Khai mạc Festival Huế 2014: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”
Vào 20h00 tối 12/4, Festival Huế 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” chính thức khai mạc hoành tráng và đặc sắc tại Quảng trường Ngọ Môn – Cố đô Huế.
Nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng, đồng thời tránh sự lặp lại, chương trình khai mạc Festival Huế năm nay diễn ra tại quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ đài.
Với số đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế tham gia đông nhất từ trước đến nay, Festival Huế lần thứ 8 không chỉ góp phần mở rộng giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới, đưa di sản lan tỏa, thấm sâu trong cộng đồng mà còn có nhiều chương trình nghệ thuật đương đại, hứa hẹn sự mới lạ, hấp dẫn.
Nếu như Festival Huế năm 2000 chỉ có 1.000 nghệ sĩ, diễn viên ở 4 quốc gia tham gia, thì đến năm 2014, con số này tăng lên 1.400 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc năm châu lục. Hơn thế, trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival Huế 2014 còn có “Liên hoan ẩm thực quốc tế ASEAN+3”; “Hội nghị Bộ trưởng Phụ trách văn hóa và nghệ thuật các nước ASEAN+3”; “Liên hoan Múa quốc tế”… “Ở khía cạnh này, Festival Huế không còn là sự kiện của riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, mà là một trong những sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa các vùng miền đất nước, kết nối di sản văn hóa năm châu
Cùng với mục tiêu giao lưu, trao đổi văn hóa quốc tế, Festival Huế lần thứ 8 còn có nhiệm vụ đưa di sản đến với cộng đồng.
Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, đa dạng sẽ diễn ra liên tục 9 ngày kể từ đêm khai mạc. Những người tham dự sự kiện sẽ được sống trong không khí của Festival, được thưởng thức các loại hình nghệ thuật độc đáo thông qua các chương trình biểu diễn cộng đồng của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế với điểm nhấn là chương trình “Phố đêm” do chính người dân Huế tổ chức xung quanh Hoàng thành của Đại nội Huế. Tại đây, người dân sẽ giới thiệu, bày bán thực phẩm, hàng lưu niệm do mình làm ra và trình diễn các tiết mục văn hóa, nghệ thuật “cây nhà lá vườn”. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng như: Lễ hội “Chợ quê ngày hội” diễn ra tại cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy); “Hương xưa làng cổ” tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền); chương trình ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế; nghệ thuật sắp đặt và âm nhạc đường phố tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…
Sân khấu chương trình nghệ thuật bế mạc dự kiến sẽ có sự kết hợp về hình ảnh, không gian của các công trình mang tính biểu tượng cho văn hóa Huế (cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba và Bệnh viện TƯ Huế); trong đó, cầu Trường Tiền sẽ là sân khấu chính với nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse. Đây cũng là những điểm mới nổi bật của Festival Huế 2014.
Một số chương trình nổi bật tai Festival Huế 2014
Đêm Hoàng Cung: bắt đầu vào lúc 18h45′ tại nhà Cửu vị thần công phía trong cửa Thể Nhơn, là chương trình nghệ thuật tái hiện những vẻ đẹp lung linh của Đại Nội – Huế về đêm với vua chúa, thái hậu, hoàng tử, công chúa, quan binh, thái giám, thị nữ, các công trình kiến trúc và các sinh hoạt văn hóa trong các cung điện xưa, sẽ được diễn ra vào ngày 15 và 19/4/2014.
Chương trình sắp đặt lửa đoàn nghệ thuật Carabosse Cộng hòa Pháp và Triển lãm ảnh 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sébastien Laval trên cầu Trường Tiền:
Carabosse trở lại Việt Nam lần thứ hai tại Festival Huế, đoàn nghệ thuật nghệ thuật sắp đặt lửa nổi tiếng thế giới Carabosse đến từ Cộng hoà Pháp, với khát khao sáng tạo một loại hình nghệ thuật quảng đại, vượt qua ngôn ngữ và dễ dàng đến được với mọi tầng lớp khán giả, một lần nữa sẽ mang đến cho công chúng nghệ thuật sắp đặt nến độc đáo, ấn tượng trong không gian huyền ảo của Sông Hương và cầu Trường Tiền Huế. Thời gian diễn ra vào ngày 18/4/2014 và ngày 20/4/2014.
Lễ hội Áo dài: Qua mỗi kỳ Festival Huế, lễ hội áo dài đã đi vào lòng công chúng vì sứ mệnh của sự gìn giữ vẻ đẹp truyền thống dân tộc đã được phát huy và mạnh mẽ hơn qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên cả nước. Năm nay, với ý tưởng rộng mở và táo bạo, mỗi nhà thiết kế bằng sáng tạo của mình đại diện cho một đất nước trên thế giới. Chúng ta lại nhìn thấy được không chỉ là vẻ đẹp vĩnh cữu của chiếc áo dài mà còn là tiếng nói của nhiều phong cách đặc trưng cho mỗi đất nước, chúng ta sẽ cùng sống trong hơi thở của thời đại mới.
Chương trình tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình”: Đêm tôn vinh những giá trị nghệ thuật, các bậc nghệ nhân tiền bối, khẳng định chất lượng cũng như bản sắc độc đáo, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian của nghệ thuật ca Huế, cùng kết hợp hoạt động thả đèn hoa đăng trên sông Hương, một nét đẹp mà du khách mỗi lần thưởng thức ca Huế đều luôn hướng tới.
Đêm Phương Đông: Bản sắc châu Á, vẻ đẹp châu Á được giới thiệu sẽ cho chúng ta cảm nhận được sức mạnh của những đất nước có nền văn minh huyền bí. 11 nước sẽ lần lượt xuất hiện với những vẻ đẹp độc đáo và khác biệt qua những trang phục truyền thống của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Mông Cổ, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam.
Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa”: Thời gian diễn ra các buổi chiều ngày 13 – 19/4, là sự hòa quyện giữa âm nhạc và vũ điệu đặc sắc rất riêng của các đoàn nghệ thuật đến từ các vùng đất Đông Á – Mỹ La tinh. Bằng sự đồng điệu trong dòng chảy văn hóa âm nhạc và vũ nhạc qua ngôn ngữ không biên giới, chương trình sẽ diễn ra vào các buổi chiều trên những đường chính của thành phố Huế, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho Festival Huế 2014.
Sân khấu Âm nhạc đương đại Cung An Định: Lần đầu tiên tổ chức tại Cung An Định trở thành một điểm hoạt động biểu diễn của các đoàn nghệ thuật hiện đại có đẳng cấp của quốc tế và một số nhóm nhạc, ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, thời gian diễn ra liên tục vào các tối từ 13 đến 19/4.