Người viết “Thiên đô chiếu” trong lễ hội nghìn năm thăng long
Một trong những công trình quan trọng sẽ được trưng bày trong Đại lễ kỷ niệm tròn Thiên niên kỷ Thăng Long – Hà Nội là bức “Thiên đô chiếu” của Đức Lý Thái Tổ, chữ đồng gắn trên nền sơn mài rộng 1,8x3m. Tác giả thể hiện những dòng chữ thiêng liêng ấy là “Long thành lão nhân” (Ông già thành Thăng Long) Nguyễn Văn Bách.
Tôi nhớ một buổi sáng cách đây hai năm, tôi đến thăm cụ Nguyễn Văn Bách. Trong căn phòng đầy sách vở, bút lông, mực Tàu và treo nhiều chữ Hán ở ngõ Tràng Tiền, cụ Bách lặng yên ngồi kiết già trên chiếu để… Thiền định. Mùi hoa ngâu ngoài ban công thoang thoảng. Khi thấy tôi, cụ nói: “Mấy hôm nay bác viết “Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ để Sở Văn hóa – Thông tin chuyển sang làm chữ đồng. Vì thế bác ngồi thiền một lát cho tâm thân thanh tịnh, dồn tâm trí cho con chữ…”.
Cụ nói và cho tôi xem những chữ đã viết. Mỗi chữ cao 10 cm, theo kiểu hành thư, uyển chuyển, ngoạn mục mà vẫn chân phương. Chữ viết bằng mực đỏ đã được viền bằng bút bi, người thợ đồng cứ theo đó mà cắt chữ. “Chiếu dời đô” gồm 217 chữ đã được bậc đại thư pháp thể hiện một cách mỹ mãn. Cụ Bách vui vẻ cho hay: “Tôi thấy công trình này có sự họp mặt của “tứ long”.
Này nhé, đây là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; hiệu của tôi là “Long thành lão nhân”; chủ đầu tư là ông Phan Đăng Long – Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin; người thợ làm chữ đồng là ông Nguyễn Thế Long. Thật là cái duyên lạ lùng”. Cụ Bách vừa nói vừa bóc hộp trà “Long tỉnh” do anh con trai mang từ Đài Loan về để pha đãi khách.
Cụ Nguyễn Văn Bách và một bức thư pháp
Trong lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ” Chiếu dời đô” là một thư tịch đặc biệt quý báu, liên quan trực tiếp và thể hiện rõ ràng nhất tầm nhìn của một vị minh quân, mở đầu cho những năm tháng độc lập, tự chủ vẻ vang của dân tộc ta. “Chiếu dời đô không chỉ có ý nghĩa về các mặt văn học, lịch sử mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu xa lắm” – Nhấp một ngụm trà nhỏ, cụ Bách thong thả nói.
Cuối năm 2008, cụ Nguyễn Văn Bách lại được mời thể hiện một bản “Thiên đô chiếu” khác để khắc trên bình phong đá, phía sau tượng đài Lý Thái Tổ ở bên Hồ Hoàn Kiếm. Công trình này đang được thực hiện một cách khẩn trương.
Ngoài “Thiên đô chiếu”, cụ Nguyễn Văn Bách còn là người có duyên với những áng thiên cổ hùng văn của dân tộc ta. Cụ đã viết “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn nhân kỷ niệm 700 năm Chiến thắng Nguyên Mông lần thứ ba; “Bình Ngô đại cáo” nhân dịp kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Bài thơ “Thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt, cụ cũng thể hiện nhiều lần…
Chữ của cụ Bách có mặt khắp Nam, Bắc, Tây, Đông, riêng Hà Nội thì cụ để lại nhiều dấu ấn. Ba chữ “Văn Miếu Môn” trên Tam quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám là thủ bút của cụ Bách nhân dịp Nhà nước cho đại trùng tu di tích này cách đây ba chục năm. Khi đó điều kiện khó khăn, chữ yêu cầu cao đến gần 1m, lại không có bút đại, cụ Bách phải lấy một nắm giẻ lớn, kết lại rồi nhúng vào mực, đưa cả cánh tay theo từng nét chữ. Bây giờ đến thăm di tích này, mấy ai biết đó là những chữ được viết lại vì nó đạt đến chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị. Ở Văn Miếu, cụ Bách còn viết câu đối trong nhà bia và mới đây nhất là hoành phi câu đối trong nhà Thái Học.
Chữ trên tháp Hòa Phong bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, trên cổng thành Hà Nội nơi thờ Tổng đốc Hoàng Diệu cũng là chữ của cụ; chữ ở đền Cổ Loa, đền Lệ Mật và vô số di tích khác nữa cũng có dấu ấn bàn tay tài hoa và tâm huyết của cụ Nguyễn Văn Bách.
Được tin cậy “chọn mặt gửi vàng” như thế bởi cụ Bách không chỉ là nhà thư pháp chuyên nghiệp mà còn là một nhà Hán học uyên thâm. Nếu chỉ viết đẹp thì rất dễ viết sai, nhất là đối với những chữ người ta chỉ còn nhớ âm mà không rõ mặt chữ.
Cụ Bách sinh ra trong một gia đình tổ tiên đỗ đạt, thân phụ cũng là một ông đồ thanh bạch. Cụ kế thừa được truyền thống Nho học của gia đình và được rèn chữ từ nhỏ. Việc học chữ theo nếp nhà vậy thôi (vì lúc đó Nho học đã tàn, “ông Nghè ông Cống cũng nằm co”) nhưng những cố gắng và lòng đam mê ấy đã làm nên tên tuổi một nhà Nho thâm hậu và nhà thư pháp có tiếng Nguyễn Văn Bách sau này.
Cụ Bách là người có thể đọc thông “Hịch tướng sĩ”, “Bạch Đằng Giang phú” rồi “Côn Sơn ca” hay “Xích Bích phú”, “A Phòng phú”, “Tư xuân phú”, và vô số các bài thơ Đường, thơ Tống. Cụ cũng là một trong các dịch giả đã tham gia cùng với một số nhà xuất bản dịch các trước tác chữ Hán của các danh nhân Nguyễn Trãi, Ngô Quang Bích, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh…
Có lần tôi hỏi, làm sao để có kiến thức sâu sắc như vậy, thì cụ nói, thấy xấu hổ khi mình dốt, “tri sỉ cận hồ dũng”, biết xấu hổ là gần như có dũng khí. Có dũng khí để mình cố gắng học hơn, chữ nào, cái gì mình chưa rõ thì phải tìm, phải học cho bằng rõ mới thôi. Cứ cố gắng, từng bước sẽ có kết quả.
Một chuyện nhỏ khác cho thấy tính cách của cụ Bách. Trong nhà cụ có treo một bức thư pháp được chụp lại, phóng to lồng khung kính rất cẩn thận. Tôi nghĩ đó hẳn là chữ của chủ nhân hay của một danh nho nào đó. Hỏi ra thì không phải, đó là chữ của một cô bé hơn 10 tuổi ở Trung Quốc. Mặc dù không phải chữ nào cũng đẹp nhưng ít tuổi mà viết được như vậy thật hiếm, “hậu sinh khả úy” nên cụ cho chụp lại rồi phóng to để treo lên.
Dù sắp bước sang tuổi 85, cụ Bách vẫn còn trẻ lắm, không mắc “bệnh người già”, thứ “bệnh” luôn lấy mình làm chuẩn mực và ít công nhận người khác, nhất là trong lĩnh vực sở trường của mình.
Cụ Bách viết không nhiều, và hầu hết là những bài tâm sự, nhưng những gì cụ đã công bố thì thật đặc sắc, nhất là mảng câu đối. Năm 1985, kỷ niệm 700 năm chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai, cụ Nguyễn Văn Bách có đôi câu đối đăng trên báo Nhân Dân:
Nhân dịp năm mới Kỷ Sửu, tôi đặt vấn đề với cụ Bách, những mong cụ cho đôi câu đối để… chơi tết. Cụ Bách chậm rãi đọc cho tôi nghe bài thơ “Ngưu nhi” (Con trâu) chưa rõ tác giả: “Bình sinh sương thử nhẫn chuyên cần/ Chiến đấu cương cường mạc cố thân/ Lực tận cân bì tương tác tể/ Vô hoài khẩu phúc thị phi nhân”, nghĩa là: Hai sương một nắng những chuyên cần/ Khi chọi gồng mình chẳng quản thân/ Thắng bại phó cho phường thợ thịt/ Lột da, móc ruột mặc xoay vần… Cụ đọc và nói vui: “Tôi tuổi Trâu, năm mới lại là năm Trâu nên nhớ ra bài thơ này”.
Ngồi hầu trà cụ Bách, một ông già thành Thăng Long thâm hậu, tôi nhận ra cụ là cây cầu nối về một nền văn hiến đang ngày càng trở nên hiếm hoi, thưa vắng. Ngoài kia con phố Tràng Tiền người xe náo nhiệt, có mấy ai biết cách đó mấy bước chân có một thế giới khác, lắng đọng tinh hoa của một Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đang hiện hữu…
Nguyễn Phan Khiêm