Vũ biểu tượng của trung hiếu và nhân nghĩa. Trong lịch sử tôn giáo Trung Quốc, Quan Vũ là một hiện tượng rất đặc biệt từ phàm nhân hóa thánh nhưng lại có vị thế rất cao trở thành “Đệ nhất Thần minh” được cả tam giáo thờ phụng. Nho giáo lấy việc “Trung nghĩa hiếu hữu” của đạo cương thường mà sùng bái, Phật giáo lấy việc “Hiển linh kiến tự”  mà kết duyên, còn Đạo giáo là “Giáng thần tĩnh yêu” mà cầu giải. Tín ngưỡng thờ Quan Vũ không chỉ có tầm ảnh hưởng to lớn ở Trung Quốc mà theo chân Hoa Kiều lan rộng ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam [16].

Ngô Đạo tử: là một họa sư Trung Hoa cổ đại thời Đường (khoảng năm 685–758), ông xuất thân là thợ thủ công bình thường, nhưng bằng tài thi họa xuất chúng nên được mệnh danh là “họa thánh”. Ở lĩnh vực hội họa tôn giáo Ngô Đạo Tử đã để lại hàng trăm bức bích họa cho các tu viện Phật giáo và Đạo giáo [17]. Việc phụng thờ Ngô Đạo Tử ở lầu bên hữu của Tĩnh Bắc Lâu là một vấn đề rất thú vị cần được làm sâu sắc hơn nữa.

Như vậy, có thể khẳng định Lầu Tĩnh Bắc là một kiến trúc Đạo giáo, nơi hoàng tộc triều Nguyễn tổ chức tế lễ để cầu phúc cho nhân dân Bắc Kỳ với mong ước Bắc Thành an yên, tứ phương vô sự. Kiến trúc cũng là biểu trưng cho ước vọng “Thiên hạ thái bình Quốc gia trường thịnh” [18] của nhà Nguyễn. Duy chỉ có một băn khoăn, khi xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) chính sử có ghi tầng trên thờ tượng Tam Tôn, căn cứ vào di tích chúng tôi xác định Tam Tôn chính là 3 vị thần tối cao của Đạo Giáo: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn, Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Hơn nữa, bố cục nội thất và các biểu tượng Đạo Giáo tại gian trung tâm tầng 2 rất phù hợp với một không gian thờ cúng linh thiêng và 3 vị Thần này luôn được thờ chung trên 1 ban/bệ thờ. Tuy nhiên, sự kiện tháng 2 năm 1842 lại mô tả rất rõ ràng: tầng 2 có 3 lầu khác nhau gian giữa thờ Huyền Thiên Chân Vũ, lầu bên tả thờ Phật Già Lam, lầu bên hữu thờ Ngô Đạo tử. Chúng tôi rất băn khoăn không biết Tam tôn dưới thời Minh Mạng có phải là 3 vị thánh Huyền Thiên Chân Vũ, Phật Già Lam (Quan Công), Ngô Đạo tử được phụng thờ dưới thời vua Thiệu Trị hay không?. Phải chăng nên đặt ra một giả thiết nữa đối tượng được phụng thờ tại Lầu Tĩnh Bắc cũng có những biến đổi theo thời gian?.

4. Sự biến đổi của kiến trúc Lầu Tĩnh Bắc và vấn đề niên đại di tích

Sự biến đổi của Lầu Tĩnh Bắc chủ yếu diễn ra dưới thời thuộc Pháp. Đó là quá trình can thiệp vô cùng phức tạp khó lường ở nhiều thời điểm khác nhau. Đặc điểm này cùng với khó khăn trong việc tiếp cận nghiên cứu trực tiếp di tích (khu vực do quân đội quản lí) dẫn đến nhận thức về di tích Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) gặp không ít khó khăn. Vì thế, khi nghiên cứu về khu thành cổ, nhà Hà Nội học Nguyễn Văn Uẩn đã có nhận định “sau điện Kính Thiên, đền Hậu Lâu cũng không còn, chỗ đó là một dãy nhà trại lính một tầng” [19], một học giả người Pháp Olivier Tessier cũng cho rằng “năm 1873, Hậu Lâu (được xây năm 1821) đang trong tình trạng đổ nát” [20]. Viện dẫn những ý kiến khoa học ở trên và còn nhiều ý kiến nữa tán thành quan điểm đó để thấy rằng nghiên cứu làm sáng tỏ giá trị lịch sử và kiến trúc Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) là điều không đơn giản. Tuy nhiên, trong năm 2024, di tích Tĩnh Bắc Lâu đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức nghiên cứu một cách toàn diện ở nhiều khía cạnh lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc đặc biệt làm rõ các giai đoạn biến đổi làm căn cứ đánh giá  niên đại di tích.

Ảnh 9: Mô phỏng những thay đổi thành phần kiến trúc bên trong Lầu Tĩnh Bắc của quân đội Pháp. Phần tô màu xanh là do quân đội Pháp tu sửa. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Ảnh 10: bên chi tiết cột sắt tròn in nổi chữ “Baudet-Donon & Cie à Paris”. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Để xác định niên đại di tích Hậu Lâu cần phải bóc tách các thành phần muộn theo từng lớp thời gian. Trước tiên, chúng tôi căn cứ vào các hình ảnh do người Pháp chụp sắp xếp chúng theo trật tự thời gian để nhận ra sự biến đổi của Lầu Tĩnh Bắc. Trên hiện trang di tích, tiến hành đánh giá các vị trí trùng tu năm 2002 và thời kỳ Pháp can thiệp, ở khía cạnh này, chúng tôi có bước đột phá khi xem xét kỹ lưỡng hơn về 2 cột sắt có in nổi dòng chữ Baudet-Donon & Cie à Paris” đặt chúng trong mối quan hệ với thành phần diềm cửa võng xây bằng gạch. Vì 2 cột sắt được thay thế để vừa chịu lực cho tầng lầu phía trên nhưng cũng trực tiếp gánh đỡ diềm võng cửa, diềm cửa mang phong cách truyền thống của Việt Nam với chức năng như một thành phần trang trí ở trước cửa hậu cung (xem ảnh 9 – 10). Do vậy, cột sắt được xem là yếu tố then chốt để xác định đợt tu sửa lớn nhất của quân đội Pháp, theo tác giả Jean Lambert-Dansette trong cuốn Doanh nghiệp và doanh nhân Pháp xuất bản vào năm 2009 [21] cho biết: công ty Baudet-Donon & Cie có trụ sở ở Paris, thành lập năm 1878, đến năm 1921 hợp nhất với công ty Roussel nên đổi tên thành Baudet-Donon-Roussel, là công ty lớn chuyên về thép xây dựng, xe lửa và khai thác khoáng sản, Baudet-Donon & Cie cũng là 1 trong 6 công ty tham gia đấu thầu xây dựng cầu Long Biên Hà Nội nhưng không trúng thầu [22].  Đến đây, niên đại tu sửa Hậu Lâu của quân đội Pháp đã có căn cứ, không muộn hơn năm 1921 vì đây là năm cuối cùng của của dòng nhận diện ghi trên sản phẩm thép của công ty Baudet-Donon. Trên một tấm không ảnh chụp khu thành cổ Hà Nội khoảng năm 1926 -1930 xác nhận Tĩnh Bắc Lâu đã được sửa chữa thay đổi (xem ảnh 11).

Ảnh 11: Lầu Tĩnh Bắc (khoanh tròn) trong không ảnh chụp khu thành cổ năm 1926 – 1930, cửa
giữa được mở và gian hậu cung được xây thêm (Nguồn internet: manhhai, flickr, 2022)

Ảnh 12:  Một Họa đồ thành Hà Nội do L. BEZACIER lập năm 1942. Nguồn: Trung tâm lưu trữ Quốc gia I

Một tư liệu quan trọng khác là họa đồ thành Hà Nội do L. BEZACIER lập năm 1942, có chỉ dẫn đường phố, các công trình chính mới và các kiến trúc cổ (Hậu Lâu -A, Kính Thiên – B, Đoan Môn – C và Cột Cờ – D). Với tư cách là một nhà nghiên cứu kiến trúc, lịch sử văn hóa Việt nổi danh, được trực tiếp quan sát di tích trong thời gian này, ông đã vẽ và ghi chú Hậu Lâu là “Palais du roi” nghĩa là cung điện của nhà vua. Điều này càng khẳng định dù đã bị sửa chữa nhưng Hậu Lâu vẫn giữ được hình dáng của kiến trúc gốc (xem ảnh 12).

Dựa vào những phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy: sự biến đổi của Tĩnh Bắc lâu chỉ thực sự bắt đầu khi có sự can thiệp của chế độ thực dân Pháp vào khu vực thành cổ Hà Nội, về cơ bản có thể chia 2 giai đoạn;

Giai đoạn 1 (1885-1887): Lầu Tĩnh Bắc bị biến thành một trạm phòng thủ, lính Pháp đã phá bỏ hình tượng mặt trời hoặc hồ lô ở đỉnh nóc tầng 3 để đặt cột ăng ten thu sóng, các cửa đều bị bịt kín, chỉ mở lỗ châu mai. Giai đoạn này, sự can thiệp của lính Pháp không đáng kể.

Giai đoạn 2 (1910 – 1921): Đây là giai đoạn kiến trúc bị can thiệp nhiều nhất, quân đội Pháp đã cho xây thêm một tòa hậu cung lớn 2 tầng áp vào mặt sau của Lầu Tĩnh Bắc, tòa này mở cửa thông với gian trung tâm. Sự thay đổi này dẫn đến một loạt thay đổi có tính hệ thống như: 2 cột vuông bị thay thế bằng cột sắt tròn in nổi dòng chữ “Baudet-Donon & Cie à Paris”; xây thêm bức diềm kiểu võng cửa trên đầu 2 cột sắt trước cửa hậu cung; mở thêm cửa giữa làm cửa chính vào kiến trúc; mở thêm cửa phụ ở phía sườn phía Tây, các cửa tầng 2 đều thay đổi để lắp thêm cánh cửa gỗ; xây thêm lò sưởi ống thông khói nhô cao trên mái của lầu phía Tây.

Ảnh 13: Mô phỏng quá trình biến đổi theo thời gian của Lầu Tĩnh Bắc (Hậu Lâu) ở cấu trúc bên ngoài
Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

Kết luận

Lầu Tĩnh Bắc (còn gọi Hậu Lâu) là di tích quan trọng của vương triều Nguyễn còn lại trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Có thể khẳng định, Lầu Tĩnh Bắc là một kiến trúc Đạo giáo phụng thờ Tam Tôn, nơi vương triều Nguyễn tổ chức tế lễ cầu phúc cho nhân dân Bắc Kỳ với mong ước Bắc Thành an yên, tứ phương vô sự đúng như tên gọi Tĩnh Bắc Lầu (靖北楼). Trải qua hơn 2 thế kỷ, Lầu Tĩnh Bắc còn có tên gọi khác như Hậu Lâu hay chùa các bà (Pagode des Dames). Không chỉ vậy, kiến trúc còn trải qua những lần tu sửa, mở rộng của quân đội Pháp khi đồn trú trong thành Hà Hội từ năm 1883 đến 1954. Căn cứ vào hiện trạng di tích và các nguồn tư liệu đáng tin cậy cho thấy Lầu Tĩnh Bắc đang hiện hữu là một kiến trúc gốc tiêu biểu có niên đại tuyệt đối (10/1821), có giá trị rất cao về kiến trúc mỹ thuật, kỹ thuật và công nghệ xây dựng đầu triều Nguyễn. Như vậy, Tĩnh Bắc Lâu chắc chắn là một minh chứng sinh động về sự tiếp nối của một trung tâm quyền lực, của kỹ thuật công nghệ và giao lưu văn văn hóa Đông – Tây. Những giá trị cốt lõi này không chỉ phản ánh chân thực lịch sử Thăng Long – Hà Nội mà còn củng cố, gia tăng các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

  • [1] Đại Nam thực lục chính biên, tập II, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.164
  • [2] Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.315
  • [3] Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.318.
  • [4] Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.417.
  • [5] Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.417.
  • [6] Triển lãm Thành Hà Nội – Citadelle De HaNoi (EFEO, 2010).
  • [7] Hoàng Xuân Hãn, Các Văn cổ về Hà Thành thất thủ và Hoàng Diệu, phần phụ biên trang 21.
  • [8] Bản đồ có tên Place de HaNoi Citadelle Plan d’ensem (Echelle 1/500), ghi chú Tokin Atlas de Ba’timents Militaires (EFEO, 2010).
  • [9] đây cũng là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã làm việc, lãnh đạo và chỉ huy trong thời kỳ hòa bình xây dựng và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ năm 2004, Bộ Quốc phòng đã từng bước thực hiện bàn giao Khu di tích Thành cổ cho TP Hà Nội để nghiên cứu lập hồ sơ khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đệ trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Tháng 9/2010 khu di sản chính thức trở thành di sản thế giới, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản càng được đẩy mạnh. Trong đó, việc nhất thể hóa quản lí là một trong những cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO, công việc này đã được Bộ Quốc Phòng và UBND thành phố Hà Nội hoàn tất vào tháng 11 năm 2024. Đánh dấu một thành quả nổi bật trong công tác nhất thể hóa quản lí và được UNESCO đánh giá cao.
  • [10] Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, 1998, Thám sát khai quật địa điểm Hậu Lâu (Hà Nội) đợt 1 và đợt 2, Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  • [11] Đạo giáo là tôn giáo đa thần, tôn thờ các sao trên trời, coi đây cũng là thần tiên. Vì thế, kiến trúc điển hình của Đạo Giáo là “quán”, đặt ở trên đỉnh núi cao, nếu ở đồng bằng kiến trúc có đặc trưng nhiều tầng vươn cao lên chiếm lĩnh không gian của bầu trời gọi là “lầu”. Đây là nơi tu luyện và cử hành nghi thức tôn giáo của các đạo sĩ. Trong các Đạo quán tùy vào qui mô kiến trúc mà có tên gọi khác nhau như: điện, đường, phủ, miếu, am, lâu, xá, trai, các … Ngoài đặc trưng kiến trúc, các trang trí mỹ thuật cũng có tính biểu trưng cao mang đậm yếu tố riêng của Đạo Giáo (https://vi.wikipedia.org).
  • [12] Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.318.
  • [13] https://www.luongthienxich.com/2023/09/than-tich-ve-uc-huyen-thien-chan-vu-ai-e.html.
  • [14] https://phatgiao.org.vn/gia-lam-co-them-mot-vi-ho-phap-d77823.html, đăng tải 25/09/2023, 17:12 pm.
  • [15] Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.315
  • [16] Nguyễn Thái Hòa (2019), Tín ngưỡng thờ Quan Công của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp ở Nghĩa An hội quán), đăng tải trên https://thanhdiavietnamhoc.com ngày 8/11/2019.
  • [17] https://www.epochtimesviet.com/hoa-thanh-ngo-dao-tu_410265.html, đăng tải 20/9/2023.
  • [18] Theo Nguyễn Quốc Hùng: “Huyền Thiên Trấn Vũ vị thần trấn giữ phương Bắc, một hướng rất xung yếu đối với đất nước Việt, sự an nguy của đất nước thời Trung đại dường như đều đến từ phương Bắc. Vì vậy, Quán Trấn Vũ và sự tồn tại của nó cũng là sự tồn tại của Đạo giáo có quan hệ mật thiết (trong tư tưởng) với sự tồn vong của đất nước” (Nguyễn Quốc Hùng, 2010, Khái lược về Đạo giáo và Đạo quán ở Việt Nam, tạp chí Di sản Văn hóa số 2(31)-2010, tr.64-69).
  • [19] Nguyễn Văn Uẩn, 1994, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tập 1, Nxb Hà Nội, tr.257
  • [20] Andrew Hardy, Nguyễn Tiến Đông cb, 2018, Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long – Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học, Nxb Thế giới, tr.303
  • [21] Jean Lambert-Dansette, Histoire de l’entreprise et des chefs d’entreprise en France, L’Harmattan, 2009, tome 5, p. 179.
  • [22] Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia ứng tuyển dự án xây dựng cầu Long Biên gồm: Levallois-Perret, Daydé et Pillé, Schneider et Cie (Creusot), Fives-Lille, Joret và Baudet Donon Paris. Sau cùng, Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button