Nhà D67, một di tích cách mạng tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh
Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, được UNESCO vinh danh vào năm 2010. Khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, trải dài suốt từ thời vua Lý Thái Tổ đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Đây là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê , là trị sở của Trấn Bắc thành Thời Nguyễn, đồng thời là sở chỉ huy, tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các di tích cách mạng trong khu di sản có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc giáo dục truyền thống cho nhân dân và thế hệ trẻ. Đặc biệt là di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống mỹ cứu nước.
Di tích cách mạng Nhà D67
Nhà D67 được xây dựng năm 1967. Đó là tòa nhà một tầng, diện tích 604,41m2, nằm cách nhà Con Rồng 30 m ở phía sau. Kết cấu móng, tường và mái bằng bê tông cốt thép nguyên khối mác 400. Tường ngoài dày 0,60m, tường ngăn dày 0,28m. Mái có 3 lớp. Trần dày 0,15m, ở giữa đệm cát dày 0,7- 1,15m, lớp trên dày 0,35m. Chính giữa là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương (rộng 76m2), bên cạnh là phòng nghỉ giải lao ( rộng 37 m2). Căn phòng nhỏ phía Đông là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( rộng 35m2), Căn phòng nhỏ phía Tây là nơi làm việc của đại tướng Văn Tiến Dũng (35m2). Từ nhà D67 có 2 cầu thang nối thẳng xuồng hầm D67 ( còn gọi là hầm Quân ủy trung ương).
Di tích Nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975, bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam( từ 1976 là Đảng cộng sản Việt Nam), Quân ủy trung ương và Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương chính sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tháng 1/1971, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương họp quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch ở khu vực đường 9 Nam Lào.
Ngày 30/1/1974, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam.
Ngày 30/9/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương tổ chức họp, nhất trí duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Bộ tổng tham mưu chuẩn bị. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975.” Tây Nguyên được chọn làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tổng tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.
Phòng họp Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương
Ngày 18/12/1974, hội nghị Bộ chính trị mở rộng được khai mạc tại sở chỉ huy – nhà D67 để bàn kế hoạch và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuộc họp bế mạc ngày 8/1/1975 và đưa ra nghị quyết : “ Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ chúng ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “ Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975- 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường Miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng Miền Nam.”
Về sự kiện này, trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, đại tướng Võ Nguyên Giáp viết : “ Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định. Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng được tập trung cao độ, lập kế bày mưu quyết tâm giành toàn thắng”.
Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngay sau khi hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bế mạc, ngày 9/1/1975, quân ủy Trung ương tổ chức họp triển khai nghị quyết Bộ Chính trị. Cuộc họp này khẳng định mục tiêu tiến công là Tây Nguyên, cụ thể là Buôn Mê Thuột.
Ngày 24/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương họp, khẳng định: Thời cơ chiến lược đã tới, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này, kể từ 20 năm qua. Cuộc tổng tiến công đã bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, thời cơ chiến lược mới đã đến. Nắm vững thời cơ chiến lược, hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài gòn trước mùa mưa.
Sáng 31/3/1975 Bộ Chính trị trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Bộ Chính trị nhận định : “ Cách mạng nước ta đang phát triển sôi nổi nhất với nhịp độ một ngày bằng 20 năm. Vì vậy bộ chính trị quyết định, nắm vững thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng tư, không thể chậm” (Trích nghị quyết Bộ chính trị ngày 1/4/1975). Từ sau hội nghị Bộ Chính trị ngày 31/3/1975, quyết tâm chiến lược của Đảng nhanh chóng biến thành hành động thực tiễn, từ tiền tuyến đến hậu phương. Ở khắp các chiến trường, khí thế tiến công của quân giải phóng như trẻ tre, như vũ bão. Ngày7/4/1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi mệnh lệnh đến toàn quân: “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng”.
Sáng ngày 29/4 và 30/4/1975, tổng hành dinh tràn ngập niềm vui. Bộ Chính trị và Quân ủy trung tập trung theo dõi sự phát triển của cuộc tổng tiến công và nổi dậy từng giờ từng phút, thảo luận công việc và đón tin chiến thắng.
Từ ngày 2/5/1975 về sau này, Quân ủy Trung ương còn tổ chức một số hội nghị tại nhà D67 để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Hơn 40 năm đã trôi qua, nhà D67 trở thành di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong khu sản Hoàng thành Thăng Long. Đến thăm di tích nhà D67 hôm nay, khách tham quan thật xúc động khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật của sở chỉ huy năm xưa, nơi làm việc của Bộ thống soái tối cao, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi tấm bản đồ, mỗi chiếc ghế ngồi, điện thoại làm việc đều gợi nhớ về một thời oanh liệt, về những năm tháng khó khăn, cam go và cả những giây phút hào hùng của dân tộc trong niềm vui chiến thắng.
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội