Chiếc đĩa mang dấu ấn Phật giáo

Một loại bát đĩa sứ có hình dáng 8 cạnh, trong lòng in 8 chữ Hán được cho là đồ dùng trong Hoàng cung và có liên quan đến Phật giáo.

Theo nhà khảo cổ học Bùi Vinh, trong vô vàn các loại đồ sứ Việt đã thu được từ cuộc khai quật năm 2008 ở địa điểm Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội), có một loại hình đồ sứ rất quý hiếm chỉ có thể được dùng trong Hoàng cung và chắc chắn có liên quan đến Phật giáo. Đó là một loại bát đĩa sứ có hình dáng 8 cạnh và trong lòng in 8 chữ Hán. Phát hiện này đã được ông Vinh công bố trong Hội nghị thông báo khảo cổ học 2012 vừa qua.

bat-dia-d

Chiếc đĩa mang dấu ấn Phật giáo – Ảnh: Bùi Vinh

Ông Vinh cho biết, hiện đã phát hiện 3 tiêu bản loại bát đĩa tại địa điểm Trần Phú. Trong đó có 2 bát và 1 đĩa. Tất cả đều là loại gốm men trắng hơi ngả xanh với dáng bát gần hình phễu. Chúng có thân và miệng hình bát giác 8 cạnh, đế thấp, trôn đực, mép đế cắt phẳng. Trong lòng đều có 5 dấu chân kê hình tam giác mang đặc trưng loại hình bát đĩa sứ thời Trần thế kỷ 14.

8 chữ gì ?

Cũng theo ông Vinh, cả 3 đồ đựng này đều có in đập nổi 8 chữ Hán. Những chữ này phân bố đều ở 8 cạnh chạy vòng quanh trong lòng bát đĩa. Đáng tiếc, có 2 trường hợp bị vỡ mất 2-3 chữ. Trường hợp còn lại có đủ mặt cả 8 chữ nhưng có 2 chữ bị thiếu nét do in dập không rõ ràng. Sự không hoàn thiện này khiến cho người đọc cũng phải suy đoán các chữ trên. Trên thực tế trong hội thảo, cũng có một số quan điểm khác nhau về cách đọc các chữ này, phần lớn bắt nguồn từ hiện trạng khó đọc của chúng.

Tuy nhiên, báo cáo của ông Vinh cho biết hiện tại đã có một số nhà Hán học trực tiếp nghiên cứu 2 chiếc bát. Trong số này đó có cả GS Hà Văn Tấn, ThS Phạm Lê Huy và ThS Đặng Hồng Sơn. Điểm chung của các nhà nghiên cứu vừa nêu là đều thống nhất xác nhận các chữ nổi in trong lòng các đồ vật này.

Theo đó mẫu bát bị vỡ mất 3 chữ, còn lại 5 chữ nằm liền nhau được đọc là “Bảo – Kim – Thực – Bát – Giác”. Mẫu bát còn đủ cả 8 chữ, trong đó có 2 chữ bị thiếu nét chỉ mang tính chất dự đoán theo các trật tự như sau: “Bảo – Ngọc – Kim – Thực – Thanh – Nữ – Bát – Giác”. “Như vậy trật tự các chữ ở hai bát này có sự khác nhau chút ít nhưng về nội dung của chúng đều phản ánh những bát này là đồ dùng quý giá như bảo vật. Dĩ nhiên, để hiểu đúng nghĩa của những chữ này còn cần phải khảo cứu nhiều – đặc biệt là trong lĩnh vực Phật học”, ông Vinh cho biết.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vinh cho biết, không nên quên rằng văn hóa thời Trần là văn hóa của Thiền học. Vì vậy mà tư tưởng của thiền học thâm nhập khá sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống sinh hoạt. Vua tôi nhà Trần đều là những người sùng tín đạo Phật. Đó là lý do để khẳng định những chiếc bát này được sản xuất ra để phục vụ cho những tín đồ Phật giáo ở Hoàng cung. “Thời Trần thể hiện rất rõ quan điểm Phật giáo nhập thế. Bản thân một vị vua nhà Trần cũng hóa Phật – Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

Yếu tố Phật giáo trên đồ gốm sứ cũng như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long không phải lần đầu tiên được nhắc tới. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử trong một thuyết trình của mình từng nói tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo không chỉ hiện diện rõ nét ở Hoàng thành Thăng Long mà còn góp phần quan trọng tạo nên giá trị độc nhất vô nhị của khu di tích, là biểu hiện rõ nét của sự giao thoa văn hóa.

Cũng theo GS Lê, dấu ấn Phật giáo thể hiện rất đậm nét trong toàn bộ di sản, đặc biệt là ở thời Lý Trần khi Phật giáo nắm vai trò chủ đạo. Kiến trúc Phật giáo với nhiều tháp, và nhiều ngôi chùa hiện diện ngay trong Cấm thành, đặc biệt có viên gạch thời Trần khắc “Hưng Hóa thiền tự”, nghĩa là đã có chùa Hưng Hóa trong Cấm thành thời Trần, dù sử không chép gì về ngôi chùa này. Nghệ thuật trang trí cung đình mang đậm dấu ấn Phật giáo với sự xuất hiện rất phong phú của hoa sen, lá đề, hai “hình tượng” tiêu biểu của Phật giáo.

Trên nền tảng văn hóa đó, việc những chiếc bát đĩa mang dấu ấn Phật giáo xuất hiện cũng không có gì lạ. Đặc biệt ông Vinh cũng cung cấp thêm thông tin rằng, loại hình bát đĩa hình bát giác 8 cạnh có viết 8 chữ Hán như trên cũng được phát hiện ở khu vực 18 Hoàng Diệu. Trong số này có cả những chiếc đĩa đời Trần ngoài men trắng nhưng trong lòng lại được phủ men nâu – một loại màu “hoại sắc” theo quan niệm của Phật học. Hoại sắc, theo ông Vinh, thậm chí còn không được coi là màu từ góc độ giáo lý nhà Phật và rất ít được dùng trong trang trí kiểu cách.

Trinh Nguyễn

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button